Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Màu cuộc sống

Tác giả 2 bài viết 'vạch trần thói xấu của sếp' đang gây bão: 'Hiện tôi vẫn giữ liên lạc với các sếp cũ'

Anh chàng du học sinh này đã có những ý kiến cụ thể hơn để làm rõ các vấn đề trong 2 bài viết gây bão gần đây của mình.

Những vấn đề muôn thuở khi đi làm của giới trẻ lúc nào cũng làm dấy lên tranh cãi trong dư luận. Thường thì khi người trẻ đi làm, họ sẽ rất quan tâm đến các khía cạnh: Lương, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến và nhất là Sếp. May mắn đi làm ở nơi có Sếp tốt, thì quá tuyệt vời. Nhưng nếu gặp phải những người Sếp không hợp với mình, thì việc đi làm có thể trở thành cơn ác mộng mỗi ngày.

Chúng ta thường hay đọc những bài viết có nội dung phổ biến như Một người Sếp phàn nàn về nhân viên của mình và đưa ra những lời khuyên cho họ, hoặc các cách để lấy lòng/ gây ấn tượng với Sếp… nhưng lại có rất ít bài viết đứng ở khía cạnh nhân viên để nói về Sếp. Vì thế, bài viết có nội dung ”Khi nhân viên nghỉ việc, sếp nên xem lại mình” của nam du học sinh có tên Nguyễn Hoàng Kim Quý đã ”gây bão” dư luận.

Cụ thể, anh chàng đứng ở vị trí ”từ một nhân viên “quèn” trước khi trở thành một quản lý nhân sự”, Kim Quý cho rằng, anh ”phần nào thấu hiểu tâm tư của không ít người “dứt áo ra đi” chỉ vì những người được gọi là “sếp” Theo anh, nhân viên nghỉ việc vì 4 lý do sau đây của người Sếp: Có thái độ bề trên, Chỉ tay 10 ngón, Hứa suông và là Kẻ vắt chanh bỏ vỏ.

Bài viết lập tức nhận về hàng nghìn lượt chia sẻ và tranh luận của cư dân mạng. Không dừng lại ở đó, Kim Quý tiếp tục cho lên sóng bài viết thứ 2 có tựa đề: ”Lý do lớn nhất khiến cho nhân viên không thể tiếp tục gắn bó với họ nữa lại chẳng hề xuất phát từ những vấn đề tài chính hay lợi ích cá nhân, mà chính là thái độ, là cách sống, là “tâm - tầm - trí” của họ”.

Đến lúc này, nhiều người bắt đầu thắc mắc rằng Kim Quý là ai? Tại sao có thể thấu hiểu phần lớn của những người trẻ đang đi làm đến vậy? Và liệu… có phải trong quá khứ, Kim Quý từng gặp phải những người sếp tồi nên mới có cái nhìn như thế không?

Hãy cùng gặp gỡ chàng trai của hai bài viết gây bão trên:

Chào Kim Quý. Đầu tiên, bạn có thể tự giới thiệu về mình không?

Xin chào, mình là Nguyễn Hoàng Kim Quý, sinh ngày 12/03. Hiện tại Quý đang theo học chương trình Thạc Sĩ Quản trị Nhân Sự tại trường Đại Học Milan, Italy.

Quý đã có 8 năm làm việc ở các vị trí khác nhau, từ nhân viên đến quản lý ở 4 công ty có quy mô và loại hình kinh doanh, và văn hóa hoàn toàn riêng biệt, nên Quý có cơ hộ trải nghiệm nhiều nét văn hóa trong cuộc sống lẫn cách làm việc, tính cách con người của từng nơi mà Quý đã làm qua.

Hiện tại, Quý đang làm Personal Chef cho các khác hàng tại Milan, Italy; đồng thời duy trì làm Life Coach và Trainer cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Một trong những câu nói yêu thích của Quý là: “Con người không phải là tài sản quý nhất, mà Con Người Phù Hợp mới là tài sản quý nhất” trích từ cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” của tác giả Jim Collins.

Cảm xúc bây giờ của bạn thế nào khi những bài viết gần đây của bạn đều ”gây bão” mạng xã hội?

Những vấn đề mà Quý chia sẻ thật ra đa phần mọi người đều thấy, chỉ là không nói ra hoặc không muốn nói ra vì nhiều lý do khách quan liên quan đến nghề nghiệp.

Quý cảm thấy vui vì những chia sẻ thẳng thắn và chân thật của mình đã giúp được nhiều anh/chị và các bạn giải bày được nỗi lòng. Đọc những phản hồi của độc giả Quý cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục chia sẻ thêm những góc nhìn khác để tất cả mọi người cùng nhau thay đổi.

Nhiều người cho rằng, hẳn là trong quá khứ, bạn đã bị các sếp chèn ép dữ lắm nên mới có thể viết ra hàng loạt bài viết ”tâm huyết' đến vậy. Bạn nghĩ sao về ý kiến này?

Những cảm xúc và sự thẳng thắn trong bài viết của Quý không đến từ việc Quý bị các sếp chèn ép, mà đến từ sự đồng cảm thông qua những chia sẻ của đồng nghiệp và người xung quanh. Do tính chất công việc, Quý có cơ hội thường xuyên tiếp xúc với anh/chị và các bạn từ vị trí nhân viên cho đến quản lý cấp cao trong tổ chức để tìm hiểu nhu cầu, thách thức và cùng nhau tìm ra giải pháp cho các vấn đề mà cá nhân và doanh nghiệp đang gặp phải. Nên Quý hiểu được những tâm tư,và nỗi lòng của cả nhân viên và quản lý.

Trong quá khứ, Quý được làm việc với nhiều anh/chị quản lý với các phong cách lãnh đạo khác nhau, có người phù hợp và có người không phù hợp với giá trị và phong cách làm việc của Quý.

Những điều tốt và đúng với giá trị cá nhân của mình, Quý sẽ ghi nhớ và làm theo; những điều không tốt hoặc làm cho mình khó chịu; Quý sẽ tránh không bao giờ làm giống, để người khác không phải trải qua cảm giác tiêu cực như mình trước đó. Hiện tại, Quý vẫn giữ liên lạc với các sếp cũ.

Nếu không phiền, bạn có thể kể về 1 vài người sếp ”tồi” như bạn đã đề cập trong bài viết mà bạn đã gặp trước đây không?

Những điều không hay thường Quý sẽ cho vào quên lãng, Quý chỉ lưu giữ những điều tốt đẹp trong đầu thôi. Thay vì kể về 1 vài người sếp “tồi”; Quý xin kể về một người sếp mà Quý tôn trọng và là người đã hình thành những nhân cách và tư duy đúng đắn cho Quý sau 2 năm làm việc cùng nhau.

Quý và sếp là hai người với hai tính cách trái ngược nhau, ở hai thế hệ khác nhau; nếu gặp ngoài đời có khi không thể nói chuyện hoặc làm bạn được; nhưng may mắn cả hai chị em có giá trị sống và nguyên tắc làm việc giống nhau. Chị là người dạy cho Quý rất nhiều về “tâm - tầm - trí” của một người lãnh đạo.

Hai điều Quý vẫn luôn nhớ đến giờ “Liêm chính là cốt lõi của mọi việc”; và “Tôi thay đổi trước, rồi mọi việc sẽ thay đổi”. Trong quá trình, cả hai đã tự điều chỉnh cách ứng xử để thích nghi với cách làm việc của nhau; và đến giờ Quý xem sếp mình như một người chị lớn trong gia đình.

Có ý kiến cho rằng, ”Làm sếp” thì không phải ”hoa hậu thân thiện”. Càng thân thiết, tình cảm, có tình có lý quá thì nhân viên sẽ lấn tới, không phục, không nghe lời…. Đó là lý do nhiều người làm sếp chọn sự lạnh lùng và nghiêm khắc cho mình. Bạn nghĩ sao?

Có 6 phong cách lãnh đạo phổ biến là lãnh đạo kiểu mẫu (pacesetting), ra mệnh lệnh (Coeicive), huấn luyện (coaching), hướng về mục tiêu (authoritative), dân chủ (democratic) , kết nối (affiliative).

Việc lựa chọn phong cách lãnh đạo xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là có phù hợp với giá trị cá nhân mà mình muốn hướng tới hay không. Kế đến là văn hóa công ty, văn hóa phòng ban, số lượng nhân sự, xu hướng tính cách của nhóm nhân sự mà mình quản lý.

Với Quý thì làm lãnh đạo kiểu “hoa hậu thân thiện” hay còn gọi là kiểu “kết nối” sẽ có những điểm mạnh và phù hợp với văn hóa làm việc ở một số môi trường, đặc biệt là nơi có nhiều nhân sự thuộc thế hệ Y (1980 - 1994) và thế hệ Z (1995 - 2012); bởi vì sự thân thiết, tình cảm, có tình có lý vẫn luôn cần thiết.

Ở giai đoạn hiện tại, người lao động không chỉ đi làm vì tiền, mà còn là vì danh dự, vì được ghi nhận, vì được tìm thấy một nơi mình thuộc về và sẵn sàng gắn bó. Quý ở công ty cũ cũng được coi là “hoa hậu thân thiện” vì mình đối xử chân thành và nhiệt tình với tất cả mọi người, từ các chị tạp vụ cho đến các anh/chị cấp cao, chứ không phải chỉ biến thành “hoa hậu chỉ thân thiện” khi gặp những quản lý cấp cao, rồi nói cho hoa mỹ mà không làm được gì.

Nên trong công việc, Quý luôn nhân được sữ hỗ trợ từ mọi người rất nhiều; và chưa gặp trường hợp bị lấn tới, không phục, không tôn trọng. Hiện tại, Quý vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp của mình.

Còn một người sếp lạnh lùng và nghiêm khắc cũng không đồng nghĩa là không thân thiết, không có tình có lý; chỉ là cách họ thể hiện khác đi hoặc cả nhân viên và sếp chưa có cơ hội để thấu hiểu nhau.

Những hành vi biểu hiện bên ngoài chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố để đánh giá tầm ảnh hưởng của một người sếp; dù ở phong cách nào, người lãnh đạo muốn có tầm ảnh hưởng vẫn cần có những giá trị như liêm chính, có tầm nhìn, chân thành, quan tâm, linh hoạt và quyết đoán; có thể tóm gọn trong 3 chữ “tâm - tầm - trí”.

Ở Việt Nam, rất nhiều trường hợp nhân viên bị ”sếp đì” nhưng chưa thể nghỉ việc vì những điều kiện khách quan khác. Bạn có lời khuyên nào cho những người này?

Điều mình quan tâm nhất là điều kiện khách quan được đề cập đến ở đây là gì. Tùy từng nguyên nhân, mà sẽ có lựa chọn hợp lý. Việc đầu tiên cần làm là vẫn phải nhìn lại bản thân mình trước, xem trong quá trình mình làm có điều gì chưa phù hợp; và sếp đang “đì” thật hay do bản thân đang tưởng tượng.

Nếu việc sếp “đì” là thật, nên chia sẻ với sếp cảm xúc và cảm nhận của mình một cách chân thành. Sau đó, dựa vào biểu hiện của sếp mà đưa ra những quyết định kế tiếp.

Không nên dồn nén cảm xúc, đợi đến lúc không chịu nổi thì hành động nông nổi, ngay thời điểm đó, có thể sếp chưa đúng, nhưng hành động tấn công lại dẫn đến chính bản thân mình bị thiệt. Mọi cảm xúc cần được thể hiện một cách có trách nhiệm.

Quý sẽ có một bài viết về vấn đề trao đổi với sếp như thế nào cho tế nhị và thoải mái, để chia sẻ với các bạn đọc giả trong thời gian sắp tới.

Vì sao bạn chọn ngành học Quản lý nhân sự - một ngành học không phổ biến lắm với người trẻ?

Ngành nhân sự có thể chưa phổ biến và được nhiều trường đào tạo một cách có hệ thống ở Việt Nam trong giai đoạn trước; nhưng hiện tại đây là ngành học đang được quan tâm và phát triển thời gian tới. Như câu nói “Con người đi trước, sự việc theo sau” thì cốt lõi cho việc phát triển bền vững của một doanh nghiệp vẫn là con người; và nhu cầu tuyển và giữ chân người tài của các doanh nghiệp đang tăng lên trong những năm gần đây và sắp tới vẫn tiếp tục tăng. Nên Quý tin sắp tới ngành nhân sự sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển tại Việt Nam theo xu hướng chung của toàn cầu.

Về lựa chọn của mình, Quý chưa từng nghĩ mình sẽ theo ngành nhân sự vì khuynh hướng tính cách của Quý không có gì là đúng với hình ảnh kiểu mẫu của người làm nhân sự truyền thống (cười). Thật vậy, kể cả ở Việt Nam hay ở Ý, ở lần đầu tiên gặp mặt, không ai nghĩ rằng Quý làm việc trong ngành nhân sự, mà nghĩ Quý chắc phải làm thời trang hay các công việc liên quan đến nghệ thuật.

Nguyên tắc làm nhân sự của Quý không phải là chỉ ngồi trong phòng nhân sự để quản nhân viên hay có việc cần mới đi giải quyết sự vụ, mà mình phải là người đồng hành với tổ chức, phải là “người chơi” chứ đừng là “người quan sát” rồi đưa ra ý kiến. Để thành “người chơi” thì mình phải chủ động gặp gỡ, làm việc cũng mọi người, chỉ như thế thì mới hiểu được khó khăn, thuận lợi ở mỗi vị trí, để rồi mới đồng hành và đưa ra quyết định, chính sách có lợi, công bằng cho toàn bộ nhân viên trong tổ chức. Nên Quý rất khắt khe trong công việc, luôn mong đợi các bạn trong nhóm phải hoàn tất công việc chuyên môn thật sáng tạo, hiệu quả và thật nhanh; thời gian còn lại phải dành để phát triển bản thân và đồng hành cùng các phòng ban khác, để xây dựng sự tin tưởng và gắn kết.

Khi làm nhân sự theo cách này, Quý cảm thấy mình học hỏi được rất nhiều về cả quy trình, hệ thống, hoạt động kinh doanh và tâm lý hành vi con người; cũng đem lại được một số đóng góp nhất định cho tổ chức; và cảm thấy yêu thích công việc của mình.

Với những gì bạn đang được học và trải nghiệm, bạn có tự tin sau này bạn sẽ là một người sếp tốt như trong các bài viết của bạn không?

Để trở thành một người sếp tốt, việc rèn luyện không chỉ dừng lại ở học và trải nghiệm; mà còn ở khả năng “tự nhìn nhận” của mồi người thông qua từng trải nghiệm của bản thân hoặc kinh nghiệm từ người khác. Quý gọi đó là sự trưởng thành về mặt kinh nghiệm và cảm xúc.

Quý chưa làm khác đi so với 7 điều mà Quý đã đề cập trong hai bài viết về hành vi của cấp trên gần đây, còn tốt hay không thì phải để những người làm việc chung đánh giá. May mắn là đến giờ Quý và đồng nghiệp của mình vẫn giữ được ấn tượng tích cực về nhau; và là những người bạn.

Một trong những nguyên tắc sống và làm việc của Quý từ trước tới giờ vẫn luôn là “Nói là làm, làm như những điều đã nói, không nói những điều không thể làm” nên Quý vẫn đang và tiếp tục theo đuổi những giá trị của mình trong đời sống và công việc.

Bạn có dự định về Việt Nam làm việc sau khi hoàn thành việc học không?

Quý đang chuẩn bị cho một số dự án phi lợi nhuận về phát triển năng lực các bạn thế hệ Y & Z, nên chắc chắn là sẽ về Việt Nam để thực hiện và duy trì dự án này, còn ở lại bao lâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và cơ hội mà Quý có được trong thời gian sắp tới.

Ngoài việc học, thời gian rảnh bạn có những sở thích nào khác không?

Sở thích thì Quý có nhiều lắm. Quý hay dành thời gian cho việc nấu ăn. Và với Quý, làm bếp cũng như làm sếp, cả hai việc này đều có những triết lý tương đồng trong năng lực quản lý.

Ngoài ra, Quý dành thời gian để nghiên cứu về thời trang, tâm lý và hành vi con người. Đó là lý do vì sao Quý chọn đi du học tạị Milan, Ý - cái nôi của nghệ thuật - mà không phải thành phố hay quốc gia nào khác.

Trong quá trình tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế từ các nước khác nhau, Quý nhận ra một điều rằng khuynh hướng hành vi bên ngoài có thể khác nhau giữa các quốc gia tùy môi trường ho sinh sống và được giáo dục; nhưng bản chất của con người luôn có những điểm tương đồng. Nên dù đi đến đâu, dù làm gì, chỉ cần đặt sự chân thành và nhiệt huyết, mọi khoảng cách sẽ được keo lại gần nhau.

Cảm ơn Quý rất nhiều vì những chia sẻ này. Chúc bạn thành công trong học tập và cuộc sống.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Thanh Nga

Được quan tâm

Tin mới nhất
Cơ hội cho Hoa hậu Ý Nhi
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?