Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bốn thầy thuốc đặc biệt lên đường giải cứu 129 công nhân Việt Nam mắc COVID-19 tại Guinea Xích Đạo về nước

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Bốn thầy thuốc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xuất phát lên Sân bay Nội Bài để tham gia chuyến bay giải cứu 129 công nhân Việt Nam mắc COVID-19 tại Guinea Xích Đạo trong sáng 28/7.

Sáng 28/7, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã lên đường cho một hành trình dài nhiều thách thức. Đó là hành trình đón số lượng bệnh nhân lớn nhất từ trước đến nay trở về Guinea Xích Đạo. 

Đúng 7 giờ sáng, chuyến bay VN 5022 xuất phát tại sân bay Nội Bài sẽ sang Guinea Xích Đạo đón 219 công dân Việt Nam, trong đó có 129 người là bệnh nhân COVID-19 trở về quê hương. Trong số 129 bệnh nhân có 46 người có bệnh mãn tính kèm theo (là nhóm dễ có biến chứng hơn) như loét dạ dày, cao huyết áp, tim mạch, viêm phế quản. 

Bốn thầy thuốc đặc biệt lên đường giải cứu 129 công nhân Việt Nam mắc COVID-19 tại Guinea Xích Đạo về nước Ảnh 1
Bốn thầy thuốc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trước giờ xuất phát lên Sân bay Nội Bài.

Trước một số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện cùng lúc lớn chưa từng có, hai bác sĩ và hai điều dưỡng sẽ ngồi chung trong khoang dành riêng cho 129 bệnh nhân COVID-19 ở cuối máy bay trong suốt hành trình kéo dài 13 tiếng đồng hồ từ Bata về Hà Nội. Họ mang theo thuốc men, dụng cụ y tế để chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu các bệnh nhân. 

BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - là người trực tiếp tham gia chuyến bay đón 219 công dân từ Guinea Xích Đạo cho biết, đoàn công tác bao gồm hai bác sĩ và hai điều dưỡng thuộc khoa Cấp cứu với nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý và cấp cứu bệnh nhân đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường. Do thời gian bị đẩy lên sớm hơn so với dự kiến, nên khâu chuẩn bị phải khẩn trương hơn. 

Bốn thầy thuốc đặc biệt lên đường giải cứu 129 công nhân Việt Nam mắc COVID-19 tại Guinea Xích Đạo về nước Ảnh 2

Những ngày qua, các bác sĩ đã phải tập trung lắp ráp các thiết bị, tập dượt với thời gian nhanh nhất có thể. Xác định nguy cơ lây nhiễm rất cao, các bác sĩ đã đưa ra những phương án để hạn chế lây nhiễm trong chuyến bay và cũng xác định nhiều tình huống có thể xảy ra. Trong khoang máy bay sẽ được chia thành bốn khu vực riêng biệt cho các nhóm đối tượng nhất định. 

Với sự hỗ trợ của Cục Hàng không Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội đã thiết kế một màng chắn nylon ngăn cách giữa bốn khu riêng biệt. Khu vực cuối máy bay sẽ dành cho các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Khu vực tiếp theo được bố trí cho những người chưa có kết quả xét nghiệm hoặc có kết quả âm tính với virus. Khu thứ 3 dành cho các nhân viên y tế và khu cuối cùng, phía đầu máy bay, là nơi làm việc của phi hành đoàn. 

Bốn thầy thuốc đặc biệt lên đường giải cứu 129 công nhân Việt Nam mắc COVID-19 tại Guinea Xích Đạo về nước Ảnh 3

Các bệnh nhân được sàng lọc và phân chia vị trí theo mức độ nặng nhẹ của tình trạng sức khỏe. Người bệnh nặng được ưu tiên ngồi hàng ghế trên phòng trường hợp biến cố xảy ra, các bác sĩ có thể cấp cứu kịp thời”, BS Hùng cho biết. 

Với sự giúp đỡ của Đại học Bách khoa Hà Nội, trên máy bay sẽ có buồng áp lực dương để phòng tránh lây nhiễm để hỗ trợ mọi người trong quá trình phải ăn, uống trong 15 giờ bay từ Guinea Xích Đạo về Việt Nam. Các trang thiết bị y tế được mang theo trên chuyến bay cũng đặc biệt hơn do số lượng bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều. 

Đoàn công tác sẽ mang thêm hai máy thở, hai máy khí dung, các monitor, bộ đặt ống nội khí quản và bình ô-xy. Các trang thiết bị này sẽ được sử dụng để tiến hành cấp cứu kịp thời trong trường hợp bệnh nhân có diễn biến xấu. 

Bốn thầy thuốc đặc biệt lên đường giải cứu 129 công nhân Việt Nam mắc COVID-19 tại Guinea Xích Đạo về nước Ảnh 4

"Số lượng người nhiễm cao đặt ra thách thức cho tổ y tế. Tỷ lệ bệnh nhân dương tính rất lớn, chiếm khoảng 50%. Có khoảng 5-7 ca nặng. 

Không gian máy bay hẹp, nồng độ virus đậm đặc nên nguy cơ lây nhiễm cho phi hành đoàn và tổ y tế rất cao. Vì vậy chúng tôi xác định những người tham gia chuyến này phải là những người rất có kinh nghiệm trong xử trí cấp cứu của bệnh nhân, thao tác kỹ thuật khó. 

Do đó, hai bác sĩ, hai điều dưỡng thuộc Khoa Cấp cứu, được ‘chọn mặt gửi vàng’ đi đón công dân. Chúng tôi vinh dự nhưng cũng cảm thấy rất lo lắng. 

Chuyến bay này không giống chuyến đi khác, điều kiện chật hẹp hơn, không thông khí, tỷ lệ sử dụng lại không khí trên máy bay là 60%, không giống khi chăm sóc bệnh nhân ở viện có sự thông thoáng khí. Anh em đã xác định nguy cơ mắc bệnh cao, khó tránh khỏi việc nhiễm COVID-19, phải chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất này, đồng thời lên các phương án đảm bảo an toàn cho bản thân và người bệnh”, bác sĩ Hùng nói. 

Bốn thầy thuốc đặc biệt lên đường giải cứu 129 công nhân Việt Nam mắc COVID-19 tại Guinea Xích Đạo về nước Ảnh 5

TS, BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện đã sẵn sàng dành toàn bộ các khoa phòng tại cơ sở 2 Kim Chung (Đông Anh) với 400- 500 phòng bệnh để làm tốt công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm. 

Bệnh viện đã chuẩn bị hai máy thở, hai máy siêu âm, hệ thống ô-xy và thuốc men, sẵn sàng cấp cứu cho những trường hợp bệnh trở nặng. Nếu có tình huống xấu, mục tiêu là cố gắng để bệnh nhân về được đến bệnh viện, sau đó sẽ huy động thêm nhiều nhân lực tiếp tục cấp cứu. 

Trong đoàn 120 người mắc COVID-19 lần này, dự kiến sẽ có khoảng 10-15 ca nặng. Bệnh viện đã có những phương án để chuẩn bị máy thở và phương tiện ECMO, sẵn sàng ứng biến tùy theo tình huống cụ thể. 

Theo ông Thạch, tất cả nhân viên y tế tại Bệnh viện xác định đây là một cuộc chiến, nhân viên y tế là chiến sĩ đi vào mặt trận. "Bốn cán bộ y tế tinh nhuệ của chúng tôi biết về nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay cũng như sự nguy hiểm của căn bệnh này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức", ông Thạch chia sẻ. 

Theo Giám đốc bệnh viện, bệnh viện sẽ bảo đảm giãn cách giữa tất cả khoa phòng, sao cho mật độ cách ly càng xa càng tốt, ít nhất là 2 mét giữa các giường bệnh. 

Để phục vụ công tác điều trị, hiện bệnh viện có khoảng hơn 100 máy thở. Các loại thuốc men, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân cũng đã sẵn sàng. Đặc biệt, lần này bệnh viện cũng đưa các robot hỗ trợ điều trị vào thử nghiệm. 

TS Thạch cho biết, bệnh viện bố trí khoảng 250 nhân viên, bao gồm cả y bác sĩ, bảo vệ, nhân viên vệ sinh, hậu cần để chia trực chiến các vòng trong, vòng ngoài hỗ trợ nhau. Tất cả sẽ cách ly tại viện để tránh nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Gian nan nuôi dạy cầu thủ của bầu Đức