Cách đây vài ngày, tài khoản Facebook H.D đã chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ tên là Thúy Hằng làm nghề sửa xe ngay góc ngã tư Lê Văn Sỹ và Đặng Văn Ngữ (trước cửa nhà thờ Ba Chuông), quận Phú Nhuận, TP HCM. Theo anh H.D, điều đáng quý nhất ở người phụ nữ này là “nhọc nhằn vất vả công việc, thu nhập bấp bênh là vậy, nhưng rồi chị vẫn trích phần tiền hàng ngày để duy trì bình trà đá miễn phí dành cho người đi đường cũng cả chục năm qua”.
Từ thông tin mà Facebooker trên chia sẻ, sáng nay (23/1), phóng viên SaoStar đã tìm đến khu vực được xác định là nơi cô Hằng sửa xe “sáng sáng chiều chiều, kể cả lễ tết”. Nhưng khi chúng tôi đến nơi, tiệm sửa xe của cô lại đang trong cảnh… “vườn không nhà trống”. Lân la hỏi chuyện một số người dân đang có mặt gần tiệm sửa xe của cô Hằng, chúng tôi thực sự hoang mang khi tiếp nhận nhiều thông tin hoàn toàn trái ngược so với những gì anh H.D chia sẻ.
Lúc chúng tôi xưng là phóng viên đến viết bài về cô Hằng, những người dân này quay sang nhìn nhau cười bí hiểm rồi xì xầm to nhỏ. Chú N.V.A cho biết: “Tiệm sửa xe này là của chồng bà Hằng. Thỉnh thoảng, bà ấy mới ra phụ hay làm thay chồng thôi. Cuối tuần, bà ấy ít khi ra đây lắm”. Người này còn tiết lộ: “Tôi mới chính là người trực tiếp rửa bình, châm trà, mang bình trong nhà thờ ra… mỗi ngày đây nè, không phải bà Hằng đâu”.
Liền sau đó, cô T.T.B bức xúc lên tiếng: “Không hiểu sao nhà báo cứ kéo đến đây viết bài về bà Hằng. Bà ấy có làm gì đâu mà viết chứ”. Như để minh chứng cho lời nói của mình, người phụ nữ này liền lấy một cuốn tạp chí xuân, trong đó có bài viết về cô Hằng cho chúng tôi xem. Cô B. giải thích thêm: “Cuốn tạp chí này là do một người trong nhà thờ mang ra cho chúng tôi đọc để biết bà Hằng được báo chí viết ra sao”.
Cô B. bật mí: “Bình trà đá miễn phí là của nhà thờ chứ không phải của bà Hằng đâu. Mà thôi, cũng là chỗ quen biết, ngày ngày đụng mặt nhau, tôi cũng không muốn nói nhiều về chuyện này”. Sau đó, mỗi khi cố gắng tìm cách khai thác thêm thông tin về cô Hằng, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc sự e dè, lảng tránh của những người này.
Buổi trưa cùng ngày, chúng tôi quyết định trở lại địa điểm trên với mong muốn gặp được cô Hằng. Đang ngồi nghỉ ở một quán nước cách đó tầm 10 mét, cô Hằng tiếp chúng tôi với thái độ rất dè chừng. Sau một hồi dò xét và liên tục từ chối trả lời mọi câu hỏi, người phụ nữ sửa xe cuối cùng cũng chịu lên tiếng.
Cô nói: “Tôi trả lời một lần cho xong. Bình trà đá đó là của nhà thờ, không phải của tôi. Cách đây mấy năm, tôi cũng làm một bình trà từ thiện nhưng bằng nhựa, không phải inox như hiện nay. Giờ tôi hết làm rồi. Còn muốn hỏi thêm gì thì cứ qua mấy người bên kia mà hỏi (PV - cô Hằng vừa nói vừa chỉ tay về nơi chúng tôi gặp chú A. và cô B. lúc sáng nay)”.
Như vậy, thông tin về việc cô Hằng tự bỏ tiền túi làm bình trà đá miễn phí đặt ngay ngã tư Lê Văn Sỹ và Đặng Văn Ngữ hiện nay là hoàn toàn không chính xác. Thực tế, bình trà thiện nguyện này thuộc sở hữu của nhà thờ Ba Chuông và được những người dân xung quanh trông nom giúp. Việc người làm thì không được ghi nhận, người không làm lại được tuyên dương đã vô tình gây bất hòa giữa những người được nhắc đến trong bài viết này.
Tuy vẫn chưa thể kết luận thông tin sai lệch được lan truyền là do người truyền thông tin không xác minh kỹ hay do chính người trong cuộc cố tình không thành thật. Nhưng dù là vì lý do nào thì qua sự việc lần này, chúng ta vẫn cần tự nhắc nhở bản thân khắt khe hơn trong việc truyền đạt, tiếp nhận và chia sẻ một thông tin nào đó trên thế giới ảo “thật giả lẫn lộn” như ngày nay.
(Tên của những người dân đã được thay đổi)