Video: Dễ dàng tóm được con dúi rừng đào hang trốn ở rừng trúc
Truy tìm chuột khổng lồ trong rừng trúc
Yên Tử là dãy núi không cao lắm, nhưng nhiều rừng tre, trúc, là nơi thích hợp để loài chuột rừng khổng lồ trú ngụ, mà dân vẫn gọi là con dúi. Đồng bào quanh quả núi này, ngàn đời nay, vẫn coi dúi là thứ thức ăn thượng hạng.
Sau một số cuộc điện thoại hẹn hò, sắp đặt thời gian, thì tôi cũng có mặt ở xã Tuấn Đạo (Sơn Động, Bắc Giang), một xã ở phía Tây của dãy Yên Tử, cách Hà Nội gần 150km.
Sớm tinh sương, 3 người đàn ông Cao Lan ở thôn Đồng Sim, đã thức dậy. Người chuẩn bị túi vải, người mài dao, cuốc, xẻng, thuổng ở trước nhà anh Đặng Văn Chín bán tạp hóa ngay đầu thôn Đồng Sim.
Anh Chín dáng người cao ráo, xốc vác. Vợ bán tạp hóa, anh nuôi đàn lợn, lại buôn bán sấp mặt khắp nơi. Cuộc sống chẳng thiếu thốn gì, nhưng cái thú đi săn ăn vào huyết quản từ tổ tiên xưa, nên nay vẫn cứ chảy trong người.
“Các cụ kể rằng, năm 1945 cả nước chết đói, nhưng thực ra ở đồng bằng đói, chứ trên này đói sao được. Trên núi toàn là rừng trúc, rừng tre, măng mọc tua tủa đầy cái ăn. Thú trong rừng nhiều như chuột. Mà chuột tre thì nhiều vô số. Chuột tre chính là con dúi, vì nó ăn tre nên gọi như vậy. Người Cao Lan ở Sơn Động thì thông thường gọi nó là con đũn” - anh Đặng Văn Chín vừa ngó lưỡi thuổng, vừa kể.
Theo lời anh, ngày nhỏ, thường xách lồng sắt đi rừng cùng với bố. Bố anh không chỉ là thiện xạ săn thú, mà còn là cao thủ đào dúi. Chẳng nói đâu xa, chỉ cỡ 20 năm trước, cứ trèo lên mấy quả đồi tre trước nhà là bắt được cả chục con dúi, cả nhà ăn thịt thay cơm. Ở bản Cao Lan này, ai cũng giỏi bắt dúi, nhưng bố anh là cao thủ nhất. Ông giỏi đến nỗi, chỉ đi loanh quanh chân đồi một tẹo, đã biết được trên đồi có bao nhiêu con dúi. Hoặc ban đêm ông vểnh râu rít điếu thuốc nào ở chân đồi, nói có bao nhiêu con dúi, hôm sau bắt được đúng từng ấy con.
Ngày nhỏ nghĩ ông là thiên tài bắt dúi, nhưng lớn lên, anh thấy đó cũng chỉ là kỹ năng thông thường, mà người Cao Lan nào cũng biết cả. Thợ bắt dúi, đi loanh quanh trên đồi, nhìn dấu chân, nhìn hang ổ, vết cắn ở gốc cây tre trúc là biết có dúi hay không, nhiều dúi hay ít, dúi to hay nhỏ. Ngày bọn dúi ngủ, đêm mới mò ra kiếm ăn. Món ăn ưa thích của chúng là thân cây tre, trúc, nên nghe tiếng răng của chúng cưa cây, nhai cây, là biết chúng ở hướng nào, có bao nhiêu con. Kiến thức ấy chẳng có gì phức tạp. Đời ông, đời cha truyền lại, rồi nó ngấm hết vào máu người Cao Lan.
Thế nhưng, đó là chuyện xưa. Giờ, con dúi là đặc sản, có giá trị cao, thịt đắt hơn nhiều loại thú rừng khác, nên bị săn lùng ráo riết, từ đó mà trở nên rất hiếm.
Mặt trời ló dạng, sương tan dần, rừng khô ráo, chúng tôi lên đường. Xe máy phải dừng lại trước đồi bạch đàn, keo. Đoàn đi đào chuột khổng lồ có 3 cao thủ, gồm Đặng Văn Chín, Đặng Văn Đông và anh La Văn Nàm, đều là người Cao Lan. Tôi đi theo hóng chuyện.
Cuốc bộ liên tục gần 4 tiếng đồng hồ, thì đến ngọn núi có tên Hươu Gẫy Sừng. Tôi dùng GPS đo, thấy độ cao chưa tới 400m so với mặt nước biển. Sở dĩ, quả núi có tên đó, vì cách đây mấy chục năm, một thợ săn bản Đồng Sim đã bắn gẫy sừng một con hươu khi nó về con suối gần bản uống nước. Khi nó chạy đến quả núi này, thì gục xuống chết. Từ đó, người dân đặt tên như vậy.
Cả quả núi là một rừng trúc rộng mênh mông, lọt giữa những quả núi toàn lim xanh đặc trưng của dải Yên Tử. Tôi được ba thợ săn cung cấp cho vô số thông tin về loài dúi, từ tập tính, đến kỹ thuật săn dúi. Toàn bài học rất bổ ích.
Theo anh Chín, loài dúi có mặt ở khắp nơi, từ chân núi, ven đồi, đến tận đỉnh núi, nơi ít có ai đến được. Tuy nhiên, nơi chúng tập trung nhiều nhất lại ở rừng tre trúc. Món ăn ưa thích nhất của dúi chính là thân cây tre, trúc. Ngoài ra, chúng cũng ưa thích món rễ, thân của cây chít. Không có những thứ ấy, thì chúng ăn rễ một số loại cây nhỏ, ăn bắp ngô, củ sắn, thậm chí giun dế, côn trùng. Dựa vào thói quen ăn uống, mà có thể tìm thấy nơi ở của dúi.
Dọc dãy Yên Tử, những rừng tre trúc đan xen nhau, trải dài hàng trăm km, là nơi dúi trú ngụ. “Đặc tính của loài đũn là chúng đã ở đâu, thì sẽ suốt đời quẩn quanh ở chỗ đó. Chúng cũng đánh dấu lãnh thổ của mình như một số loài thú khác. Lãnh địa của một cặp đũn thường rộng đến vài ngàn mét vuông. Con đũn đã đánh dấu lãnh thổ, thì con khác không dám bén mảng đến nữa” - anh Chín tiết lộ.
Cũng chính vì đặc tính đánh dấu lãnh thổ và cố thủ ở một vị trí, nên thợ săn dúi đã phát hiện ở khu vực nào có dúi, thì sẽ săn được chúng, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi.
Sau khi hạ trại, thì anh Chín, anh Nàm, anh Đông cùng chia nhau 3 hướng, để đi tìm nơi ẩn nấp của con dúi trên đỉnh núi Hươu Gẫy Sừng. Khu rừng trúc này khá sạch sẽ, trúc mọc thưa, đi lại dễ dàng. Loại trúc này thân to bằng chuôi dao, mọc cao, lá ken đặc, khiến ánh nắng không xuyên xuống được mặt đất. Loài dúi thích ở những nơi râm mát, không có ánh nắng. Đặc biệt, chúng cũng không chịu được nước mưa. Hễ nước mưa thấm vào lông, là chúng chết. Do đó, chúng thường đào hang sâu và trú ngụ ở những cánh rừng rậm rạp, khiến nắng mưa chẳng đến đầu.
Lúc tôi đi theo anh Chín, lúc theo anh Nàm, lúc theo Đặng Văn Đông tìm dúi. Cả cánh rừng trúc rộng mênh mông nham nhở lỗ chỗ đào bới. Những cái lỗ sâu hun hút, đùn ra cả đống đất, to như cái thúng, trông y như hang chuột ở dưới xuôi. Ấy thế nhưng, đi qua những cái hang đó, chẳng thèm nhìn, họ đều bỏ qua.
“Chỉ cần liếc qua nửa giây là biết có đũn ở hang đó hay không. Nếu có đống đất đùn ra, thì đũn không ở. Nếu hang ẩm ướt, tất nhiên không có đũn vì chúng thích khô ráo sạch sẽ. Thấy hang mới, sạch, khô, nhưng sờ tay vào thấy lạnh lẽo thì cũng không có mặt chúng ở đó…” - vừa tìm kiếm, vừa chỉ tay vào nham nhở những cái hang, anh Nàm vừa truyền cho tôi ít kinh nghiệm.
Khắp quả núi Hươu Sừng Gẫy, thi thoảng lại có vết đào. Có vết nông, có vết sâu. Có vết rất cũ, đất đã bồi gần kín, lại có vết đã mốc meo, có vết rất mới. Đó là các vết đào của thợ săn dúi suốt nhiều năm qua. Như đã nói ở trên, loài dúi đánh dấu lãnh thổ, nên thường chỉ bắt được một con, hoặc một cặp đực cái ở khu đó. Tuy nhiên, khi đã bắt được rồi, lãnh thổ bỏ hoang, thì dúi ở nơi khác lại tìm đến và thợ săn dúi lại tiến hành truy bắt.
Quả núi này chắc chắn có dúi, nhưng điều khá thú vị, là nhóm anh Nàm, anh Chín và Đông đã có tới 4 lần bỏ bê công việc gia đình, cả ngày tìm lên, nhưng vẫn không tóm được con dúi. “Hầu như, 100 lần phát hiện khu vực có đũn, thì 100 lần chúng tôi đều bắt được. Thế nhưng, đây là một con đũn rất đặc biệt. Nhiều khả năng đây là con đũn cực kỳ tinh khôn và may mắn, khi đã vài lần tìm lên vạch từng ngọn cỏ, gốc tre, vẫn chưa thấy nó đâu” - anh Nàm kể.
Khi mọi người vẫn lần đi lục lại tìm kiếm, thì Đông hú lên như vượn, khiến mọi người kéo xuống phía dưới, nơi rừng trúc giáp với rừng lim xanh bạt ngàn, nơi những cây nấm lim đang mọc mầm như ngón tay trồi lên mặt đất.
Cả anh Nàm và anh Chín đều thốt lên “thấy rồi”. Tôi thì ngơ ngác vì chẳng thấy gì cả. Nhìn cả khu vực chẳng thấy có cái hang ổ, cái lỗ nào. Chỉ thấy rừng trúc lao xao và lớp lá trúc khô giòn xào xạc phủ mặt đất.