Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bỏ tiền tỷ đầu tư giữa thời trà sữa bùng nổ, chủ cửa hàng có thu nổi lợi nhuận?

Giữa thời mà "người người, nhà nhà mở quán trà sữa", ai cũng nghĩ việc kinh doanh chạy theo trào lưu sẽ gặp nhiều khó khăn thế nhưng theo lời chủ người, "milktea" vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và đem lại cho họ doanh thu tương đối lớn.

Ở Hà Nội, việc các bạn trẻ xếp hàng dài cả cây số, chờ đến lượt mua 1 cốc trà sữa đã không còn quá xa lạ. Không cần chờ đến cuối tuần hay vào khoảng thời gian “vàng” trong ngày, bất cứ thời điểm nào, các quán trà sữa cũng có thể đông khách nườm nượp.

Hầu hết các quán trà sữa đều kinh doanh theo kiểu nhượng quyền thương hiệu. Người kinh doanh thường tìm đến những cái tên đình đám, được nhiều khách hàng tin dùng như: Royaltea, Bobapop, Ding Tea… để ký hợp đồng nhượng quyền, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật pha chế.

Những cốc trà sữa làm nhiều bạn trẻ Hà Nội mê mẩn.

Nhờ hình thức kinh doanh này, chỉ trong một thời gian ngắn, tại Hà Nội đã có vô vàn quán trà sữa mọc lên với đủ mặt thương hiệu lớn, nhỏ. Câu hỏi khiến nhiều người quan tâm là khi quả bóng trà sữa đang căng dần lên thì liệu đến một lúc nào đó, trái bóng này có bị vỡ vì bão hòa?

Để tìm hiểu việc kinh doanh của các quán trà sữa trong giai đoạn “bùng nổ” như hiện nay, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhiều chủ cửa hàng lớn tại Hà Nội.

Mua nhượng quyền của người được nhượng quyền - Chỉ cần có 2 tỷ là mở ngay được một quán trà sữa

Chị Hồng, chủ một quán trà sữa lớn trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, hiện nay, việc mua nhượng quyền thương hiệu trà sữa có thể tiến hành rất dễ dàng. Nếu có điều kiện, chủ quán có thể sang tận nước sở tại ký kết hợp đồng, đưa thương hiệu trà sữa về Việt Nam và phát triển thành 1 hoặc chuỗi cửa hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng bỏ vốn, cất công sang tận nước ngoài mua nhượng quyền. Để tiết kiệm chi phí, công sức, nhiều người chọn cách mua thương hiệu từ người đã được nhượng quyền.

Theo nhiều người, việc mua nhượng quyền có thể phải sang tận nước sở tại nhưng cũng có thể, chỉ cần giao dịch qua những người đã được chính hãng ủy quyền.

Hiểu đơn giản thì người mua nhượng quyền từ công ty mẹ sẽ trở thành đại lý cấp 1 còn những người mua lại của người mua lại họ sẽ thành cấp 2, thậm chí cấp 3, 4“, chị Hồng chia sẻ.

Chính cách làm này đã khiến quán trà sữa được nhân lên nhanh chóng. Thủ tục đăng ký nhượng quyền cũng không quá gay gắt, chỉ cần đầy đủ giấy tờ, tuân thủ 100% các điều kiện mà chủ sở hữu thương hiệu gốc đưa ra và có một khoản vốn hợp lý, ai cũng có thể mở quán trà sữa.

Các quán trà sữa nổi tiếng tại Hà Nội. (Ảnh: Q&Me)

Theo lời chị Hồng, số tiền để đăng ký nhượng quyền tùy thuộc vào độ “hot” của thương hiệu. Thông thường, tổng toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu sẽ là từ 1-2 tỷ.

Khi được hỏi về những rắc rối liên quan đến đăng ký bản quyền đối với những cái tên không thể bảo hộ thương hiệu, chị Hồng cũng như nhiều chủ hàng trà sữa tỏ ra rất bình thản. Theo họ, việc tên thương hiệu có đăng ký bản quyền được hay không, không quá quan trọng.

Bất chấp việc không đăng ký được bản quyền thương hiệu, Royaltea từ khi gia nhập thị trường trà sữa tại Hà Nội đã phát triển với tốc độ chóng mặt.

Điều quan trọng là mình đã làm hợp đồng nhượng quyền chính hãng đầy đủ và đảm bảo chất lượng đồ uống, phong cách phục vụ. Cuối cùng thì khách hàng vẫn là những người đánh giá công tâm nhất. Mình làm tốt được họ công nhận thôi“, chị Trà (một chủ hàng trà sữa) khẳng định.

La liệt quán trà sữa, chủ quầy vẫn bán chạy vài trăm cốc/ngày

Nhìn vào bức tranh thị trường trà sữa tại Hà Nội, ai cũng nghĩ, chủ cửa hàng đang phải cạnh tranh gay gắt khi mà bán kính 1km đã có tới vài chục quán trà sữa khác nhau cùng mọc lên. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi còn thực tế, theo nhiều người kinh doanh, thị trường chưa hề bão hòa và trà sữa vẫn đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể.

Các chương trình khuyến mại mua 1 tặng 1, giảm giá toàn bộ menu, check in nhận voucher… được các cửa hàng tung ra liên tiếp nhằm thu hút khách hàng nhưng cách đó chỉ có những thương hiệu mới nổi hay áp dụng. Đối với các cửa hàng, thương hiệu lớn đã có chỗ đứng thì thường chú tâm vào chất lượng phục vụ cũng như đồ uống“, chị Hồng cho biết.

Theo lời chị, cạnh tranh trà sữa trong giai đoạn hiện nay không đến mức quá gay gắt. Mọi người nghĩ các cửa hàng trà sữa ở gần nhau sẽ tìm mọi cách để cạnh tranh nhưng sự thật không phải như vậy. Mỗi quán hướng đến nhóm khách hàng khác nhau, có quán phục vụ chính cho tầng lớp học sinh, sinh viên nên thường tung ra các chương trình khuyến mại giá rẻ nhưng có quán lại phục vụ chủ yếu cho người đi làm nên rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ.

Những chương trình khuyến mại liên tục được tung ra theo định kỳ.

Từ sự khác nhau đó mà đôi khi các cửa hàng trà sữa còn giúp đỡ nhau nhiệt tình. Cái chính là rất hiếm khi, ở cùng vị trí lại có tới 2 cửa hàng trà sữa cùng thương hiệu mọc lên để cạnh tranh nhau“, chị Hồng nói thêm.

Trong khi đó, theo lời chị Trà, các quán trà sữa cũng có sự cạnh tranh nhưng diễn ra khá rộng và sâu. Chẳng hạn, họ cạnh tranh việc lựa chọn vị trí đắc địa hay mua nhượng quyền từ những thương hiệu “hot” nhất trên thị trường.

Tuy nhiên, dù thế nào thì nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn nên những ai mở quán trà sữa vào thời điểm này vẫn không sợ lỗ vốn“, chị Trà chia sẻ.

Bạn Phương Trinh (nhân viên một quán trà sữa phong cách Nhật Bản) cũng tâm sự, trung bình mỗi ngày quán Trình làm việc bán ra 100-150 cốc. Những ngày gần lễ, Tết thì bán được nhiều hơn, khoảng trên 200 cốc và doanh thu tương đối ổn.

Giống như quán của Trinh, hiệu trà sữa của chị Trà mỗi ngày cũng bán hết khoảng vài trăm cốc, 6-7 nhân viên trong suốt ca làm việc luôn phải bận bịu tối mắt để đáp ứng nhu cầu thực khách.

Đồng tình với quan điểm này, chị Giang (chủ một cửa hàng trà sữa) cũng cho biết, mỗi tháng, chi phí thuê nhân công của chị hết khoảng 30 triệu, thuê mặt bằng 50 triệu, chưa kể các chi phí về nguyên liệu, máy móc. Thế nhưng khi tính ra, với số tiền bán trà sữa thu về, chị vẫn có lãi kha khá.

Chị nghĩ trà sữa có thể lúc nào đó sẽ thoái trào nhưng thời điểm này khó lắm vì nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển cực thịnh“, chị Giang nói thêm.

Mời quý độc giả đón đọc tiếp kỳ cuối: Mọc lên như nấm - trà sữa sẽ ‘chết yểu’ như mì cay 7 cấp độ hay tiếp tục phát triển thành xu hướng?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Hà

Được quan tâm

Tin mới nhất
Siêu mẫu Bình Minh tái xuất