Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Màu cuộc sống

Chàng trai u não bán sen đá kiếm tiền chữa bệnh: 'Nhìn sen đá kiên cường, tôi thấy mình nên sống nghị lực hơn'

Căn bệnh u não quái ác đeo bám từ khi còn là cậu bé 10 tuổi, thế nhưng vượt qua mọi cơn đau thể xác hành hạ, anh Nguyễn Tấn Trung (32 tuổi) vẫn miệt mài ngày ngày làm lao công, đêm đến bán sen đá tự kiếm tiền chữa bệnh và phụ giúp gia đình.

Tuổi thơ yên bình như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác, cho đến năm 10 tuổi, sóng gió bắt đầu ập đến cuộc đời anh Trung. Một ngày đi học về anh thấy đầu mình đau như búa bổ, nhập viện, anh được chẩn đoán u não.

Không đầu hàng số phận, những năm tháng tuổi thơ dù bệnh tật gây nhiều cản trở, anh Trung vẫn miệt mài cắp sách đến trường và cố gắng lấy được tấm bằng Cao đẳng chuyên ngành Quản trị mạng. Năm 24 tuổi, căn bệnh chính thức lấy đi mắt phải của anh, mắt trái có hiện tượng mờ dần, anh chuyển sang phụ giúp vệ sinh tại bệnh viện Nhi Đồnh, đồng thời ban đêm tranh thủ bán sen đá kiếm thêm thu nhập để tự trang trải cuộc sống, thuốc men.

Anh Nguyễn Tấn Trung (32 tuổi), hàng đêm bán sen đá ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM.

Tuổi thơ mồ côi mẹ, nằm viện vẫn luôn khao khát đến trường

Sinh ra ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, trong một gia đình đông con (6 người con) nhưng kém may mắn, 3 anh chị của Trung mất từ lúc nhỏ. Năm vừa lên 3, mẹ anh Trung cũng ra đi để lại đứa em mới 7 tháng tuổi, một mình ba gồng gánh nuôi nấng cả đàn con đang tuổi tập ăn tập nói.

Cuộc sống gia đình đã chật vật, khó khăn đủ đường, đến năm anh Trung 10 tuổi, ba anh lại một lần nữa suy sụp vì đứa con thơ được chuẩn đoán mắc căn bệnh quái ác - U não. Ròng mấy tháng trời theo con nằm bệnh viện Chợ Rẫy là chừng ấy thời gian người cha chạy đôn chạy đáo nặng trĩu âu lo: lo con đau, không tiền chữa trị, và cuộc sống khốn khó của gia đình rồi sẽ về đâu?

Nằm viện, những cơn đau đầu như búa bổ, hạch bắt đầu nổi lên khắp cơ thể, đứa trẻ ngây ngô khi ấy vẫn chưa ý thức được căn bệnh quái ác chỉ mong sao được trở lại trường học, “Lúc đó tôi chỉ muốn được mau mau xuất viện để còn về đi học, gặp bạn bè thầy cô. Nằm viện bao lâu là tôi nhớ, anh thèm đi học bấy lâu, ngày nào cũng hỏi bao giờ con lại được đi học“, anh Trung bồi hồi nhớ lại.

May mắn thay, nhận thấy gia đình anh quá khó khăn, những tháng ngày nằm trong bệnh viện Chợ Rẫy anh Trung được một vị bác sĩ thương cảm giúp đỡ tận tình. Anh Trung chia sẻ: “Lúc đó còn nhỏ tôi không biết gì, sau này lớn lên ba mới kể cô bác sĩ đó giúp trả 50% tiền viện phí lại thêm có có bảo hiểm y tế hỗ trợ nên ba cũng đỡ được phần nào vất vả“.

“Ông trời kêu ai nấy dạ, lỡ mà ông kêu đi lúc nào thì mình đi lúc ấy, còn bệnh tật coi như cái nghiệp mình phải trả thôi.”

Căn bệnh khiến toàn thân anh nổi chi chít u sơ, gây khó khăn rất nhiều trong hoạt động thường nhật

Với nghị lực sống phi thường, hằng ngày, vừa chống chọi với căn bệnh, anh Trung vừa cố gắng đến trường không bỏ bữa nào. Có khi đau quá, anh phải xin phép về nhà nghỉ. Học đến lớp 10, chương trình học dần khó, căn bệnh u não khiến anh rất khó tiếp thu bài vở, trí nhớ suy giảm, anh buộc lòng phải tạm ngưng việc học vài năm. Sau đó, bằng tất cả quyết tâm, anh Trung tiếp tục đến giảng đường và hoàn thành xong chương trình trung học phổ thông. Với niềm đam mê công nghệ thông tin, từ năm 2007 đến năm 2012, anh Trung hoàn thành chương trình học quản trị mạng bậc trung cấp sau đó liên thông lên cao đẳng.

Khoảng thời gian học cao đẳng cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với anh Trung khi căn bệnh bắt đầu trở nặng và mắt dần bị mù một bên vĩnh viễn. “Khoảng thời gian đó tôi thấy mắt phải mình có cảm giác mờ dần đi, đến khi tình trạng nặng vào viện thì bác sĩ bảo mắt phải có nguy cơ mù vĩnh viễn, còn mắt trái sẽ dần mờ dần. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc này từ rất lâu rồi nên cứ mạnh mẽ đối diện“, anh Trung tâm sự.

Sau bao nhiêu cố gắng tập quen với sức khỏe suy kiệt, đôi mắt tiếp thu ngày một kém, anh Trung lấy được tấm bằng Cao đẳng Quản trị mạng dưới sự cảm phục của rất nhiều người. Bệnh tật gây cản trở rất nhiều trong quá trình xin việc, cuối cùng anh Trung cũng xin được một việc đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, một thời gian sau, tình trạng bênh ngày càng nặng khiến anh không thể tiếp tục công việc hằng mơ ước.

Cần mẫn làm ngày làm đêm để kiếm tiền tự trang trải cuộc sống và tiền thuốc men.

Sen đá anh bán có giá rất rẻ, chỉ từ 8 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng một chậu lớn

Cần mẫn ngày làm lao công, tối đến bán sen đá kiếm tiền chữa bệnh

Mặc bao khuyên nhủ ở nhà dưỡng sức khỏe của gia đình, một lần nữa anh Trung quyết chí vô trung tâm thành phố tìm việc tự nuôi sống bản thân. May mắn, anh được nhận vào làm lao công và hỗ trợ một số việc vặt trong bệnh viện Nhi Đồng. Chàng trai nhỏ người, mắc trong mình chứng u não, mắt chỉ còn thấy một bên cùng chi chít u sơ dưới da đầy lên dây thần kinh khắp người nhưng siêng năng làm lụng, luôn có ý chí tự lập, khát khao sống mãnh liệt… đã lay động trái tim nhiều người xung quanh.

Đồng lương ba cọc ba đồng làm lao công không đủ sống và lo thuốc men, anh được bệnh viện Nhi Đồng bố trí cho ở miễn phí tại một góc nhỏ nơi nghỉ trưa của nhân viên bệnh viện. “Đi làm lương 2 triệu rưỡi, 3 triệu chỉ đủ ăn uống. Mà tính tôi thì không muốn ai giúp đỡ tiền bạc, tôi nghĩ mình phải làm thêm gì đó để trang trải thêm thuốc men. Thế là tôi bán thêm sen đá“, anh Trung chia sẻ.

Sen đá, một biểu tượng của sức sống mãnh liệt và tình yêu cuộc sống, luôn vươn lên mạnh mẽ dù môi trường khắc nghiệt.

Và anh Trung tự xem sức sống của mình cũng mảnh liệt như loài hoa đó.

Từ nhỏ tôi đã rất thích loài sen đá, tôi yêu cái sức sống mãnh liệt của nó. Chỉ từ một chiếc lá rụng dưới đất, không cần ai chăm sóc quá kỹ càng nó vẫn tự mọc lên thành một cây sen đá tươi tốt, xinh đẹp. Nhìn nó, tôi thấy mình sống nghị lực hơn và luôn hướng mình phải sống như loài sen đá“, anh Trung tâm sự.

Được một người chị quen trong một câu lạc bộ thiện nguyện cho mượn khoảng sân nhỏ trước cửa tiệm, anh Trung bày sen đá ra bán kiếm thêm thu nhập. Cứ thế đều đặn hằng ngày anh Trung dậy từ rất sớm để bắt đầu công việc tại bệnh viện Nhi Đồng, trưa tranh thủ chạy về nấu cơm ăn, sau đó quay trở lại làm. 5 giờ chiều, tan làm, anh chạy nhanh đến “tiệm sen đá” của mình bán đến khi hết khách và đi bộ về chỗ ở.

Cuối tuần, anh lại tham gia các câu lạc bô thiện nguyện, phụ giúp làm công quả, làm buffet chay ở chùa để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn.

Nhờ sống lạc quan, yêu đời, sức khỏe của anh Trung khá ổn định.

Nhờ sống lạc quan, yêu đời, sức khỏe của anh Trung khá ổn định, định kỳ 3 - 4 tháng anh đi khám một lần, nhờ bảo hiểm y tế và vị bác sĩ giúp đỡ chi phí nên anh không phải lo quá nhiều về chi phí. “Cả cuộc đời tôi không bao giờ quên ơn cô bác sĩ đã giúp đỡ mình. Dù đã cùng gia đình ra nước ngoài định cư từ nhiều năm nay nhưng 6, 7 năm nay hàng tháng cô vẫn luôn gửi tiền về giúp đỡ tôi“, anh Trung cảm kích.

Nhiều lúc, căn bệnh hành hạ anh Trung bằng những cơn đau buốt đầu, tai ù đi, con mắt còn lại cứ trời dần chiều là mờ. Thế nhưng, vì sợ cha già lo lắng, anh chỉ uống thuốc giảm đau và để tự khỏi “Tôi biết bệnh mình, đau thì đau tôi tự lo được, sợ nói gia đình lại lo, nhất là cha tôi đã hơn 70 tuổi rồi. Nên chỉ khi nào bệnh tình nặng quá tôi mới báo“.

“Nhiều bạn bè, người quen hay thậm chí những vị khách mua sen đá thấy tôi hoàn cảnh nên muốn giúp đỡ những tôi từ chối, mình còn làm được, để dành cho nhiều người khó khăn cần giúp hơn tôi”

Chàng trai đầy nghị lực, vượt qua mọi rào cản bệnh tật để được sống hết mình, sống ý nghĩa từng giây từng phút còn lại của cuộc đời… khiến tất cả mọi người quen biết vô cùng ngưỡng mộ và cảm phục. “Nhiều anh chị quen biết trong nhóm thiện nguyện kêu gọi giúp đỡ nhưng tôi không nhận. Mình còn sức, còn tự lo cho cuộc sống của mình được. Đời còn nhiều người khó khăn hơn tôi rất nhiều, họ không có cơm ăn, không có manh áo mặc ở vất vưởng trên cầu, ngoài đường, họ cần được giúp đỡ hơn tôi“, anh Trung bộc bạch.

Khao khát sống, khao khát tự lập, luôn lo nghĩ cho người khác cùng nghị lực vượt qua số phận, anh Trung cứ thế sống như một loài hoa, một loài sen đá đầy mãnh liệt và kiêu hãnh…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Phạm

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Đoàn Văn Hậu