Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

'Chúng tôi sai, người Việt (có thể) muốn quên nhưng chúng tôi thì luôn nhớ'

Đó là lời chia sẻ của vị giáo sư tại một trường đại học Mỹ - người đã chứng kiến những gì diễn ra với Việt Nam trong chiến tranh và kinh hãi mỗi khi nhìn lại những hình ảnh đó.

Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Vĩnh Khang vừa chia sẻ những câu chuyện rất ý nghĩa về quan điểm của những người Mỹ khi họ nói về chiến tranh Việt Nam. Mặc dù chỉ là những ý kiến cá nhân, nhưng đây được coi là suy nghĩ tích cực có thể khiến ai đó thay đổi quan niệm về người Mỹ trong cuộc chiến khốc liệt tại Việt Nam trước đây.

Vĩnh Khang hiện đang theo học chuyên ngành Master of Arrs Journalism tại trường Syracuse University, ở tiểu bang New York. Anh từng công tác tại một số cơ quan báo chí trong nước và chuyên viết các vấn đề văn hoá nghệ thuật, giới trẻ, lối sống,…

Được sự đồng ý của nhà báo Vĩnh Khang, Saostar xin phép được đăng những dòng chia sẻ rất ý nghĩa này.

0306VinhKhang1

Dòng chia sẻ của tác giá Vĩnh Khang trên mạng xã hội Facebook sáng nay.

“Trong thời gian tôi học tập ở Mỹ, có mẩu chuyện nhỏ này xin kể với mọi người.

1. Hồi học kì mùa hè, tôi phải đi tác nghiệp một nơi khá xa. Nếu đi taxi cả đi, cả về, ước tính tốn chừng 100 đồng, mà xe bus thì ko có tuyến đến thẳng địa điểm đó. Tôi dự tính, đi xe bus đến một điểm gần đó rồi bắt taxi đi tiếp. Trên xe bus, gặp một ông chừng 60 tuổi đi cùng một đứa trẻ con.

Ông bắt chuyện với tôi và khi biết tôi từ Việt Nam sang học, và đang đi đến một địa điểm khá xa để làm bài tập. Ông bảo, đến bến tiếp theo thì dừng lại. Ông vào nhà lấy xe đưa tôi đến địa điểm đó và sẽ chờ tôi làm xong bài tập, rồi chở tôi về.

Tôi khá ngạc nhiên và có chút nghi ngờ với lời đề nghị này vì tôi không hiểu, tại sao ông này tốt với tôi vậy. Tuy nhiên, tôi thấy ông đi với một đứa trẻ con, mà tôi thì có quan điểm, chỗ nào có trẻ con có lẽ chỗ đó an toàn. Hơn thế, tôi lại còn tiết kiệm được tiền đi taxi nữa nên đồng ý luôn.

Lúc trên xe, ông kể chuyện cho tôi nghe. Ông là cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Ông hối hận về điều này. Từ sau chiến tranh, ông đã quay lại Việt Nam 3 lần để làm từ thiện. Ông bảo, bất cứ lúc nào nếu giúp đỡ được ai đó là người Việt Nam, ông cảm thấy thanh thản một phần nào đó.

Tôi tin điều đó.

2. Giáo sư dạy môn Arts Reporting của tôi là một người khó tính, khó gần và với tôi, là một “cục xương” cần phải vượt qua.

Hơn nữa, ông hay nhắn nhủ cuối mỗi bài tập: đừng sợ hãi vì điểm kém. Điều này làm tôi có cảm giác hơi khó chịu, chắc vì tính tôi sĩ diện, nói thế khác gì coi thường nhau..

Cuối học kì đó, ông nói trước lớp. Là một người Mỹ, là một người chứng kiến những gì diễn ra với Việt Nam trong chiến tranh. Ông từng sợ hãi khi nhìn thấy những hình ảnh trong chiến tranh Việt Nam. “Tôi xin lỗi cậu sinh viên Việt Nam duy nhất trong lớp này. Chúng tôi sai, người Việt (có thể) muốn quên đi nhưng chúng tôi thì luôn nhớ.” (Tôi từng kể, bố mẹ tôi đều tham gia phong trào thanh niên xung phong và làm lính chống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam)

Chắc đó là giây phút tôi thấy ông dễ thương nhất và mọi sự sợ hãi, khó gần bỗng tan biến hết. Từ đó, tôi thấy ông dễ gần hơn (hoặc do tôi không còn mặc định ông khó gần nữa). Các học kì sau, dù không học ông nữa nhưng mỗi lần gặp ông ở sảnh, ông hay bảo, nếu có gì khó khăn thì email hoặc gặp ông ở văn phòng.

Tôi cũng tin lời xin lỗi của ông xuất phát từ sự chân thành của một công dân nước Mỹ.

3. Mấy hôm nay, báo chí dấy lên cuộc tranh cãi về ông Bob Kerrey, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam được bổ nhiệm làm chủ tịch Đại học Fulbright.

Không hiểu sao, đọc những lời tâm sự của ông tôi lại thấy lạc quan. Ông thẳng thắn, nhìn nhận mọi thứ và tôi còn có thể nhìn thấy được ông cũng là một con người bình thường, có những nỗi sợ hãi, trốn tránh rất bản năng và dằn vặt với những gì đã xảy ra. Và bây giờ, có lẽ làm việc gì đó cho Việt Nam là thứ ông có thể đối diện mọi thứ theo cách tích cực nhất.

Tôi có đọc bài phỏng vấn với bà Tôn Nữ Thị Ninh trên Zing về vấn đề này. Tôi chỉ chú ý câu “Việc ông hối hận về vai trò trong vụ thảm sát Thạnh Phong tôi không thể biết và chỉ có mình ông Kerrey biết.”

Tôi vốn cảm tính. Cộng thêm những gì trải qua trên đất Mỹ. Tôi tin rằng, người Mỹ họ làm việc bằng niềm tin và sự chân thành. Còn người Việt, vẫn còn đó sự dè dặt và nghi kị.

Chúng ta hay dạy nhau câu: người Việt không được quên cuộc chiến tranh với người Mỹ. Thì người Mỹ, họ cũng vậy. Họ không quên. Nhưng nhớ với thái độ nào mới là điều quan trọng.

Người Mỹ nhớ để bắc cầu đến tương lại. Lẽ nào, người Việt nhớ để giam cầm chính mình trong quá khứ?

Riêng tôi, thì tôi tin ông Kerrey.”

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất