“International Task Force” - “Lực lượng phản ứng quốc tế”, một tấm băng rôn được treo lên giữa phố.
Phía dưới, là dòng chữ bằng tiếng Hàn: “Chuyên truy tìm các cô vợ nước ngoài bỏ trốn”. Đó là băng rôn quảng cáo cho một văn phòng thám tử tư. Và nhiệm vụ của họ là đi tìm các cô dâu Việt Nam.
Ông thám tử tư nhận hợp đồng từ một gia đình trong chái nhà sập sệ, nơi người chồng Hàn Quốc đứng tuổi có dáng người khắc khổ, cùng bà mẹ già đầu đã bạc rón rén đưa phong bì cho vị thám tử. Đổi lại, ông ta đưa cho gia đình nọ địa chỉ của cô dâu Việt đã bỏ trốn. Cô đang làm thuê tại một quán ăn nhỏ. “Đời sống ở đây có vẻ khó khăn nhỉ. Chúc anh hạnh phúc khi vợ quay trở về nhé” - tay thám tử nói đãi bôi, nhét phong bì vào túi.
Vài ngày sau đó, người ta thấy tay thám tử trong một hoạt cảnh khác: cuộc truy bắt gay cấn một cô dâu Việt. Nhóm người chạy xuyên qua những con ngõ nhỏ như một cảnh phim hành động. Cô gái chạy khi đang khoác trên mình bộ đồ bảo hộ lao động. Có lẽ cô đang làm công nhân chui ở đâu đó sau khi bỏ trốn. Cô chỉ biết kêu gào: “Anieyo, anieyo” - “Không, không” khi bị túm đi.
Đó là những cảnh phim Secret Reunion (Cuộc đoàn tụ bí mật) - một trong những tác phẩm ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Đó không phải là một bộ phim hài. Song Kang-ho, huyền thoại sống của màn bạc xứ kim chi, đóng vai một tay thám tử chuyên đi bắt cô dâu Việt Nam bỏ trốn.
Một nét vẽ vô tư của các nghệ sĩ Hàn Quốc trong một bức tranh có thật.
“Giờ một mẹ một con không nhà không cửa, lấy chồng Hàn Quốc đi cho gia đình bớt khổ” - ông anh họ nói.
Lan can: “Thôi má ơi, một mẹ một con với nhau được rồi, lấy chồng Hàn Quốc làm gì”. Bà ngoại gần 80 tuổi lại nói: “Thì tao thấy quanh đây người ta đi lấy chồng ngoại quốc, rồi ai cũng lên nhà lên cửa, trong khi ở nhà đi bán bánh khó quá, kiếm được trăm ngàn thì trần ai”.
“Để tôi chở nó lên thành phố chào hàng. Không có tiền qua đó từ từ làm có tiền” - người họ hàng lại thuyết phục.
Cha bỏ đi từ khi bà Kim Anh mang thai Lan. Hai mẹ con ở nhờ nhà bà ngoại. Sáng hai mẹ con đội cái rổ hay dong xe đạp đi bán dạo, chiều đổ bánh bò, bánh kẹp, bánh khoai mỳ.
Lan hơi thấp, người nhỏ nhắn nhưng được nước da trắng tươi, tóc đen mượt, hay cười. “Con nhỏ đi đâu cũng được thương bởi nó ăn nói tươi dữ lắm. Buôn bán đối đáp lanh lẹ mà thiệt thà. Có tới 4-5 thằng đeo nó mà nó đâu có chịu”.
Có người đòi cưới Lan, cô bảo cho tôi xin tiền mua cái nhà nhỏ cho má tôi ở. Nhưng mà “ưng người ở Việt Nam dễ gì người ta cho tiền mua nhà”, Lan thủ thỉ với má mỗi đêm. “Thôi, để con hy sinh đời con cho má được khỏe”.
Ngày anh họ ghé chở con Lan lên thành phố, không ai biết tên người môi giới, địa chỉ nơi họ chứa đám con gái đi “chào hàng”, Lan gọi điện về: “Nhiều người lắm má, các ổng xem mặt, chịu thì ghi tên liền”.
Lan ở nhà trọ với các cô gái miền Tây lên Sài Gòn, đợi chồng tới chọn. Trong một chuyến xem mặt, có ông tên Ha Jang Su, hơn Lan 15 tuổi nhìn thấy cô, gật đầu liền. Cô điện về Cần Thơ bằng máy người môi giới: “Má ơi con chào hàng xong gồi. Mai má với ngoại, mấy dì lên đám cưới. Bận đồ gì cũng được hết trơn, không cần mướn áo dài”.
Năm giờ sáng, bà ngoại, em bà ngoại với mẹ, mấy dì Lan lên Sài Gòn ăn cưới. Cả nhà 11 người ngồi hết một bàn. Bà nhớ lại: Đám cưới to lắm cô ơi. Các cặp chào hàng đậu xong một ngày cùng cưới làm một mớ luôn. Lần lượt cặp này xong tới cặp khác lên sân khấu nói chuyện một hồi rồi xuống, mỗi người 10 phút.
Lần đầu gặp rể, bà gật đầu chào, coi cũng không tới nỗi già quá. Anh kia cũng cụng ly mẹ vợ. Làm lễ cắt bánh xong, cô dâu chú rể ra ngoài sân nhà hàng chụp hình cưới. Cả nhà được đãi ăn từ lúc 11 giờ đến gần 2 giờ, trước khi về được chụp “pô” hình cả gia đình, rồi lên xe về cần Thơ lại. Nhân có người thông ngôn, bà dặn dò chú rể làm ơn chăm sóc cho con Lan, anh ta gật đầu liên tục. Môi giới đưa cho bà phong bì bên trong có 2 triệu đồng. Tên con rể là gì, bà nghe một lần rồi quên.
Gần 20 cặp vợ chồng Hàn - Việt tại Đầm Sen hôm ấy sau đám cưới về ở chung trong khách sạn.
Sau hai ngày, chú rể về nước. Lan lại về Cần Thơ bán bánh với mẹ, tuần hai buổi đi trung tâm học tiếng Hàn. “Họ dạy lớt lớt không hà. Dạy gì đâu mà không biết tiếng Hàn”, bà thắc mắc. Lan bảo: “Thôi qua bển gồi con học lại”.
Ngày Lan đi, bà Kim Anh mượn 200 ngàn đồng làm mâm cơm. Có cậu trai tới năn nỉ: “Đừng đi em ơi”. Cậu trai làm nghề bán rau củ ở chợ đầu mối. Bà Kim Anh mến thằng nhỏ, vì không biết bên ngoài ra sao chứ tới nhà ăn nói lễ phép, tình cảm. “Hai đứa cũng đẹp đôi lắm”. Lan cũng mến. Nhưng cậu bán rau củ không lo được cho má con Lan. “Không đi đâu được, em chào hàng rồi, đồng ý rồi, giờ em bỏ họ bắt vạ má đền tiền thì sao?”.
Lan bảo má, ảnh tốt lắm, sau này qua bển con cũng giữ liên lạc với ảnh chứ con không bỏ ảnh đâu.
Ra sân bay, bà nhìn lưng con bé chưa bao giờ đi khỏi Cần Thơ khuất sau cửa an ninh, lòng canh cánh không biết con sang đó làm dâu ra sao. Xưa nay nó chỉ giỏi buôn bán chứ không biết gì chuyện bếp núc. Lan tươi tỉnh vẫy tay chào, mà bà không cười nổi.
19 giờ ngày 28/1
Tôi không biết bà ta nói gì với chồng tôi, ổng vào phòng kéo tay tôi ra ngoài. Ổng lấy hai tay nhấn vào vai tôi buộc quỳ xuống xin lỗi bà ta. Ông nhéo vào mặt tôi 2 cái rất đau. Tôi kêu nhưng ông nhấn đầu tôi xuống nữa.
19 giờ 50 phút, cả nhà đang ăn tối. Bà ta nói với chồng tôi chuyện gì. Bất ngờ, chồng tôi đánh vào mặt tôi. Bà ta tiếp tục diễn tả, chồng tôi lấy hai ngón tay định móc mắt tôi… Tôi khóc, chồng tôi không cho, ra hiệu “nính ngay”.
Ngày 29/1
Ăn tối xong, tôi định đi vào phòng nhưng bị bà ta ngăn lại. Chồng tôi đang xem ti vi đi đến gần tôi đưa hai bàn tay ra dấu định cấu vào mặt tôi. Sau đó, anh ta lấy ngón tay bóp lỗ mũi tôi muốn nghẹt thở. Tôi cố nhịn nhưng sao không cầm được nước mắt. Họ ra dấu bảo tôi câm.
Bà tới nhéo mặt tôi mấy lần, rồi bả nhéo lỗ mũi của tôi nữa. Tôi chạy vô phòng, bà vào tới trong khi tôi đang lấy tay chà mặt vì đau thì bả kéo tay tôi xuống và tát tôi mấy cái, rồi tới ổng cũng vậy nữa… Tôi vừa khóc vừa hích thì bả tát tôi một bạt tai và nói nín.
Bả vô toi lét lấy cái quần không cho tôi mặc, lấy cái khăn không cho tôi lau. Tôi đâu có làm gì bả đâu mà họ lại hành hạ thân xác tôi như thế. Họ không cho tôi tắm rửa, gội đầu luôn… Họ không cho tôi nói chuyện, tối ngày tôi chỉ biết im lặng có miệng cũng như không. Họ chỉ biết chửi bới, đánh đập những điều mà họ không hài lòng. Họ khinh tôi sao họ lại cưới tôi.
Ngày 27/1
Chồng tôi đi làm về. Chẳng hiểu bà ta nói gì với chồng tôi, ổng nóng giận chạy vào phòng. Tôi cố ra dấu cho chồng hiểu nhưng bất lực. Bả lấy tay nâng cằm tôi lên 2 lần trong khi đó tôi không dám ngước mặt lên vì sợ.
Tôi ước ly dị xong, về Việt Nam tôi sẽ trả lại cho họ tất cả. Tuy nhà tôi nghèo thiệt nhưng đừng xem thường tôi. Tôi cầu mong mình sớm trở về Việt Nam. Ngày nào tôi còn ở đây là tôi sống trong nỗi sợ hãi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với tôi nữa. Đến tấm hình cưới của tôi bà và ổng đem ra đập trước mặt tôi. Tôi nói với lòng tôi rằng khi nào giấy rồi tôi sẽ đi về Việt Nam, sẽ không lấy thứ gì họ cho tôi cả. Tuy nhà tôi nghèo thiệt nhưng tôi không thiếu thứ gì họ đừng làm như vậy. Làm như vậy tôi rất là xem thường họ.
Ngày 28/1
Khoảng 8 giờ 50 phút, bà ta đang ở ngoài vườn nhìn tôi la hét, giận dữ. Tôi không hiểu nhưng nói đại ôkê. Nếu tôi biết tiếng Hàn Quốc, họ sẽ không ăn hiếp tôi đâu. Tôi chịu cực, vất vả quen nên tôi không ngại, chỉ sợ họ bắt nạt tôi. Tôi khóc nhiều vì tức và không nói được nên mới khóc…
Ngày 29/1
Chồng tôi nằm trên giường xem cuốn nhật ký của tôi. Bất ngờ, chồng tôi ném cuốn sổ trúng vào gót chân của tôi. Tôi khóc vì đau. Cả hai người quát tháo buộc tôi phải câm lặng… Cả hai kêu tôi nín nhưng tôi vẫn tức tưởi… tôi lết ra ngoài màn, rút như con chuột.. còn hai người đang ngồi trên, rồi la lên… Ông đi lại nắm tay tôi.
Họ cư xử với tôi thật thậm tệ như một con vật. Họ đâu biết rằng, những lần họ nhéo mặt, bóp mũi tôi thì vài ngày sau mặt mới hết sưng, mũi mới hết đau… Những gì bả làm cho tôi sẽ ám ảnh tôi suốt đời.
Càng ngày họ càng coi tôi không phải là con người. Họ đi qua cưới tôi chứ tôi có theo đâu mà họ làm như thế. Họ coi con gái Việt Nam chúng tôi là hạng người gì. Ai cũng đều là con người hết chỉ có khác nước mà thôi.
Nếu tôi nói rành tiếng thì đâu để họ ăn hiếp đến như vậy. Người Việt Nam tôi không dễ gì để họ xem thường nữa đâu.
Từ lúc có chồng, lên sân bay sang Hàn Quốc, tâm hồn của tôi không còn niềm vui nữa.
Tôi lo gia đình, lo cho tương lai sẽ ra sao… Khi mà tôi và ổng ly dị tôi trở về Việt Nam, tôi rất mừng vì được gặp lại gia đình và bạn bè của mình nhưng về đó tôi sẽ phải đối mặt với bà con xóm làng và mấy dì ở chợ họ sẽ hỏi tôi. Tôi sẽ nói sao bây giờ cho họ hiểu tôi.
Tôi thì không sao, không ăn thua gì hết. Tôi chỉ sợ mẹ tôi sẽ buồn và càng thêm bệnh…
Ngày 6/2/2008, Lan nhảy từ tầng 17 của tòa nhà đang sống. Đó là ngày thứ 25 cô làm dâu nơi xứ người.
Bà Kim Anh chỉ biết tin con qua một cuộc điện thoại ngắn từ người môi giới. “Trần Thanh Lan nhảy lầu chết rồi cô ơi”. Bà xỉu. Không nghe được gì nữa.
Bà và anh trai con Lan bắt xe đò từ Cần Thơ, đi hơn 200km, tìm ra lãnh sự quán Hàn Quốc ở Sài Gòn lúc trưa mồng 6 tết. Bà Kim Anh còn nhớ: “Trình bày cả giờ ‘Con tôi mới lấy chồng, họ nói nó chết ở bển’, họ cho vô trước cổng. Vô, họ để ly nước lọc trước mặt, giờ này qua giờ kia, giờ kia qua giờ nọ. Lãnh sự nói để coi sao”. Con trai bà nghe người ta mách, đi ra ngoài mua tờ báo phụ nữ. Rồi gọi cho đường dây nóng nhờ giúp đỡ. Người của báo đến giúp anh làm đơn gửi Lãnh sự quán Hàn Quốc, đề nghị cung cấp thông tin về trường hợp của Lan.
Hai tuần sau, một cuộc điện thoại từ bến xe Cần Thơ, kêu bà mang giấy chứng minh “ra nhận hàng”. Món hàng mà chiếc xe tải từ TP HCM chuyển về là chiếc hộp gỗ từ lãnh sự quán Hàn Quốc.
Cầm cái hộp gỗ trên tay, bà không tin con mình chết. Làm sao nó chết được, nó mới dặn dò bà giữ gìn sức khỏe cách đây một tháng. Bà Kim Anh cứ để cái hộp gỗ trên bàn đó, cũng không dám mở ra xem có gì bên trong.
Nhờ sự giúp đỡ của nhiều tổ chức từ thiện, bà Kim Anh sang được tỉnh Gyeongsangbuk, nơi Lan làm dâu. Chuyến đi giúp bà kịp dự lễ 49 ngày của Lan nơi đất khách.
“Nó trèo qua cửa lùa không có chấn song trong phòng ngủ. Nó bị nhốt trong nhà. Nhảy cửa sổ để trốn ra ngoài, có buộc dây mà dây đứt nên mới chết”, con rể bà, Ha Jang Su giãi bày. Bà chỉ khóc. Anh ta lý giải rằng do bất đồng ngôn ngữ, do khác biệt văn hóa, do hai bên không hiểu nhau, đủ thứ do… Rồi xin lỗi, rồi hứa sẽ lo lắng cho bà thay Lan. Rồi bà lại khóc, chẳng biết đối đáp gì.
Nhưng khi được gặp cảnh sát địa phương, được xem hình con tại hiện trường, đọc nhật ký của Lan trong 26 ngày làm dâu thì bà mới hiểu tại sao con chết.
Người ta cho bà coi cái hình chụp Lan nhảy lầu. “Một cái lỗ thủng trên trán, máu trào ra”, bà lại day day khóe mắt. “Tỉnh dậy họ không cho coi hình nữa. Tôi mới điện về: Má ơi, tro đó của con Lan, má cất lên chùa Phước Long đi.”
“Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”. Nhưng cạnh mười hai bến, mười hai lớp người, sĩ nông công thương ngư tiều canh mục… mà người con gái nghĩ có thể nương nhờ, bây giờ có thêm một lựa chọn mới: Lấy chồng ngoại quốc.
Tỷ lệ công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Đại đa số công dân Việt Nam kết hôn có yếu tố nước ngoài là phụ nữ.
Theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp, số công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài từ năm 2008 tới 2016 là 152.029 người.
Các tỉnh thành của Việt Nam đã làm thủ tục cho số lượng nhiều nhất công dân kết hôn với người Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc trong các năm 2013-2016.
Trong đó, các tỉnh miền Tây Nam Bộ có nhiều trường hợp kết hôn với người Đài Loan và Hàn Quốc nhất.
Vẽ lại số lượng các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại khu vực miền Nam, dễ dàng nhận ra sự chênh lệch giữa miền Tây và miền Đông Nam Bộ - hai vùng mang hai đặc trưng kinh tế khác nhau. Số lượng kết hôn với người ngoại quốc của miền Tây - vùng miệt vườn nơi mẹ con Lan sinh sống - nhiều hơn hẳn so với miền Đông, trung tâm tài chính và công nghiệp của phía Nam.
Và không phải mọi cuộc xuất ngoại đều giống nhau. Biểu đồ so sánh đích đến của các cuộc hôn nhân giữa 2 trung tâm kinh tế của miền Đông là TP HCM và Đồng Nai, với thủ phủ miền Tây là Cần Thơ, cũng cho thấy sự khác biệt. Trong khi ở TP HCM và Đồng Nai, địa điểm “xuất ngoại” chủ yếu là Mỹ, thì tại Cần Thơ mũi tên chỉ về phía Đài Loan và Hàn Quốc.
Những sự chênh lệch này gợi ý rằng “lấy chồng Hàn Quốc” và “lấy chồng Đài Loan” có liên quan chặt chẽ đến bức tranh kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long. Tốc độ phát triển của vựa lúa một thời trù phú này từ lâu đã là một vấn đề gây quan ngại cho các nhà làm chính sách. Không thể không nhắc rằng trong vòng 20 năm từ 1994 đến 2004, đã có hơn 1,7 triệu người di cư khỏi khu vực ĐBSCL. Những cuộc hôn nhân, là một hệ quả của cái nghèo.
Gợi ý này hoàn toàn phù hợp, khi nhìn lại cách hôn nhân được bố trí: chúng có dáng dấp của một sự bán-mua, nơi con người được đối đãi rẻ mạt.
Một cô dâu đào thoát trở về kể rằng, ở Hàn Quốc, đâu đâu cũng thấy quảng cáo của các công ty môi giới hôn nhân với các thông điệp: Phí cho một cuộc hôn nhân thành công chỉ 10 triệu won (gần 10.000 USD); đảm bảo chắc chắn sẽ tìm được người vợ châu Á hoàn hảo…
Theo Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc, hiện có khoảng 1.250 công ty môi giới hôn nhân, dàn xếp khoảng 15.000 đám cưới mỗi năm giữa nam giới Hàn Quốc và phụ nữ ngoại quốc, hầu hết từ các nước Đông Nam Á.
Nhưng khâu quan trọng nhất làm nên bi kịch của những cuộc bán mua, là do người Việt đạo diễn. Đó là khi các cuộc môi giới hôn nhân tại Việt Nam được thực hiện chóng vánh như chợ cóc; các cô dâu được tống sang Hàn Quốc và Đài Loan mà không hề được trang bị một chút kỹ năng nào.
“Môi giới hứa dạy con nhỏ tiếng Hàn, đảm bảo sống hạnh phúc sung sướng. Rốt cuộc đi về bển nó đâu cho học. Không biết ăn nói với mẹ chồng, chết oan uổng”, bà Kim Anh nói về cuộc hôn nhân đau lòng của con mình. “Mấy cô Việt Nam chết nhiều quá. Hồi đó mình thiếu hiểu biết chứ biết thì đưa nó đi làm chi.”
Ở Đài Loan, trước năm 2008, thời điểm hoạt động môi giới trái phép bị nghiêm cấm, các quảng cáo về cô dâu Việt Nam tràn ngập đường phố, bến tàu xe, chợ búa: “Không tốn nhiều tiền để có, không mất trinh, không bỏ trốn”, “Không đủ 300 cô gái cho bạn chọn làm vợ, chúng tôi sẽ hoàn lại tiền!”.
Còn ở Việt Nam, thủ tục “xem mắt” trở thành một màn “chào hàng” theo nghĩa đơn sơ nhất của từ này, khi mà những “món hàng” (có giá niêm yết) được bày ra đồng loạt để các vị khách lựa chọn. Không tồn tại một mối quan hệ nào khác ngoài quan hệ kinh tế, trong những lần “xem mắt” ấy.
“Phụ nữ Việt đôi khi em thấy rẻ quá. Hy vọng các cô đang đi bây giờ đừng có gặp bất hạnh như em”, Bích tâm sự.
Bích ở cách nhà Lan hai mươi cây số. Năm 2005, cô cũng lên thành phố theo lời mời của đường dây môi giới hôn nhân. Bích mới học hết lớp 5, đang ở nhà phụ cha mẹ bán trái cây.
Vô trung tâm môi giới, thực ra chỉ là nhà trọ ở quận nào cô không biết, Bích được ở chung phòng trọ với mấy chục cô ở các tỉnh đồng bằng gọi là “đi dự đoàn”. Hàng ngày, các cô gái tự động dậy sớm, trang điểm rồi ngồi chờ. Sáng sớm sẽ có người mở cửa phòng trọ, chỉ tay vào đám con gái ngồi lổn nhổn dưới nền nhà. “Từ 19 tới 22, sửa soạn”, hoặc “Từ 25 tới 30, sửa soạn”.
Một số cô đúng tiêu chuẩn đứng dậy. Một lúc sau xe 15 chỗ ghé đầu hẻm chở đi ra khách sạn nơi các ông chồng vừa đáp xuống Việt Nam.
“Đi dự đoàn” đông lắm, mấy chục cô đợi đến lượt xem mặt. Trong khi mỗi lần chỉ có 4-5 người Hàn. “Họ ngồi trong nguyên cái phòng, cứ 4-5 cô vào một lần. Ông nào ưng thì chỉ tay, bà mai hỏi: Anh đó chịu em, em có chịu không?”
Bích đi dự đoàn bốn lần. Hai lần đầu cô chưa tới lượt thì mấy chú rể đã chọn được vợ rồi. Lần thứ ba không ai chỉ cô, lần thứ tư một người 45 tuổi chỉ vào cô. Bà mai hỏi, cô lắc đầu. “Em hổng có thích cho mấy. Ổng vừa già vừa lớn tuổi, coi với mình cũng không được tương xứng, xấu mà có xấu mà lùn hơn mình nữa”.
Bà mai không chịu thua: “Nó già thì nó mới thương mình. Ổng có nhà cửa, một tháng ổng làm lương 2 triệu won tính ra hơn 30 triệu đồng. Chỗ bà chứa đâu có nuôi không, em càng ở lâu càng bị trừ nhiều tiền, đồng ý thì mới có tiền trừ tiền ăn ở”.
Bích ở trên Sài Gòn cũng hai tháng rồi, ông chủ lo ăn uống nhà cửa luôn nhưng tính tiền theo ngày. Càng ở lâu sau này càng bị trừ nhiều tiền. “Thấy khổ quá, em lấy đại”. Lại một đám cưới tập thể nữa ở Đầm Sen.
Ngày đặt chân xuống đất Hàn, Bích đã tưởng đời mình suôn sẻ. Nhà chồng ở nông thôn, cả chục mẫu đất trồng ớt, trồng cải, cả nhà làm không ngơi tay. Cha mẹ chồng cũng rất ân cần với cô.
Nhưng riêng chồng, cô cứ thấy sao sao. Hỏi gì ổng chỉ gật với lắc. Muốn mượn điện thoại gọi má, muốn lên Seoul chơi, muốn ra ngoài… Tất cả ông đều lắc đầu. Ông Li cũng không tâm sự, sẻ chia. Một lần cô hỏi ông từ này viết vầy đúng không, chồng cô lắc đầu, chỉ tay ra bố mẹ. Bích chạy ra hỏi ba mẹ “Sao chồng con không chỉ chữ cho con - Vì nó hổng biết chữ”. Mấy người cùng thôn sau này mới nói ông chỉ học hết lớp hai. Ông làm công nhân cho một xưởng sản xuất kim chi.
Càng ngày Bích càng thấy chồng mình không bình thường. Ông ta không giao tiếp với mọi người. Song, điều cô sợ nhất là những phút giây riêng tư với chồng.
Người chồng bị yếu sinh lý, thường phải dùng thuốc kích thích. Cô rất sợ mỗi khi chuẩn bị đi ngủ. Nhiều khi cố gắng mà không như ý, ông bạo hành. Cô chạy ra ngoài, bị ông đuổi theo. Rồi ông ức chế, ông bóp cổ, đánh đập vợ.
Một lần, giữa đêm đông tuyết rơi. Không được thỏa mãn, chồng cô bức xúc, nổi điên. Li táng vợ, bóp cổ vợ. Cô ngất xỉu. Ông chạy ra ngoài lấy 2 cục tuyết to xát lên mặt, lên cổ vợ. Tỉnh dậy giữa đêm ở nơi xa lạ, cô run lẩy bẩy.
Bích quyết định, rằng mình sẽ phải chạy trốn khỏi nơi này.
Trong những đám cưới dàn xếp ấy có một nhân vật vô danh chứng kiến tất cả: người thợ ảnh. Những bộ ảnh cưới, là một trong những thủ tục hiếm hoi còn được giữ gìn trong một cuộc hôn nhân tối thiểu.
Lâm là một thợ ảnh lành nghề. Anh chỉ cần nhìn cách cô dâu ôm hay đặt tay lên vai chú rể là biết được họ yêu ít hay nhiều, họ hạnh phúc, mong chờ đám cưới của mình hay không.
Dù không có sự gắn kết đi chăng nữa thì cô dâu vẫn có thể sửa cravat, chỉnh vạt áo cho chú rể - điều mà anh thường thấy ở các cặp đôi người Việt. Nhưng anh không thấy điều đó ở các cặp hôn nhân môi giới. Lâm đã chụp cả trăm bộ như thế.
Ở các bộ ảnh cưới theo kiểu môi giới này, phần lớn là sự gượng gạo, có khi không nổi một cái ôm tự nhiên sau khi thợ ảnh hô hàng chục lần. “Nói chung những cảm xúc yêu đương khi chụp ảnh cưới thì không thể diễn được” - Lâm tặc lưỡi.
Các chú rể thì ngược lại, rất hào hứng. Họ mang quốc tịch khác nhau, Đài Loan, Hàn Quốc, có thể là Singapore. Có người lớn tuổi, cũng có người dị tật, sứt môi, hở hàm ếch… Thường thì, những người đàn ông ấy lại lấy được vợ Việt rất xinh và tỏ ra yêu chiều cô dâu của họ.
Lâm hạn chế hỏi han thông tin vì tôn trọng sự riêng tư của khách. Đôi khi trong lúc chuẩn bị máy móc, phông bạt, anh nghe họ tâm sự với người trang điểm, rằng buổi chụp ảnh cưới thường là lần thứ hai gặp mặt chú rể, cũng có người lần đầu tiên.
Lâm là chủ một studio ở Hà Nội. Khách hàng của anh đến từ các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ. Khác với khu vực miền Nam, tỷ lệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài khu vực phía Bắc tập trung ở các tỉnh duyên hải - một xu hướng mà theo người dân địa phương, mang tập tính văn hóa. Không có gì ngạc nhiên, khi thành phố có đông người kết hôn với người nước ngoài nhất, là Hải Phòng.
Nhưng trong con mắt của Lâm - người quan sát thầm lặng - động lực chính vẫn là kinh tế. Họ vẫn đến từ các vùng ngoại thành, nhiều người là phụ nữ “quá lứa”. “Cũng có cô xinh nhưng không nhiều” - tay chụp ảnh nhận xét.
Có cô dâu phó mặc cho nhân viên studio hoặc người của công ty môi giới lựa chọn váy cưới, trang điểm, làm tóc. Có khi, họ không thèm nhìn qua váy cưới trông thế nào. Nhân viên bảo gì mặc nấy, trang điểm, làm tóc thế nào cũng được. Họ không tỉ mẩn mân mê từng đường ren, nếp váy hay lựa chọn dáng váy làm mình lộng lẫy như một công chúa trong từng shoot hình cưới hay trong ngày đưa dâu. Có cô còn rỉ tai Lâm, rằng “anh chụp nhanh nhanh lên để em còn về”, hoặc lầm bầm chửi chú rể vì cô biết chồng mình có nghe cũng không hiểu. Với họ, mặc váy cưới là thủ tục bắt buộc và ảnh cưới trở thành một phần vé thông hành để trình với đại sứ quán, minh chứng rằng đã có một đám cưới thật diễn ra.
Theo Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, từ năm 2000 cho đến cuối năm 2016, có 16.755 cặp vợ chồng Hàn - Việt trong tổng số những người đăng ký kết hôn đã ly hôn. Con số này chiếm khoảng 19,25%. Tức là cứ 5 cặp vợ chồng Hàn-Việt thì có một cặp ly hôn.
Nhưng qua ống kính của mình, Lâm không nhìn thấy lý do phản đối những cuộc hôn nhân như thế.
“Họ lấy chồng Việt chắc gì đã gặp người tốt hơn chồng Hàn Quốc, Đài Loan?”, Lâm đặt câu hỏi.
“Nhiều cuộc hôn nhân với đàn ông trong nước vẫn rơi vào bế tắc, mâu thuẫn hay thường xuyên bị bạo hành nhưng không ai lên tiếng” - anh nói.
Một người bạn giúp Bích trốn khỏi người chồng bệnh hoạn.
Người bạn đưa Bích tới Bucheon, cách nhà chồng mấy giờ ôtô, rồi tìm công ty cho cô làm công nhân “chui”, đứng dây chuyền lắp ráp điện thoại. Mấy tháng, công ty hết việc, họ lại dắt díu nhau sang thành phố khác tìm nhà máy khác. Từ Incheon, xuống Gimhae, lên Gumi… có khi thất nghiệp cả tháng, có khi vào nhà hàng rửa bát rửa rau, nhưng không bao giờ dám mon men tới gần tỉnh cũ quê chồng.
Cứ như vậy, cô gái chỉ biết đến ruộng đồng bỗng một ngày chạy lòng vòng khắp đất nước Hàn Quốc, không giấy tờ tùy thân. Vậy mà Bích thấy mừng giống như từ địa ngục được thả ra ngoài, “lần đầu tiên con người mình mới biết thoải mái là gì”.
Hơn bảy năm sau ngày “có chồng’, bà ngoại cô gọi điện: “Con người ta đi rồi về thăm nhà, mày đi đâu đi hoài, chắc tao chết mà không thấy mặt mày”. Mỗi lần gọi điện về quê, hai hàng nước mắt Bích lại chảy ròng. Bích đến đại sứ quán trình bày, họ làm giấy cho cô về. Nhưng cô cũng không kịp nắm tay ngoại lần cuối.
Lan không về, bà Kim Anh sống với nỗi dằn vặt. Một tháng sau khi con mất, bà lên Sở Tư pháp làm thủ tục, người cán bộ ngồi sau bàn giấy còn mỉa mai: “Mấy bà ham hố quá. Gả con để đổi đời, có mà tàn đời thì có”. Bà nghẹn ngào không đáp lại.
Bà ngồi cắt tất cả những tấm ảnh của “thằng con rể” ra khỏi album ảnh cưới. Cuốn album vẫn được lưu giữ cẩn thận - vì nó là lần hiếm hoi trong đời mẹ con bà có tấm ảnh đẹp. Nhưng những tấm ảnh bị cắt nát: bà nhét những mẩu chân dung của đứa con rể 25 ngày xuống dưới bếp gas. “Hun cho nó bị nóng” - bà khấn. Sự trả thù chỉ dừng lại ở đó.
Nhiều tháng sau ngày Lan mất, cậu bán rau củ vẫn tới. Cậu thắp nhang cho Lan, rồi an ủi bà. “Dạo này bác có khỏe không, có ăn uống được không, bác làm gì, dù sao Lan cũng mất rồi bác ráng nguôi ngoai đi bác”. Có những ngày đi làm về trễ, cậu vẫn ghé.
“Con thương con Lan dữ lắm, mà con quen nó thì nó đã chuẩn bị đi. Phải chi con gặp được Lan sớm hơn, con cũng không cho Lan đi Hàn Quốc”.
Bà lại khóc: “Nó nói chừng nào tôi ân hận đứt ruột chừng đó. Con mình chết rồi, đâu có làm gì được nữa đâu, phải chi nó không đi thì ở nhà có mẹ có con, khổ chừng nào cũng được”.
Bà Kim Anh nhận được 48 triệu tiền đền bù - mà bà cũng không biết là ai đền bù, có phải con rể không, và tại sao phải đền tiền vì cái chết của đứa con mình. Bà dùng tiền đó xây căn nhà. Nhà cũng tuềnh toàng, mưa dột. Trong nhà chỉ có cái giường với hai tấm hình con Lan trên bàn thờ và cạnh giường ngủ.
Mơ ước của Lan về căn nhà cho má, cuối cùng cũng thành hiện thực.