Sơ sảy một giây, ân hận một đời
Sáng ngày, mở báo đọc tin, giữa những dòng tin về cơn “đại hồng thuỷ” ở khúc ruột miền Trung, người viết đã lặng người trước thông tin về một người con trai không thể làm gì khi nhìn thấy ba mình bị lũ cuốn đi. Chỉ là một chút bất cẩn, dòng lũ tai ác đã cuốn đi người đàn ông lam lũ để lại cho những đứa con nỗi ân hận vì không thể vẹn toàn chữ Hiếu. Cho đến bây giờ, thi thể người cha tên Thái Xuân Năng vẫn chưa tìm thấy.
Đọc kĩ, lại càng đau lòng hơn, bởi, dù đã được con trai nhắc nhở ở nhà an toàn nhưng người cha cần mẫn đó vẫn đau đáu giữa lúc hiểm nguy, quyết đi lùa đàn bò di tản. Cuộc đời của những người cha, người mẹ, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vốn tần tảo cả đời nhưng cho đến lúc về già vẫn không ngơi tay ngơi chân, luôn lo nghĩ, vun vén tiết kiệm để đỡ phiền nhọc con cháu. “Con trâu là đầu cơ nghiệp” - bởi vậy nên thứ tài sản lớn đó với họ không thể không giữ an toàn, liều mình một chút biết đâu giữ lại được gia sản, thứ để đỡ đần con cháu bớt khó khăn trong công cuộc mưu sinh, chứ thân già thì ham hố gì nữa với cuộc đời đã đi quá nửa.
Cho đến lúc lìa đời, bậc sinh thành cũng chỉ lo nghĩ chu toàn cho con cái.
Rồi cũng lại một tin khác nữa khiến người đọc phải suy nghĩ. Nếu như gia đình anh Thái Văn Bằng con của ông Thái Văn Năng đau đáu vì chưa thể tìm được thi hài của cha giữa cơn lũ lớn, thì gia đình anh Trương Trung Thông cũng tại tỉnh Quảng Bình lại đau đáu vì không thể chu toàn cho đám tang của người mẹ vừa qua đời do căn bệnh ung thư quái ác. Theo như báo Zing đưa tin:
“0h30 ngày 14/10, bà Lau trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc đợt mưa lên tới 500-750 mm liên tục đổ xuống. Nhà sát bên sông Rào Nậy, cơn lũ lịch sử nước lên tận nóc nhà nên anh phải làm đám tang chạy lụt để mẹ được mồ yên mả đẹp. 9h sáng ngày 14/10, anh vội vã đi đưa ma rồi về nhà chạy lũ. Một tiếng sau khi mẹ về với đất, lũ lên ngập gần đến bàn thờ. Anh lại phải ôm di ảnh mẹ lên trường trung học cơ sở Minh Hoá. Các con của bà Lau lấy chồng xa còn phải vượt qua hoàn cảnh éo le hơn. Chị Huyền, con út của bà Lau lấy chồng ngay xã bên nhưng ngay rạng sáng ngày 14/10, nước đã ngập qua cây cầu duy nhất vào xã. Chị phải bơm một chiếc ruột ôtô làm phao rồi bơi qua sông Rào Nậy để chịu tang mẹ. Còn anh Ận, con rể bà Lau, vội vã đi ôtô về Minh Hoá trong đêm. Vượt qua 2 điểm ngập lụt ở thị xã Ba Đồn và thị trấn Quy Đạt (Minh Hoá) anh về đến xã lúc rạng sáng ngày 14/10. Tuy vậy, anh phải ngồi chờ đến 2h chiều mới có thuyền sang sông. Ngồi bên kia sông Rào Nậy, anh bất lực khi thấy đám tang đi qua mà không thể đi đưa đành đứng từ xa vái vọng.”
Nghĩa tử là nghĩa tận - vậy nhưng đến cuối đời, người mẹ đó vẫn không thể được hưởng chút lòng Hiếu đạo của đàn con bởi thiên tai hiểm ác. Chữ Hiếu đành dở dang trong tiếng thở dài.
Chữ Hiếu ném đi trong tiếng oán hận
Miền Trung là vậy, chữ Hiếu tận tâm vẹn toàn là vậy nhưng ở một nơi nào đó trên đất nước này, chữ Hiếu lại được ném đi, nhục mạ, trà đạp không thương tiếc bởi chính những người con được dành cho người đã mang chúng đến với cuộc đời này. Đêm qua, trong một đoạn clip của ca sĩ Hồ Quang Tám chia sẻ trên facebook ghi lại hình ảnh và thông tin của một người con trai “chửi mẹ như hát hay” giữa chỗ công cộng.
Điều đáng nói là anh ta còn rủa mẹ mình chết đi, sao sống lâu vậy, làm con cái mắc nợ. Ngồi cạnh anh ta là một người phụ nữ (không rõ là vợ hay người thân) thản nhiên kê tay sau gái ngồi nghe chửi. Cùng một hàng ghế, ngồi ngoài cùng là một người mẹ, tuổi đã ngoài 70, trong trang phục bình dị, tay đang run run cầm chiếc khăn, thi thoảng mới nói lại được dăm câu trong trận mưa rủa xả của chính người con trai của bà.
Nhưng từ ngữ thông tục, những câu chửi bậy bạ nhất trên đời dành cho nhau giữa nhưng người dưng cũng đã là một sự quá đà, huống chi, đằng này, lại được dùng cho chính người mẹ của mình. Một người phụ nữ đã dành cả đời để nuôi nấng, dạy bảo, dựng vợ gả chồng để rồi những ngày cuối đời đón nhận “món quà” quá lớn cho phần đời đã sống trước đó: sự bất Hiếu.
Người xưa có câu “người già và trẻ con bằng nhau” với ngụ í ám chỉ con người khi về già thường khó chiều như trẻ con, thường không thông tuệ và nhiều khi là sự khó khăn cho con cháu trong việc chăm sóc. Thế nhưng, cũng lại người xưa dạy rằng “Công lao cha mẹ dù có gánh trên vai đi hết cuộc đời cũng không trả hết” và sự khó khăn lúc cuộc đời xế chiều chẳng phải là lúc để con cái được có cơ hội làm tròn chữ Hiếu đó sao?
Vì bất cứ một lí do nào, dù đúng dù sai, dù cực nhọc hay vất vả như thế nào đi chăng nữa, việc một người con chửi - rủa mẹ mình chết sớm vẫn là điều không thể chấp nhận được. Chắc có lẽ người đàn ông đó chưa nghe đến câu nói: “Cầu trước bắc đâu cầu sau bắc đó”. Sẽ còn những thế hệ phía sau nữa, một tấm gương lớn trước mặt ắt hẳn chúng sẽ học được ít nhiều.
Cứ miên man trong dòng suy nghĩ về chữ Hiếu, người viết tìm nghe lại đoạn nhạc “Xẩm thập ân” của nghệ nhân Hà Thị Cầu hòng níu giữ điều gì đó trong sự đảo điên của xã hội hiện nay, khi mà chữ Hiếu đôi lần, đôi chỗ đã bị xem thường, bị ném đi trong tiếng uất nghẹn của đáng sinh thành.
… Mười ân đã kể rạch ròi. Công cha, nghĩa mẹ biển trời con hay. Mười ân đã kể rạch ròi. Công cha, nghĩa mẹ biển trời có hay, canh dài gang tấc khôn khuây…