20 năm đi bán chén dĩa nuôi con gái bị ung thư và đứa cháu khờ
Đối với những người dân ở toà nhà Bitexco (Ngô Đức Kế, Q.1, TP.HCM), lâu nay họ đã quen thuộc với hình ảnh bà cụ nhỏ thó, tóc cắt ngắn lấm tấm sợi bạc, ngồi bán từng món chén dĩa suốt 2 mùa mưa nắng. Họ gọi cụ bằng cái tên thân thương: Ngoại.
Ngoại tên thật là Mai Thị Bức, năm nay 68 tuổi. Ở thành phố này, chắc hiếm ai ở cái tuổi Ngoại lại có sức mạnh phi thường như thế! Gần 20 năm mưu sinh, cũng là ngần ấy Ngoại gồng gánh chồng chén dĩa trên vai, đi bán khắp ngõ ngách Sài Gòn. Chỉ khi gần đây, đôi vai trở nên trĩu nặng, Ngoại mới chịu dừng chân dưới tòa cao ốc bán buôn qua ngày.
Ngoại kể: Năm đó, Ngoại vừa đẻ đứa con gái đầu lòng, thì chồng mất. Một thân Ngoại phải lăn lộn trăm nghề, nuôi đứa con gái nên người. “Công lên chuyện xuống Ngoại cũng nhận làm cả! Đi gánh mắm nè, bán chuối nướng, vé số, sương sa, bánh canh,… đụng gì bán nấy, miễn kiếm ra tiền là được”.
Rồi chị Hồng (51 tuổi) lớn lên, lấy chồng, sinh được cho Ngoại 2 mụn cháu trai. Ai ngờ đâu, cậu lớn lanh lẹ bao nhiêu, cậu nhỏ lại khờ khạo, một tay mẹ chăm bẵm bấy nhiêu. Thế mà, người chồng nỡ lòng có vợ lẽ, chị Hồng đành trở về căn nhà xập xệ của Ngoại, sống côi cút 4 phận người. Chẳng giàu có gì, vẫn chén rau ăn qua ngày, nhưng cuộc sống êm đềm trôi qua.
Cho đến cái hôm cách đây 8 năm, chị Hồng trở cơn đau bụng quằn quại, lên tới viện thì bác sĩ nói: Ung thư rồi khiến cả nhà chết đứng.
“Có hai mẹ con mà giờ chẳng lẽ mình già lại tiễn nó đi trước, cứ nghĩ thôi là mình khóc. Rồi bữa con nhỏ nhập viện, mình đi bán trên Sài Gòn, chiều đón xe về Bình Dương lo cơm nước, tối lại ngược lên Chợ Rẫy chăm con. Ngày nào cũng nắm tay bác sĩ kêu cứu giùm con gái mà bác sĩ chỉ biết lắc đầu, dặn: Còn gì thì cho nó ăn, chứ ung thư rồi!”.
Chị Hồng trở về nhà, không ăn không uống nằm như người chờ chết. May mắn thay, sau 10 ngày chị dần hồi tỉnh, nghe lời má, ráng lấy sự lạc quan để tiếp tục sống.
Từ đó, tiền ăn, tiền thuốc, viện phí, hoá chất,… Ngoại gồng gánh trên vai. Mỗi sáng, Ngoại lặn lội đón chuyến xe buýt từ Bình Dương ngược lên trung tâm Q.1 bán hàng tới chập choạng tối. 5 ngàn một cái chén, 10 ngàn một cái ly, 15k một cái tô gốm sứ… Ngoại chắt chiu từng đồng để trị bệnh cho con.
“Sáng chỉ có 10 ngàn bánh canh cho no bụng thôi, lên phố có dám mua cái gì nữa đâu. Để dành đó, tối về nhà tự nấu cơm ăn với nhỏ cho vui…” - Ngoại cười.
Dáng Ngoại gầy nhôm, cao chưa đặng mét tư, vậy mà vẫn gánh bao chén, dĩa, gốm sứ,… nặng gấp đôi thân mình, rong ruổi khắp Sài Gòn. Chỉ hôm nào chị Hồng khoẻ hơn, chị lại cùng lên phố phụ Ngoại một tay.
“Ai mà nghĩ má chị gần 70 rồi còn đi nuôi con gái. Hổng hiểu sao bả khổ thế! Bữa nào đi bán một mình là chị nằm nhà lo, vì bả té phát là xem như đi luôn. Chị lớn rồi còn làm khổ má ghê…” - chị Hồng tâm sự.
Tấm lòng hào sảng của người Sài Gòn
Cái tánh Ngoại vui vẻ và dí dỏm, chưa bao giờ vì cái khổ mà Ngoại rầu cả. Đang ngồi soạn chén, đĩa, ly, bát… bày biện cho đẹp mắt, chợt có khách tạt ngang là Ngoại liền cười tươi rói: “Mua đi cô cậu, gốm sứ giá rẻ thôi”.
Cũng nhờ vậy, người Sài Gòn thương cái sạp gốm sứ của Ngoại nhiều hơn. “Có hôm, mấy cô cậu tận Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình… vẫn chạy qua mua phụ. Rồi cô chú văn phòng trong Bitexco nè, cứ 3-4 bữa lại ghé mua một chập, bán cái món gì cũng khen, hổng thèm trả giá một tiếng luôn…”.
Ngồi ở cái sạp lề đường chưa đặng tiếng đồng hồ buổi trưa, đã có gần 50 người tới lui. Ai cũng áo vest trịnh trọng, quẹo lựa từng món hàng nhỏ xíu 5 ngàn, 10 ngàn. “Cứ đi làm là đã thấy bà ngồi đấy rồi, tận mấy năm. Nghỉ trưa cũng bỏ cơm, chạy xuống mua phụ cái này cái nọ. Nặng muốn chết chớ bộ, nhưng mà chị vui…” - chị Bích (42 tuổi) chia sẻ.
Riêng anh Thành (45 tuổi) thì bữa nào mua hàng cho Ngoại ít nhất cũng 200 - 300 ngàn, có hôm hơn triệu đồng. Anh cười: “Ngoại đáng tuổi mẹ anh, mà vẫn hằng ngày mưu sinh nên anh thương lắm! Đồ đẹp, giá lại rẻ nữa nên anh cứ ưng lựa hoài. Giờ đã có cả bộ sưu tập ở nhà rồi, vợ con cứ nhắc khéo hoài”.
Cũng nhờ vô vàn tấm lòng hào sảng ấy mà những ngày không còn sức đi bán dạo, Ngoại lại có cái vệ đường ngồi giữa phố. “Yếu lắm thì bước lên xe buýt đã có chú tài xế phụ một tay. Bác xe ôm chở đến tận nơi khiêng xuống đường giúp. Rồi mấy cô cậu thanh niên còn cho gửi đồ những hôm bán ế nữa chớ…” - Ngoại kể.
Giờ đây, ở độ tuổi gần đất xa trời, kinh qua bao cái khổ, Ngoại Bức vẫn chưa từng tắt nụ cười lạc quan. Khi tui hỏi: Cái số vậy, Ngoại hổng có than thân trách phận sao? Ngoại lại tủm tỉm: Còn sức đâu mà buồn. Sống tới tuổi này còn đi lại ngon lành là mừng rồi!
20 năm mưu sinh giữa Sài Gòn, niềm vui của Ngoại là được mọi người thương yêu, phụ giúp mua ít món hàng… Ngoại sẽ có thêm số tiền, chắt bóp để duy trì sự sống cho đứa con gái. Để rồi mỗi ngày, dưới chân tòa nhà Bitexco, người ta vẫn thấy dáng Ngoại ngồi lọt thỏm giữa ồn ào thành phố, đang nhoẻn miệng cười rất hiền: “Mua đi con, mua giúp cho Ngoại nữa đi con…”, mặc cho hối hả ngược xuôi.