Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chúng ta còn tiếp tục 'giải cứu' dưa hấu đến bao giờ?

Cố gắng cứu vớt một nông sản không sinh lời, thậm chí thua lỗ năm này qua năm khác không phải là giải pháp tốt cho người nông dân và cả nền kinh tế.

Trong những ngày gần đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp lời kêu gọi “giải cứu” dưa hấu cho nông dân Quảng Ngãi. Nguyên nhân là vì giữa tháng 3, giá dưa tại ruộng “tuột dốc” thảm hại xuống còn 500 -1.000 đồng/kg, trong khi phải bán với mức giá 2.500 đồng/kg mới đủ để bù đắp chi phí mà bà con đã bỏ ra.

Hình ảnh những trái dưa tròn lông lốc vứt chỏng chơ không ai mua hay bác nông dân khắc khổ ôm quả dưa đã nứt toác bên cánh đồng khiến nhiều người mủi lòng, một sự mủi lòng…thường niên.

Đến hẹn lại lên, những chiến dịch “Giải cứu dưa hấu” đã không còn xa lạ với nhiều người khi nó đã tiếp diễn qua nhiều năm trở lại đây.

Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng dưa hấu không bán được. Cụ thể, thời điểm tháng 4/2015, giá dưa ở Quảng Ngãi chỉ còn 500 đồng/kg, các ngành chức năng, đoàn thể, địa phương tham gia hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa. Đến năm 2016, giá dưa tăng, cho thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào thì lập tức năm 2017 nông dân trong tỉnh lại đổ xô trồng.

“Thấy người ăn khoai, vác mai đi đào” , đó là nếp nghĩ đã in hằn quá lâu trong tâm thức của người nông dân, thế nhưng điều này đã đi ngược với quy luật cung cầu của thị trường.

Không thể mãi đổ lỗi cho thời tiết hay thương lái, vì đã sau nhiều bài học đắt giá, người dân Quảng Ngãi vẫn chạy theo mặt hàng nông sản đầy rủi ro này.

Không có sự định hướng kĩ thuật, người nông dân Quảng Ngãi chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm, tập quán cũ, chất lượng giống không cao, dẫn đến chất lượng dưa hấu không đảm bảo.

Điển hình, dưa được tiêu thụ ở Hà Nội có kích thước to, nhỏ không đồng đều, quả xanh, quả chín. Trên một diễn đàn mạng xã hội, nhiều người phản ánh tình trạng dưa sau khi bổ ra có màu sắc, mùi vị nhợt nhạt.

Chị Nguyễn Mai Linh (sn 1979) cho biết: “Năm ngoái mình cũng mua ủng hộ nhưng cuối cùng phải vứt đi vì dưa bổ ra vừa trắng, vừa nhạt. Mình coi như là ủng hộ thôi, nhưng mà nói thật là nếu chất lượng như thế này thì không chỉ 1, 2 năm vừa qua mà sau này nữa cũng sẽ bị ế. Thương lái ko mua mà người bình thường cũng chẳng thể nào ủng hộ mãi được, kêu gọi thì cũng chỉ lần 1 lần 2”.

Nếu chất lượng không thể cải thiện, tình trạng dưa hấu “ế” sẽ còn tồn tại từ năm này qua năm khác.

Còn bạn Ngô Quang Huy (sn 1991) nêu quan điểm: “Mình không có khái niệm mua ủng hộ, từ thiện phong trào. Mua là phải dùng được, còn không thì gửi tiền cho họ. Chứ năm nào cũng thế này, giúp họ có khi vướng vào chỗ trục lợi, lại khiến bà con tưởng được bao tiêu nên cứ trồng loại không ngon, non cũng thu hoạch cân lấy tiền.

Ý kiến trái chiều luôn bị ném đá, nhưng khá nhiều người lên tiếng chỉ ra bất cập từ mấy năm nay rồi. Mình ví dụ, hồi xưa cam Cao Phong rất chua, nhưng giờ họ cải tạo giống nên ăn ngon, trồng bao nhiêu có thương lái đặt mua bấy nhiêu với giá cao. Chứ kiểu này, quanh quẩn năm này qua năm khác thôi”.

Thực tế, việc “giải cứu” dưa hấu cho nông dân là việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn, giúp người trồng dưa vốn đa phần là những gia đình nghèo tránh thua lỗ, nợ nần. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp đối phó với tình thế tạm thời, bởi lẽ chuyện dưa hấu giá rẻ như bèo, không có người mua không phải bây giờ mới xảy ra, mà thường xuyên tái diễn trong nhiều năm qua.

Một bạn sinh viên tình nguyện đang chọn dưa cho khách.

Bạn Thảo Nguyên, trưởng nhóm dự án mua dưa hấu ủng hộ giúp bà con Quảng Ngãi tâm sự : “Giải cứu nông sản là vấn đề không mới, hầu như năm nào cũng lặp lại không thể tránh khỏi dư luận trái chiều. Biết những việc mình đang làm là không xi nhê gì, giải pháp dài lâu vẫn là do các ban ngành tìm hướng.

Chúng mình chỉ mong rằng với sức nhỏ của mình góp chút nào đó hỗ trợ tiêu thụ cho bà con, giúp một vài gia đình hoàn vốn hoặc có chút tiền dư để có thể yên tâm và có chút tiền gửi con cái đang học xa”.

Bạn Thảo Nguyên, trưởng nhóm dự án mua dưa hấu ủng hộ giúp bà con Quảng Ngãi.

Không chỉ có dưa hấu, những năm gần đây liên tục những “chiến dịch” giải cứu nông sản từ cà chua, khoai tây, thanh long, hành, gừng, tỏi… được phát động. Câu hỏi được đặt ra là phải làm sao để nông sản của đến được với người tiêu dùng mà không cần những “chiến dịch giải cứu”?

Người nông dân không kết nối được với thị trường và không được cung cấp đầy đủ thông tin nên dẫn đến thất bại thường xuyên. Cái gốc của vấn đề chính là thay đổi cách thức sản xuất hiện nay làm sao gắn với thị trường và quản lý theo chuỗi.

Để làm được việc này, vấn đề quan trọng và cần nhất là cơ chế chính sách của nhà nước hỗ trợ nông dân. Vấn đề quan trọng thứ hai là hỗ trợ thông tin thị trường, nếu chúng ta mãi duy trì sản xuất nông nghiệp theo kiểu nông hộ nhỏ lẻ như thế này thì cả nền nông nghiệp rất khó được giải cứu.

Thay vì hết năm này đến năm khác kêu gọi giúp đỡ, tỉnh Quảng Ngãi cần tính đến các phương án đảm bảo đầu ra hoặc chuyển đổi cây trồng cho người dân.

DTrước đây, một vị chuyên gia kinh tế của Việt Nam đã thẳng thắn nêu quan điểm: “Không ai dí súng vào đầu ép bà con nông dân miền Trung trồng dưa và bán cho thương lái Trung Quốc, vậy không có lí do gì người khác phải đi gánh hậu quả cho nông dân khi họ kinh doanh thua lỗ?”.

Chúng ta đang cố gắng để được công nhận là nền kinh tế thị trường, nhưng có khó khăn thì lại tìm cách đổ lỗi: Từ lỗi do thiên nhiên, lỗi do nhà nước, lỗi do thương lái Trung Quốc…Nếu nông dân tiếp tục trồng và chúng ta tiếp tục “giải cứu” thì có lẽ không phải là đang giúp mà là đang hại họ và vô hình chung, chúng ta đang cổ xúy cho một nền nền kinh tế mới: Kinh tế tình thương.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuệ Lâm

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới