Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả như thế nào cho người dân đến xét nghiệm COVID-19?

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Theo thống kê có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (1-29/7), riêng với khu vực 3 bệnh viện thì có tới 800.000 lượt người đến đây.

Khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua, 

Sáng ngày 2/8, tại Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với Lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt giao ban có thêm sự tham gia của 2 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng.

Theo thông tin từ Quyền Bộ trưởng, Đà Nẵng là thành phố du lịch năng động, lượng người đi đến lớn, có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (1-29/7), riêng với khu vực 3 bệnh viện thì có tới 800.000 lượt người đến đây. “Mức độ được đánh giá cần phải hết sức quan tâm”, Quyền Bộ trưởng nói.

Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả như thế nào cho người dân đến xét nghiệm COVID-19? Ảnh 1
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với Lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để ứng phó một cách nhanh nhất tình hình dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã “tung” một lực lượng rất lớn chưa từng có trong tiền lệ. Ngay khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm... vào Đà Nẵng.

Đồng thời Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện cử liên tục cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội... đến tăng cường cho Đà Nẵng, Quảng Nam.

Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả như thế nào cho người dân đến xét nghiệm COVID-19? Ảnh 2
Ảnh cuộc họp trực tuyến.

“Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa gần 40 chuyên gia, giáo sư của các lĩnh vực vào hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam. Bởi các chuyên gia đánh giá, nguy cơ ở Quảng Nam cũng cao, thực tế là ở tỉnh này ngày càng phát hiện ra nhiều ca nhiễm.

Cùng đó, Bộ Y tế cũng gửi một loạt công điện, chỉ đạo gửi các địa phương làm sao tăng tốc truy vết tất cả những người đã đi đến Đà Nẵng, xét nghiệm những người đến những điểm Bộ Y tế đã khuyến cáo, đồng thời phải giám sát chặt chẽ”, ông Long thông tin.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương thưc hiện khá nghiêm túc và khẩn trương. “Nhưng vụ dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt như vậy” – Quyền Bộ trưởng nói.

Do đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải tăng tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn nữa. Mới đây, Bộ Y tế phối hợp BHXH ban hành hướng dẫn về mặt xét nghiệm. 

Đây là động thái Bộ Y tế mong muốn mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH, BHYT. Hiện cả nước có khoảng 2.500 đơn vị.

“Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người đó” – Quyền Bộ trưởng cho hay.

Cũng tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương, dù có thể chưa có ca nghi nhiễm, ca nhiễm nhưng phải chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, để làm sao khi có ca bệnh thì sẽ triển khai ứng phó một cách nhanh nhất, không bị lúng túng.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, ngày hôm qua (1/8), số lượng xét nghiệm đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4 (thời điểm có lượng xét nghiệm rất lớn), tuy nhiên vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ này.

Các cơ sở y tế, đặc biệt Sở Y tế, phải tiến hành tập huấn ngay cho các cơ sở y tế trên địa bàn về cách thưc lấy mẫu, cách phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế và các cơ sở khác.

Các cơ sở y tế có ký hợp BHYT đều phải thực hiện việc xét nghiệm dưới nhiều hình thức (lấy mẫu, gửi về cơ sở có đủ điều kiện...), cơ sở này có thể là nhà nước, tư nhân, khối Y tế dự phòng, quân đội, thú y... Phải mở rộng cơ sở được làm xét nghiệm.

"Phải triển khai ngay, tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở này. Đối tượng cần xét nghiệm đã thống nhất và hướng dẫn rõ, chúng ta phải phát hiện càng sớm càng tốt, phát hiện ổ dịch sớm chừng nào thì khống chế kiểm soát tốt chừng đó" – GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 thế nào?

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, hướng dẫn mới nhất về thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 đã nêu cụ thể, các trường hợp thuộc diện được thanh toán cụ thể là:

Người bệnh thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm COVID-19 đang khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV cũng sẽ được bảo hiểm thanh toán.

Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả như thế nào cho người dân đến xét nghiệm COVID-19? Ảnh 3
GS.TS Nguyễn Thanh Long

Về mức giá thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế nêu rõ, áp dụng mức giá quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Cụ thể, với dịch vụ số 1735, thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp Real-time PCR có mức giá là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm. Còn với dịch vụ số 1736, thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp test nhanh mức giá thanh toán sẽ là 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm.

Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả như thế nào cho người dân đến xét nghiệm COVID-19? Ảnh 4
 Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế).

Đặc biệt, Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên lưu ý với các địa phương, trường hợp cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm nhưng không đủ điều kiện xét nghiệm thì chuyển bệnh phẩm đến cơ sở y tế khác đủ điều kiện xét nghiệm.

Cơ quan BHXH thanh toán theo giá quy định tại Thông tư 13/2014/TT-BYT. Danh sách các đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm được công bố trên cổng thông tin điện tử của Cục Y tế Dự phòng.

Xác định là địa phương có nguy cơ cao, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết thành phố hiện còn 8 bệnh nhân đang điều trị, trong đó chỉ có bệnh nhân số 510 có biểu hiện mệt, có đờm.

Đến chiều 1/8, 90 trên 162 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp đang được cách ly theo dõi đã có kết quả âm tính. Công suất xét nghiệm tối đa của tất cả các đơn vị trên địa bàn trong một ngày là 8.000-9.000 mẫu.

Quyền bộ trưởng đề nghị TP Hồ Chí Minh lập danh sách tất cả các bệnh viện được đón tiếp bệnh nhân, các đơn vị làm được xét nghiệm SARS-CoV-2 đến thời điểm này, xây dựng kế hoạch chi tiết, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh làm xét nghiệm này.

Nơi nào đã có đủ máy móc, trang thiết bị thì có thể triển khai làm. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Pasteru TP Hồ Chí Minh để khẳng định.

Thành phố không được để tình trạng tình trạng người dân gọi điện đến cơ sở A, cơ sở B để được xét nghiệm nhưng phải đợi 3-4 ngày.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh thêm đây là chiến lực cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay để phát hiện sớm các ca bệnh. Các ca bệnh hiện nay được phát hiện chủ yếu trong bệnh viện. Nếu không phát hiện sớm ca mắc thì sẽ phải tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện.

Hà Nội có khoảng hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, uớc tính đến thời điểm này, thành phố có khoảng hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về. Hà Nội đã thực hiện test nhanh cho gần 50.000 người.

Về năng lực xét nghiệm, thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở có ký hợp đợp đồng với bảo hiểm xã hội có 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân. Tối đa công suất của tất cả các đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm một ngày.

Sở Y tế cũng đã quán triệt các bệnh viện siết chặt kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát số lượng người ra vào bệnh viện, khai báo y tế, phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện…

Ngành y tế Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những trường hợp trở về từ Đà Nẵng; thông báo danh sách các đơn vị có khả năng cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, về giá để tránh tình trạng mỗi địa phương một giá để các đơn vị tham khảo khi mua sắm; đề nghị Bộ chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ khẩn trương tập huấn để đảm bảo an toàn sinh học cho các phòng xét nghiệm.

Trước những kiến nghị của TP Hà Nội, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chủ động tập huấn về an toàn sinh học cho tất cả các đơn vị trên địa bàn, không đợi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Về test nhanh, quyền Bộ trưởng cũng khẳng định Trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung.

Quyền Bộ trưởng đề nghị các phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi.

Tại hội nghị giao ban, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho hay, ngành BHXH luôn tích cực và đồng hành với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.

Dẫn lại quan điểm chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thực hiện tăng tốc xét nghiệm chính là mục tiêu để kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19, để từ đó có giải pháp sớm khống chế được dịch, Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, các cơ sở y tế trước hết phải thực hiện theo đúng tinh thần các văn bản hướng dẫn.

“Các địa phương cần thống kê ngay các cơ sở y tế có đủ năng lực xét nghiệm cả PCR và test nhanh để thông báo cho cơ quan BHXH địa phương để cơ quan BHXH nắm được, từ đó chủ động trong việc có thể phối hợp thực hiện.

Chúng tôi cũng đã yêu cầu BHXH các địa phương thực hiện theo đúng công văn của Bộ Y tế và hướng dẫn các địa phương tạm thời có 2 mã thanh toán cho 2 chi phí xét nghiệm này, hiện đã cập nhật trên hệ thống giám định để có thể thanh toán tạm ứng cho các cơ sở y tế”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn thông tin

Chia sẻ với những băn khoăn của các Sở Y tế về việc mua sắm, đầu thấu vật tư, tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng lưu ý các cơ sở khám chữa bệnh phải hoàn toàn có thể tham khảo giá của các lần đấu thầu trước để có sự phù hợp.

“Các cơ sở y tế cũng cần tránh hiện tượng sàng lọc xét nghiệm COVID-19 mà cần thực hiện theo đúng tinh thần công văn của Bộ Y tế hướng dẫn về vấn đề này, nếu cơ sở nào chưa thực hiện được thì thực hiện theo Thông tư 09 của Bộ Y tế

Về vấn đề chênh lệch giá khi đấu thầu, chúng tôi đề nghị các địa phương chủ động báo cáo chính quyền địa phương để hỗ trợ 1 phần chỗ dư đó”- ông Sơn nói

Cũng tại hội nghị, ông Sơn cho biết đã yêu cầu Ban thực hiện chính sách BHYT báo cáo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam tạm ứng một phần kinh phí.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc