Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

'Bóng hồng' duy nhất trên đảo Hòn Cau: Dành cả thanh xuân để đi theo dấu chân rùa biển

Mùi nắng, mùi gió, mùi biển của Hòn Cau đã một phần cuộc đời của chị. Và khi chị tất tả mang những chú rùa về nơi trú ngụ an toàn, lòng chị lại dâng lên niềm hân hoan lạ kì. Đó là những tâm sự chân thật nhất của chị Lưu Yến Phi, hiện đang công tác tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Làm "bà đỡ" cho rùa

Hòn Cau tháng 5, nước biển xanh trong vắt, từng đợt sóng cứ ì oạp nhẹ nhàng vỗ vào dải cát. Mùa gió nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 cũng là mùa rùa sinh sản. Khu bảo tồn biển Hòn Cau nằm chon von một góc đảo, đứng ở đây, bạn có thể nghe được tiếng thì thầm của sóng, của gió và của biển mơn man vào các triền cát trắng. Chị Lưu Yến Phi là nhân viên nữ duy nhất của Khu bảo tồn.

'Bóng hồng' duy nhất trên đảo Hòn Cau: Dành cả thanh xuân để đi theo dấu chân rùa biển Ảnh 1
Biển Hòn Cau

Nhiều năm qua, chị đã cùng các anh em trong nhóm tham gia vào công tác thuộc đội tuần tra kiểm soát để cho tàu thuyền không đánh bắt khu bảo tồn. Chị chia sẻ: "Tới mùa sinh sản, rùa sẽ lên đẻ trứng. Ngoài đảo có đến 4-5 bãi rùa hay lên nên anh em sẽ chia nhau để canh rùa nhằm tránh tình trạng người dân đến đánh bắt. Trứng rùa sẽ được mang về các bãi ấp và quan sát. Từ 45 - 60 ngày, rùa con sẽ nở và được thả về biển".

'Bóng hồng' duy nhất trên đảo Hòn Cau: Dành cả thanh xuân để đi theo dấu chân rùa biển Ảnh 2

Làm "bà đỡ" cho rùa là công việc cần thật nhiều tình yêu và nhiệt huyết. Những lần đầu từ đất liền ra đảo, chị Phi cũng bị "choáng váng" bởi cơn sóng dập vào mạn thuyền, hay làn da chị cũng đã sạm đi nhiều bởi nắng gió Hòn Cau. Nhưng thời gian dài không được ra biển là chị cảm thấy "bứt rứt" dữ lắm. Bởi mùi nắng, mùi gió, mùi biển Hòn Cau quyệt vào nồng nàn đã tạo nên thứ hương vị cuộc sống không thể tách rời trong chị.

'Bóng hồng' duy nhất trên đảo Hòn Cau: Dành cả thanh xuân để đi theo dấu chân rùa biển Ảnh 3

Là con gái, việc tham gia vào công tác bảo tồn có phần vất vả hơn. Có những ngày trực trên đảo, một mình chị lặn lộn đi bộ trên quãng đường từ trạm ra bãi rùa đẻ lúc 1, 2 giờ sáng.

Nơi có thật nhiều yêu thương

Có những buổi tối, cả đội như "nín thở" khi theo dấu chân rùa. Anh em nằm chờ rùa đẻ rồi lại mang trứng về bãi ấp. Ban ngày, mọi người sẽ cùng nhau dọn rác, làm sạch biển.

'Bóng hồng' duy nhất trên đảo Hòn Cau: Dành cả thanh xuân để đi theo dấu chân rùa biển Ảnh 4

Chị Yến Phi tâm sự: "Mỗi lần ra đảo là mình cảm thấy vui, thấy thân thuộc. Những mua biển động mình không ra đảo là thấy nhớ lắm. Khác với đất liền, "ngôi nhà" ở trên đảo chỉ vừa đủ để phục vụ cho sinh hoạt cơ bản, ăn uống, nghỉ ngơi không quá tiện nghi. Nhưng nó là nơi gói ghém biết bao kỉ niệm của mình trong những tháng năm ở đây. Anh em cũng chia ra nhau nấu ăn, hỗ trợ lẫn nhau".

'Bóng hồng' duy nhất trên đảo Hòn Cau: Dành cả thanh xuân để đi theo dấu chân rùa biển Ảnh 5

Các thành viên thuộc khu Khu bảo tồn biển Hòn Cau đều dành nhiều tình yêu cho biển, cho loài rùa hiền lành. "Ở đây, mọi người được sống hòa mình với thiên nhiên. Quá trình chăm sóc, trông nom rùa cũng là hành trình đầy cảm xúc. Tầm 45 -60 ngày, trứng rùa chuẩn bị nở thì sẽ xuất hiện vết nứt trên mặt đất. Mình phải nhẹ nhàng dùng găng tay y tế bỏ rùa vào sọt. Khi đủ tuổi trưởng thành, nó sẽ quay về nơi nó đã sinh ra để tiếp tục sinh sản", chị Phi tâm sự thêm.

Những hành trình giải cứu

Sở dĩ nhóm phải duy trì việc nhặt rác ở bãi biển vì từng có nhiều trường hợp rùa nuốt túi nilon. Khi ở dưới biển, túi nhựa có hình dáng giống sức nên rùa ăn phải sẽ bị nghẹn. Chị Phi từng chứng kiến rùa ăn nhầm ống hút khi lôi ra mất rất nhiều máu. Hay có những hôm, rùa mắc lưới của ngư dân và được chuyển đến các quán nhậu, nhóm phải tức tốc chạy đi "giải cứu".

'Bóng hồng' duy nhất trên đảo Hòn Cau: Dành cả thanh xuân để đi theo dấu chân rùa biển Ảnh 6

Chị kể: "Nhận được tin báo rùa bị bán tới các quán nhậu, mình phải đến đó nhanh nhất có thể để vận động họ thả ra. Sau khi nhận được rùa thì nhóm sẽ mang về biển thả. Nhiều năm qua, mọi người đã cố gắng thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân về vấn đề bảo tồn rùa biển".

Thỉnh thoảng, trung tâm lại tiếp nhận những trường hợp rùa bị người dân nuôi nhốt ở trong nước ngọt khá lâu. Khi vấn đề bảo tồn rùa biển được nhiều người biết tới, họ tự động giao lại rùa. Chị Phi chia sẻ: "Mình không thả ra biển được, bởi chúng đã bị mất bản năng hoang dã, không thể săn mồi. Nhóm phải thả vào hồ to, đem nước mặn về cho rùa quen với độ mặn từng ngày, đồng thời tập cho chúng bản năng săn mồi. Tùy theo trường hợp mà từ 3 đến 6 tháng hoặc 1 năm tụi mình mới có thể thả về biển".

'Bóng hồng' duy nhất trên đảo Hòn Cau: Dành cả thanh xuân để đi theo dấu chân rùa biển Ảnh 7
Tình nguyện viên đến đảo Hòn Cau hằng năm

Có những trường hợp đau lòng hơn là úc chị có thấy 1 rùa ăn nhầm ống hút, khi lôi được ống hút ra mất nhiều máu. Rùa đánh chất nổ dạt vào bãi biển không còn nguyên vẹn hoặc bị người dân người ta làm thịt ở trên thuyền, dạt vào bờ.

Trải qua những khó khăn, vất vả và những hành trình giải cứu "nghẹt thở", nhưng chị Phi và đồng đội của mình vẫn duy trì công việc này với lòng nhiệt thành. "Để sau này con cháu mình biết đến con rùa là như thế nào. Mình không muốn chúng chỉ biết đến "rùa biển" qua sách vở", chị tâm sự.

Trước khi nhận lời phỏng vấn SAOStar, chị Phi cũng đã nhiều lần ngại ngùng vì "việc mình làm còn quá bé nhỏ so với các anh em". Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin rằng chị Phi cùng sự cống hiến lặng thầm ấy cũng đã phác thảo nên bức tranh thật đẹp về vùng biển Hòn Cau, nơi có đội cứu hộ, bảo vệ rùa biển đang ngày đêm dốc hết tâm sức mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khải Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất