Sự dũng cảm của mẹ
“Em sinh ra bởi sự dũng cảm của mẹ, bởi bà đã biết em bị dị tật từ khi còn mang thai em nhưng mẹ vẫn cho em chào đời” – Tâm bắt đầu câu chuyện của mình bằng lòng biết ơn vô hạn với mẹ.
18 tuổi, Tâm vẫn mang hình hài của một đứa trẻ. Em sinh ra trong một gia đình có 8 người con tại huyện Phong Điền, tỉnh thường Thiên Huế. Ba mẹ Tâm làm nông, có thời gian lại đi làm thuê đủ thứ việc để lo cho cậu con trai bị dị tật không thể đứng ngồi. Mọi sinh hoạt của Tâm đều trông chờ vào sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình.
Ấy thế mà Tâm rất thông minh, do không thể đi học nên ba mẹ và các anh chị đã thay nhau dạy chữ cho em khi em vừa tròn 7 tuổi. “Em cũng không nhớ sao mình lại có thể học chữ nhanh đến mức như vậy. Mọi người cũng không nghĩ là em có thể tiếp thu rồi đọc chạy mặt chữ trong thời gian ngắn. Em thích được học lắm” – Tâm bộc bạch.
Trước đây, mẹ Tâm vẫn tham gia vào các hoạt động xã hội, vui chơi cùng bạn bè nhưng từ khi sinh Tâm, bà không còn ra khỏi nhà sau giờ làm nữa. Phần lớn thời gian bà đều dành để chăm sóc, dạy dỗ đứa con trai bé bỏng. Thỉnh thoảng khi ai đó nói về cuộc đời của em sau này, mẹ Tâm lại gạt nước mắt. Người phụ nữ tuổi lục tuần không biết làm gì hơn ngoài việc yêu thương con nhiều hơn để bù đắp lại các mất mát của cậu.
Một ngày của Tâm bắt đầu vào 5 giờ sáng. Ba thức dậy sẽ bồng em đi đánh răng, ăn sáng, lấy tất cả các đồ vật cần thiết đặt sẵn xung quanh Tâm rồi mới đi làm.
Mọi sinh hoạt của em đều phải nhờ đến đôi tay của mẹ, bờ vai của cha. Do Tâm ở nhà một mình nên thỉnh thoảng hàng xóm lại chạy qua xem cậu có cần gì không. “Em có được mẹ đưa đi chỉnh thân hình lúc em 4 tuổi. Bác sĩ nói rằng nếu 2 tay hay 2 chân thì còn có cơ hội, đằng này em không thể ngồi do phần lưng cong ngược” – Tâm kể lại.
Nghị lực của Tâm
Tâm buồn bã nói: "Lắm lúc em cũng cảm thấy thật tủi thân khi mình sinh ra trong hình hài như vậy. Đặc biệt là khi kì thi THPT Quốc gia diễn ra, em nằm ở nhà và vô cùng buồn khi thấy bạn bè trang lứa của mình được đến trường thi".
Bước ngoặt đến với cuộc đời Nguyễn Văn Tâm là khi em được người anh tặng cho chiếc điện thoại để nghe nhạc. “Em yêu âm nhạc lắm, hầu như không ngày nào là không nghe. Do ở một mình nên em khá buồn và nó đã giúp em cảm thấy yêu đời, vui vẻ hơn.
Có điện thoại em mới bắt đầu tập tành làm video. Ban đầu chỉ em chỉ dùng loa kẹo kéo để mở beat và điện thoại để ghi hình. Em nhờ cháu gái quay giúp, con bé chỉ mới 9 tuổi nhưng rất thông minh nên em cũng đã có được các video tốt”.
Tìm được đam mê trong âm nhạc, Tâm sống có định hướng hơn và vượt qua được những buồn tủi trước đây. “Khi bắt đầu được biết đến nhiều hơn qua kênh YouTube, em được một người trên mạng xã hội tên Duy Chinh tặng bộ mic thu âm nên những video sau âm thanh tốt hơn rất nhiều. Mỗi lần muốn quay video, em phải chờ cháu gái được nghỉ học”.
Hạnh phúc lớn nhất của Tâm là khi em được nút bạc YouTube và kiếm được một ít tiền phụ giúp bố mẹ. “Đó là số tiền đầu tiên trong đời mà em kiếm được. Dù nó không nhiều nhưng nó giúp em thấy được là em đang sống có ích. Em có thể làm được gì đó cho ba mẹ sau bao nhiêu năm chỉ nằm như thế”.
Mẹ Tâm cũng rất vui khi em có được những nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày. “Lúc cầm được những đồng tiền đầu tiên trên tay, em đã vui đến phát khóc. Mẹ em đi làm dường như quên luôn sức khoẻ và thời gian. Mỗi khi nhắc lại chuyện lúc mẹ sinh em hay chuyện tương lai của em thì mẹ lại khóc.
Em không muốn trở thành gánh nặng cho ba mẹ nên luôn dặn lòng phải sống vui vẻ, yêu đời. Em không có một hình hài lành lặn, em chỉ có thể cố gắng làm tâm hồn mình không khiếm khuyết mà thôi” – Tâm bộc bạch.
Tâm thừa nhận, nhiều anh chị, bạn bè đang ủng hộ mình trên mạng xã hội đa phần đến từ sự thương cảm. Điều này đôi khi làm em cảm thấy tủi thân nhưng chưa bao giờ Tâm muốn từ bỏ ước mơ của mình.
Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi chưa bao giờ nghĩ Tâm là một người khuyết tật bởi cách mà em đã dũng cảm mà để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống của mình. Tâm là một cậu bé hoàn toàn bình thường, một "chiến binh" quả cảm sẵn sàng chiến đấu với mọi chông gai phía trước.