Sáng 2/9, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện với tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, dài 5,4 km, chính thức thông xe.
Sáng 2/9, dự án cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) khánh thành do Bộ GTVT làm chủ đầu tư chính thức thông xe. Dự án này được khởi công từ tháng 5/2014. Ban quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) là đơn vị đại diện chủ đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo trung ương, thành phố Hải Phòng và đại diện phía Nhật Bản có mặt tại lễ khánh thành.
Tổng chiều dài của dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện là hơn 15 km với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.
Trong đó, riêng phần cầu dài 5,44 km, bề rộng mặt cầu 16 m với 4 làn xe chạy.
Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, không hạn chế các loại xe. Cầu nối quận Hải An với huyện đảo Cát Hải.
Cây cầu kết nối các khu vực đang phát triển tại phía đông thành phố Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ, cũng như kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án này đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng và tiến độ triển khai cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Các hạng mục đã được hoàn thành từ tháng 8.
Điểm đầu dự án tại nút giao Tân Vũ (lý trình Km 100+891, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng).
Nhiều thảm cỏ ở đường dẫn đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện đang được công nhân trồng mới.
Điểm cuối dự án tại vị trí tiếp giáp cổng cảng cửa ngõ Lạch Huyện (huyện Cát Hải, Hải Phòng). Người dân Hải Phòng kỳ vọng cây cầu sẽ giúp kinh tế ở huyện đảo Cát Hải phát triển.
Phần đường đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h.Vượt qua cầu Thị Nại (cầu vượt biển dài gần 2.800 m), cầu Tân Vũ - Lạch Huyện trở thành cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.
Trả lời pv, ông Toshihiro Kurokawa, Giám đốc dự án, chia sẻ dự án sử dụng cầu phương pháp đúc sẵn các đốt dầm bê tông cốt thép (SBS) để có thể rút ngắn khoảng thời gian xây dựng. Đây là lần đầu tiên sử dụng phương pháp xây dựng này ở Việt Nam. Công nghệ này được xếp loại là một trong những ứng dụng lớn nhất của phương pháp SBS trên thế giới.
Trong quá trình thi công, dự án được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, nhanh chóng khắc phục những sai sót kỹ thuật để dự án đạt chất lượng cao nhất.
Bến phà Cát Hải không còn hoạt động sau khi cầu đưa vào sử dụng.
Khác với nhiều công trình giao thông, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam có một “đường hầm” đặc biệt. Đường hầm thực tế là chiếc hộp kỹ thuật khổng lồ của công trình thế kỷ này. Hệ thống cáp lắp bên trong đường hầm đảm bảo sự vận hành của cầu vượt biển.
Người dân cho biết trước đây từ đảo Cát Hải sang quận Hải An mất 1 tiếng đồng hồ nhưng đi cầu vượt biển chỉ mất hơn 5 phút.
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện nối quận Hải An với huyện đảo Cát Hải. Ảnh: Google Maps.