Flea market là tên gọi cho loại hình chợ trời, chợ phiên ra đời và những năm 60 của thế kỷ 19, có nguồn gốc từ Âu Mỹ. Sản phẩm được bày bán trao đổi thường là vật dụng, trang phục… đã qua sử dụng. Địa điểm tổ chức thường gần gũi với đời sống hằng ngày. Thuận mua vừa bán, vui là chính, họp mặt định kỳ là những đặc điểm chính của chợ phiên.
Sài Gòn với tính chất “hội nhập mau lẹ” của mình có lẽ là thành phố mang Flea market về Việt Nam đầu tiên. Bắt đầu chỉ với những buổi chợ phiên cuối tuần tụ họp các shop quần áo second hand, qua 5 năm phát triển, chợ phiên nơi đây đã dần hình thành nét văn hoá riêng của riêng mình, cũng như đa dạng mặt hàng kinh doanh hơn.
Tết này bạn còn đau đầu đi đâu, mua gì. Hãy thử “nghía” qua những địa điểm bên dưới nhé!
1. Chợ quần áo
Hello weekend là một trong những hội chợ xuất hiện sớm nhất và nhận được nhiều yêu mến của dân Sài Thành. Quy tụ nhiều shop thời trang có phong cách riêng, được tổ chức tại Sân Vận động Hoa Lư ngay tại trung tâm thành phố, bạn sẽ không khó tìm được một món đồ ưng ý cho dịp Tết khi lướt qua hội chợ này đâu.
Nếu Hello weekend “đóng đô” tại Sân Vận động Hoa Lư thì nhà thi đấu Phan Đình Phùng chính là đất của Saigon Holiday Market. Dù là lính mới toe nhưng Saigon Holiday Market đã nhanh chóng ghi điểm với người mua trong khâu decord, trang trí gian hàng theo chủ đề riêng mỗi tháng. Hội chợ thường xuyên có ca sĩ, fashionista,… làm khách mời giao lưu với khách hàng.
The New District cũng là một trong những chợ phiên “sinh sau đẻ muộn” nhưng nhanh chóng làm mưa làm gió thời gian qua. Nằm một mình một cõi tại quận 4 với không gian rộng rãi, chú trọng vào các sản phẩm thời trang với chất riêng, có DJ chơi nhạc sống khi shopping là thế mạnh riêng của “ma mới” này.
2. Chợ Art, Home decor, Handmade
Nổi lên như một “đầu tàu” có công phổ biến văn hoá chợ phiên tại Việt Nam qua mặt hàng thời trang, nhưng có lẽ Saigon Flea Market được nhớ đến nhiều nhất qua các mặt hàng handmade, home décor.
Nằm hẳn trong khu phố Tây Thảo Điền, Quận 2, Saigon Urban Flea Market là chợ phiên thể hiện rõ nhất tinh thần từ Châu Mỹ, phóng khoáng, hoang dã và gần gũi với thiên nhiên.
Những món đồ handmade ở đây dễ khiến người xem “liêu xiêu” vì quá đậm cá tính riêng, mang hơi hướng nghệ thuật vintage rõ ràng. Do mở trong khu phố người nước ngoài nên đến đây bạn sẽ dễ dàng luyện Tiếng Anh với những người bạn Tây rất thú vị.
3. Chợ ẩm thực
Cứ cách một hoặc hai tháng, khu công viên 23/9 TPHCM lại nhộn nhịp với các hội chợ ẩm thực quy mô khác nhau, quy tụ sự tham gia của nhiều nền ẩm thực trong và ngoài nước.
Các lễ hội ẩm thực quy tụ nhiều quốc gia với quy mô lớn thường không diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên nếu chăm cập nhật tin tức báo chí bạn sẽ may mắn được nếm thử nhiều món ngon nổi tiếng thế giới với giá cả rất Việt Nam, bỏ túi được nhiều công thức nấu ăn và nguyên liệu có độc nhất vô nhị đấy.
Đáng chú ý nhất trong các hội chợ ẩm thực trong nước phải kể đến các cuộc họp chợ do các trang đánh giá địa điểm tại Việt Nam đứng ra tổ chức. Quy tụ không chỉ những cửa hàng ăn uống có trụ sở mà còn có sự tham gia của các shop online, tuy nhiên tiêu chí “ngon - bổ - rẻ” vẫn được đặt lên hàng đầu.
4. Chợ công nghệ
Mười mấy gian hàng tụ họp tại một quán café, chủ yếu là bán đồ công nghệ để thoả thú vui của mình là điểm nhấn đặc biệt cho hình thức phát triển của “flea market”. Nằm tại quận 10, chợ phiên Ai bán - Ai mua họp mặt cách 2-3 tháng một lần đã dần trở thành điểm dừng chân cho những ai muốn được chọn mua một món đồ công nghệ giá hời, hay nghe chia sẻ về sự phát triển và thị trường công nghệ còn non trẻ ở Việt Nam.