Chánh Văn phòng UBND huyện Phú Thiện Võ Thanh Lâm cho biết chủ tịch UBND huyện Phú Thiện đã ký công văn chuyển hồ sơ sai phạm tài chính nghiêm trọng tại UBND xã Ia Peng qua Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Phú Thiện thụ lý.
Quyết toán khống cả tỉ đồng
Ông Nguyễn Thanh Cường - chủ tịch UBND xã Ia Piar, nguyên chủ tịch UBND xã Ia Peng - cũng bị đề nghị khởi tố về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Đỗ Hồng Sơn - chủ tịch UBND xã Ia Peng - cho biết cuối năm 2015, khi ông Cường bàn giao chức chủ tịch UBND xã để nhận công tác nơi khác, ông nhận thấy nhiều khoản thu chi bất hợp lý trong hồ sơ. Tá hỏa với các khoản nợ nần này, ông Sơn đã không chấp nhận bàn giao.
“Năm nào Nhà nước cũng rót vốn 40% về cho xã, số còn lại do dân đóng góp mà nợ xây dựng kênh mương trong hai năm 2013-2014 của xã lên tới 1,7 tỉ đồng là quá vô lý nên tôi không chịu. Tôi cũng không chấp nhận làm chủ tịch UBND xã mà nợ nhiều như thế” - ông Sơn nói.
Ngày 15/1, bí thư Huyện ủy Phú Thiện đã chỉ đạo thanh tra đột xuất công tác thu chi tài chính tại UBND xã Ia Peng.
Tại cánh đồng lúa ở xã Ia Peng chiều 1/6, PV ghi nhận nhiều tuyến kênh đã bị hư hỏng nặng, đá bị xô lệch khiến nước tràn ra bên ngoài.
Tại nhiều đoạn kênh mới được xây dựng, dù đáy được đổ bêtông nhưng nhiều đoạn bị nước bào mòn, lộ ra phía dưới không được lót đáy. Quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận ra việc thi công kênh mương này được làm sơ sài.
Trong kết luận thanh tra do ông Rơ Chăm La Ni - chủ tịch UBND huyện Phú Thiện - ký gửi cơ quan điều tra thể hiện: chỉ riêng trong hai năm 2013, 2014 dù được vốn nhà nước rót về, nhân dân đóng góp xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu cánh đồng lúa nhưng trên các tuyến kênh mương, các hạng mục đều trống trơn, giá trị thi công thực tế chỉ đạt… 27 triệu đồng.
Dù không làm trên thực tế nhưng trong hồ sơ nghiệm thu, đề xuất quyết toán đã được phê duyệt, ông Nguyễn Thanh Cường ký đề xuất quyết toán khống tổng số tiền 1 tỉ đồng.
Nghiệm thu khống để rút tiền nhà nước
Thanh tra Phú Thiện khẳng định các hạng mục trên hồ sơ như bêtông đá, đá hộc, móng nền kênh mương… thực tế đã không được thực hiện nhưng vẫn được lập chứng từ khống để rút tiền nhà nước.
Lý giải vì sao công trình không xây dựng nhưng vẫn được nghiệm thu, đề xuất quyết toán mà xã không có ý kiến, ông Đỗ Hồng Sơn nói:
“Mọi việc ông Cường lúc đó đang là chủ tịch UBND xã điều phối hết, lúc nghiệm thu ông này giao cho cán bộ xã đi nghiệm thu, kiểm tra, nhưng chúng tôi đâu biết gì về kỹ thuật. Ra thấy mương xây lên, nước chảy lênh láng đó thì biết vậy rồi ký vào”.
Ngoài số tiền khai khống trên, ông Nguyễn Thanh Cường và nhiều cán bộ tại xã Ia Peng cũng được xác định là chi sai nguyên tắc, rút ruột gần 300 triệu đồng tiền nhà nước từ các khoản thu như quỹ an ninh quốc phòng, tiền hỗ trợ người nghèo, tiền liên hoan gặp mặt…Các hồ sơ chứng từ đều không rõ ràng, nhiều chứng từ được lập khống.
Sau khi bị thanh tra kết luận các sai phạm, ông Nguyễn Thanh Cường đã gửi đơn kêu oan lên Thanh tra tỉnh Gia Lai, UBND huyện Phú Thiện.
Ông Cường cho rằng các khoản tiền trong gần 300 triệu đồng chi sai nguyên tắc là các khoản chi phục vụ hoạt động của xã, đã được tập thể thông qua chứ ông không có tư lợi gì.
Ông Cường còn cho rằng cần chuyển công an làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân tại xã Ia Peng.
Về khoản tiền khai khống hơn 1 tỉ đồng xây dựng kênh mương, ông Cường nói rằng dù hồ sơ đã được nghiệm thu, thanh toán quyết toán nhưng tiền vẫn chưa trả cho nhà thầu, một số nợ của người dân vẫn chưa thu được nên các khoản tiền này… vẫn có thể khắc phục được.
Tuy nhiên, một lãnh đạo huyện Phú Thiện đặt vấn đề: “Nếu thanh tra không truy ra hồ sơ bị làm khống thì khoản tiền 1 tỉ đồng đó sẽ phải bắt dân đóng góp cộng với tiền nhà nước rót về. Số tiền đó sẽ rơi vào túi ai?”.