“Từ năm 2016 trở đi sẽ có 3 loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là Thẻ căn cước, CMND loại 9 số và 12 số. Cả 3 loại này chỉ khác nhau về tên gọi còn bản chất là như nhau, có giá trị như nhau”, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Quản lý cư trú và dữ liệu dân cư quốc gia (Bộ Công an), cho biết như vậy khi đề cập đến việc triển khai luật Căn cước công dân.
Theo ông Dung, từ ngày 1.1.2016, thời điểm luật Căn cước công dân có hiệu lực, tại nhiều địa phương sẽ ngừng cấp CMND và chuyển sang cấp Thẻ căn cước cho người dân từ 14 tuổi trở lên. Đối với những người có CMND đến thời điểm này hết hạn thì sẽ được đổi sang Thẻ căn cước. Những người đã được cấp CMND trước ngày 1.1.2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định, khi có yêu cầu thì được đổi sang Thẻ căn cước. Riêng một số địa phương chưa có điều kiện triển khai cấp Thẻ căn cước theo công nghệ mới thì vẫn tiếp tục cấp CMND theo quy định hiện hành. Đến năm 2020, cả nước đồng loạt thực hiện việc cấp Thẻ căn cước.
“Trên Thẻ căn cước chỉ có thay đổi nhỏ là về tên gọi và dấu Quốc huy (thay cho con dấu cơ quan công an), còn lại các thông tin khác cũng giống như CMND, từ tên tuổi, số định danh cá nhân, vân tay, ảnh… Các loại máy móc đã đầu tư để thực hiện cấp CMND theo công nghệ mới thì nay sẽ thực hiện cấp Thẻ căn cước nên không có chuyện lãng phí về nguồn lực hay đầu tư gì ở đây cả”, ông Dung nói.
Theo kế hoạch, đến cuối tháng 10 năm nay Bộ Công an sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Căn cước công dân để chuẩn bị cho việc cấp Thẻ căn cước từ ngày 1.1.2016.