Bạn nhớ gì về ngày lễ ra trường của mình? Là những tán phượng nở đỏ rực trên đầu, là dòng chữ ngây ngô trên tấm lưng áo trắng, là lần khóc cười trên vai đứa bạn thân, là lời hò hẹn chân thành phút chia xa. Đó là “túi” hành trang kí ức sẽ theo bạn suốt cuộc đời.
Những học sinh của THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng thế. Đồng Khởi là chương trình truyền thống khối 12 của trường. Với sự chuẩn bị ngay từ đầu năm học, ngày lễ ra trường được diễn ra với nhiều sự kiện lớn nhỏ khác nhau, mang đến những cảm xúc thăng hoa cho các bạn học sinh.
Có nhiều cách để học sinh lưu giữ kí ức. Lùi lại quá khứ vào chục năm về trước, ngày ra trường của những cô cậu học trò là chuyền tay nhau quyển lưu bút đầy ắp dòng chữ kỉ niệm, hay ép cánh hoa phượng đỏ rực vào trang vở. Đến với ngày lễ ra trường của học trò thời hiện đại, bạn sẽ bắt gặp một buổi lễ chỉn chu, chi tiết nhưng không thiếu các cảm xúc tinh khôi.
Đồng Khởi là chương trình thường niên của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày ra trường, đánh dấu cột mốc kết thúc ba năm cấp 3 của học sinh khối 12.
Năm nay chương trình có tên Tốc, với ý nghĩa 1000 ngày ở Lê Hồng Phong của học sinh sẽ như một chuyến tàu tốc hành, dù vụt qua rất nhanh nhưng lại lưu giữ trọn vẹn những hồi ức trong trẻo. Để rồi từ đó khiến các bạn trân trọng hơn quãng thời gian còn ở bên nhau, để ngày ra trường trở thành mảng ký ức đẹp nhất thời học trò.
Buổi lễ ra trường gồm triển lãm, văn nghệ cùng màn nhảy flashmob sống động của khối 12. Em Chiêu Nghi (học sinh) chia sẻ: “ Từ khi mới vào trường em đã rất thích chương trình này và nó có ý nghĩa to lớn đối với em. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chương trình diễn ra gấp rút và cũng có nhiều khó khăn.
Có một hôm tổng duyệt flashmob nhưng trời mưa, gần sát ngày ra trường rồi nên ai cũng lo lắng nhất là ban Văn Nghệ. Em nhớ nhất là lúc bài hát Ngày Ấy Bạn Và Tôi vang lên, mọi người hát cùng nhau, đến điệp khúc cả nhóm ùa ra sân nắm tay nhau đi vòng tròn lớn dù trời đang mưa. Đối với em đó là khoảnh khắc đẹp nhất và nhiều yêu thương, nhiệt huyết ý nghĩa nhất trong tuổi trẻ của mình”.
Vì sao lễ ra trường đặc biệt? Vì ngày hôm ấy là ngày cuối cùng bạn được là học sinh, ngày mai, mọi thứ sẽ trở thành kí ức. Đó là lí do Lê Hồng Phong luôn có một ngày lễ ra trường chỉn chu và tươm tất ở mọi khâu.
Sẽ có những ngày, học sinh không mặc đồng phục đến lớp mà thay vào đó là áo lớp. Hoạt động đặc biệt này sẽ diễn ra trước ngày lễ ra trường. Khoác lên mình áo Bên cạnh đó, Đi Nến là sự kiện đặc trưng của ngày lễ ra trường.
Toàn khối sẽ cùng nhau đi vòng quanh sân trường với những ly nến lấp lánh trên tay. Những ngọn nến ấy tượng trưng cho ngọn lửa của ước mơ, hoài bão đang cháy lên trong từng con tim nhiệt huyết tuổi 18, là sự ấm áp của tình cảm yêu thương, gắn bó dành cho nhau của những học sinh khối 12.
Và cũng trong khoảnh khắc ấy, những giọt nước mắt bắt đầu lã chã rơi trên các gương mặt tuổi 18. Trong đó, có những hờn giận được xoá bỏ, có những yêu thương vừa kịp trao. Khi ấy, nước mắt thật đẹp vì nó chất chứa bao cảm xúc trong sáng của tuổi học trò.
Hãy cứ khóc vì kề bên bạn vẫn có đứa bạn thân đang chờ đợi, và khóc vì vẫn còn có vòng tay thầy cô yêu thương ôm lấy. Ngày mai, bạn sẽ bước ra cánh cửa rộng lớn của cuộc đời, có chông chênh, có sóng gió và những niềm thương này sẽ hoá thành nỗi nhớ.
Ban tổ chức chia sẻ thêm: "Đêm ra trường có phần Lời Chưa Nói, MC sẽ đi qua một loạt câu hỏi, bạn giơ 10 ngón tay lên và nếu bạn đã từng làm rồi thì bỏ một ngón xuống. Ban đầu, ai nấy đều cười nghiêng ngả với mấy câu như có ai đã từng đi học trễ, đi vào lối không dành cho học sinh, nói dối ba mẹ là đi học trong ngày nghỉ ...
Nhưng sau đó đến những "Nếu được quay về quá khứ, hãy bỏ một ngón tay xuống nếu bạn vẫn chọn được trải qua 1000 ngày ở Lê Hồng Phong" thì ai nấy cũng đều bật khóc. Đối với chúng em, đó là những cảm xúc chân thật nhất” .
Chính ban tổ chức ở độ tuổi teen này cũng thừa nhận chương trình chắc hẳn sẽ có một vài thiếu sót. Ví dụ như những bảng tô màu bị vụng về, ai đó nhảy flashmob sai nhịp… Nhưng không sao, vì bạn có bao nhiêu lần để được hết mình trong tuổi trẻ nữa đâu?
“Đặt bàn tay lên môi, giữ chặt tiếng nấc nghẹn ngào
Thời gian sao đi mau xin hãy ngừng trôi
Dù vẫn mãi luyến tiếc khi đã xa rồi
Bạn bè ơi, vang đâu đây, còn giọng nói tiếng cười
Những nỗi nhớ niềm thương gửi cho ai …”
Sau này, chúng ta sẽ gặp lại nhau, nhưng không còn ở sân trường, hành lang, lớp học nữa. Nhưng sau này, chúng ta vẫn nhớ nhau hoài, có được không?