Trao đổi với báo chí chiều nay, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang cho biết, quan điểm khi xây dựng dự thảo luật Máu và tế bào gốc của Bộ Y tế là dựa trên tinh thần tự nguyện với các bằng chứng xác đáng về mặt khoa học.
“Nhưng làm sao để chứng minh hiến máu tình nguyện là tối ưu thì phải đưa ra tình huống giả định để dư luận cùng bàn thảo, ở đây là phương án hiến máu bắt buộc để đánh giác tác động của chính sách về các mặt kinh tế, đạo đức, quyền con người và thực tiễn”, ông Quang giải thích.
Theo ông Quang, nếu hiến máu bắt buộc thì 1 năm tiêu tốn 4.180 tỉ đồng, trong khi hiến máu tình nguyện như hiện nay với 18,2 triệu người hiến thì chỉ tiêu tốn 2.000 tỉ.
Chưa kể, nếu hiến máu bắt buộc với 46 triệu người sẽ gây dư thừa máu. Bộ Y tế không theo đuổi mục tiêu này.
“Tham khảo các quy định của Hiến pháp, luật pháp quốc tế thì không có nước nào quy định bắt buộc cả, kể cả Trung Quốc. Nếu bắt buộc sẽ liên quan đến quyền con người”, ông Quang nói rõ.
Ông Quang cho biết, việc đưa ra tình huống giả định là để chứng minh phương án hiến máu tự nguyện tối ưu hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế.
“Khi soạn thảo, chúng tôi đã nghiên cứu rất rõ những tác động về mọi mặt trong trường hợp áp dụng 2 phương án trên”, ông Quang nói thêm.
Tại Việt Nam, hiện máu tình nguyện hiện trong 2-3 năm gần đây đã đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh.
Ông Quang cung cấp số liệu mới nhất từ Viện Huyết học và Truyền máu TƯ cho biết, tính đến 2016 đã có 1,52% dân số tham gia hiến máu tình nguyện, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu, đáp ứng đủ nhu cầu điều trị bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Chỉ một số ít địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu khoảng 20-30%.
Sáng mai, Bộ Y tế sẽ có cuộc họp với hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp và các chuyên gia độc lập về dự án luật này.