Nằm khiêm tốn sau Nhà sàn, cạnh gò đất cao, bên dưới những tán cổ thụ xanh um tỏa bóng mát là ngôi nhà đơn sơ phủ lớp ve xanh nhạt được gọi thân thương bằng cái tên “Nhà 67”. Đây là nơi chứng kiến những ngày làm việc tận tụy bất kể ngày đêm và cả những giây phút cuối đời của vị cha già kính yêu của dân tộc.
Từ ngày 25/8/1969 tình hình sức khỏe của người chuyển xấu, Bộ Chính trị đề nghị Người không lên xuống Nhà sàn nữa mà ở hẳn trong Nhà 67 để chữa bệnh. Dù là trên giường bệnh nhưng Bác vẫn làm việc, ngày ngày đều đặn nghe báo cáo công việc từ cả hai miền đất nước, vẫn đọc sách báo, gửi điện mừng và trao tặng huân chương huy hiệu cho những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chiến đấu và sản xuất.
Trước tình hình lũ lụt ở miền Bắc đang dâng cao, Người kiên quyết không di tản theo đề nghị của Trung ương mà ở lại Thủ đô với mong muốn được gặp được nhân dân trong ngày Quốc khánh. Người còn chu đáo căn dặn các đồng chí phải tổ chức một buổi lễ long trọng, bắn pháo hoa để người dân phấn khởi, hân hoan. Ngày 29/8/1969, Bác nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Ngày lễ Quốc khánh Bác sẽ ra dự mươi, mười lăm phút”, thế nhưng, mong muốn này đã không thể trở thành hiện thực.
Khoảng thời gian tỉnh dậy sau những ngày bệnh tình suy yếu, Người thủ thỉ bên những đồng chí thân cận: Người muốn nghe một khúc dân ca. Cô y tá Viện Quân y 108 Ngô Thị Oanh - người chăm sóc sức khỏe cho Bác đã cố nén đau thương để ngân nga làn điệu: “Người ơi, người ở đừng về. Mà người ơi, người ở đừng về”. Tiếng ca bay bổng cất lên, những người xung quanh căn phòng nhỏ không ai cầm được nước mắt. Sinh ra và lớn lên từ vùng đất của những câu hát dân ca, câu hò ví dặm ngọt ngào đằm thắm, thì cuối cùng Người cũng nhẹ nhàng bước vào cõi vĩnh hằng bằng âm hưởng của những lời ca.
Và rồi, 9h47 ngày 2/9/1969, nhân dân hai miền tuôn trào nước mắt khi Người mãi mãi ra đi sau một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy điện tim, đến 9h15 tim Bác đã ngừng đập hẳn. Các bác sĩ vẫn thay nhau dùng tay ấn lên ngực mong sao tim đập trở lại, nhưng tất cả đều vô vọng. Đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cất lời trong nước mắt: “Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi”.
Đã 48 năm ngày đau thương ấy đi qua, nhưng ngày 2/9 của thời điểm hiện tại, dù người dân cả nước hồ hởi vui mừng cho ngày Quốc Khánh, họ cũng không quên hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới.