Tôi có quen một cô gái. Cô kể, khi lên 8 tuổi có hỏi mẹ rằng: “Mẹ ơi mẹ yêu con không?”. Mẹ cô quay ra trả lời: “Không”. Cho đến sau này trưởng thành, điều đó vẫn cứ ám ảnh cô mãi.
Gần đây, khi dư luận xôn xao về hàng loạt vụ bạo hành diễn ra trong thời gian ngắn, tôi liền nghĩ về cô gái ấy.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, có tới 4 vụ bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận. Sau vụ bảo mẫu ở Hà Nam tung đứa trẻ hơn 1 tháng tuổi chưa làm dư luận nguôi giận, tại Kiên Giang lại xảy ra trường hợp một bé gái bị người thân dùng thanh sắt nóng ấn vào mặt và tay.
Vài ngày sau đó, tại TP.HCM, dư luận bàng hoàng khi xem clip ghi cảnh các bé ở lớp mầm non tư thục Mầm Xanh bị bảo mẫu dùng nhiều vật dụng, thậm chí cả dao, đánh vào người. Mới đây, một cậu bé 6 tuổi ở quận Tân Phú bị kẻ có tiền sử tâm thần làm bảo vệ dân phố sát hại. Và hôm qua, người dân phát hiện thi thể của bé gái 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa sau 2 ngày bị bắt cóc.
Trên đây là những vụ việc được báo chí phanh phui hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp như vậy diễn ra khắp nơi trên cả nước. Không ai dám đảm bảo chắc chắn nạn bạo hành không diễn ra hàng ngày đối với các cháu nhỏ.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Tổng cục Cảnh sát cũng cho biết, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện (kể cả xâm hại tình dục).
Những trường hợp trẻ bị đánh đập đều khiến cơ thể bị tổn thương. Ngoài những vết thương bầm tím, rách da, chảy máu dễ dàng nhìn thấy thì còn một số chấn thương như ảnh hưởng não, chấn thương phổi, lá lách, gan… Những tổn thương này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ bị tử vong.
Sau bạo hành, những vết thương lớn, vết sẹo đau đớn sẽ in đậm vào cơ thể non nớt của những đứa trẻ nhỏ đang còn hồn nhiên nói cười. Nhưng những vết thương ngoài da ấy, những đau đớn từ bạo hành thể xác còn có thể lành lại nhờ thuốc, nhờ thời gian còn nỗi đau tinh thần thì không bao giờ có thể chữa được.
Nó làm người ta đau đớn âm ỉ, suốt cuộc đời. Những mất mát, tổn thương này khiến đứa trẻ sau này lớn lên nhụt chí, mất niềm tin, thất vọng, tủi hổ và đau đớn…
Chắc nhiều người còn nhớ 7 năm về trước, Hào Anh - cái tên được cả xã hội quan tâm bị gia đình chủ trại tôm giống bạo hành bằng những màn tra tấn dã man như thời Trung cổ. Cậu bé 14 tuổi đã nhiều lần bị ông bà chủ ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người…
Sau đó, Hào Anh được giải cứu, đưa đi điều trị với thương tích 70%. Ở tuổi 14, Hào Anh có thân hình gầy còm, gương mặt nhằng nhịt sẹo.
4 năm sau, tháng 9/2014, sau khi đi chơi về, Hào Anh chửi bới mẹ và cha dượng, đập phá đồ đạc rồi mang quần áo của hai người ném ra sân, đuổi họ khỏi nhà vì mẹ cậu không cho tiền để đi chơi. Số tiền các nhà hảo tâm giúp đỡ, Hào Anh đã tiêu xài hoặc cho bạn gái mượn hết.
Sau đó gần 1 năm, ở tuổi 19, Hào Anh bị bắt quả tang khi cùng em họ cạy cửa vào nhà một người dân ở huyện Đơn Dương trộm bộ máy tính để bàn. Hào Anh bị tuyên án 6 tháng 15 ngày tù về tội Trộm cắp tài sản.
Đây có lẽ là trường hợp đặc biệt và đau đớn nhất về bạo lực trẻ em tại Việt Nam. Nó khiến các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm, bố mẹ nạn nhân bất lực trước sự hình thành và phát triển nhân cách của một đứa trẻ.
Theo nghiên cứu, ở những trường hợp bị bạo hành khi còn nhỏ hầu hết khiến những đứa trẻ này bị ám ảnh cả đời. Nhiều người trong số đó trở nên sống khép kín, ngại giao tiếp, có hành vi chống đối xã hội. Một số khác lớn lên lại trở nên cục súc, nóng nảy dễ có hành vi bạo lực.
Nhiều người bị chấn thương tâm lý dẫn tới những hành động hung hăng, thậm chí có hành vi tự hại, luôn muốn tự làm đau mình để giảm căng thẳng. Những trẻ khác có thể bị bệnh trầm cảm, mất khả năng điều khiển cuộc sống, một số thì muốn tự tử.
Như cô gái mà tôi nói ở đầu bài, cô không có một vết sẹo lớn nào trên da thịt nhưng sự khước từ yêu thương của mẹ cô những năm tháng đầu đời khiến cô giờ đây mang nhiều ẩn ức. Cô luôn có cảm giác không thuộc về gia đình, tự ti và trầm cảm. Hiện tại, cô sống một mình và hiếm khi về thăm gia đình, nếu có chỉ là trách nhiệm.
Để ngăn chặn những vụ bạo lực, cần có hàng loạt biện pháp tổng thể từ gia đình, nhà trường cho đến toàn xã hội. Nhưng có lẽ việc quan trọng nhất, cần thiết nhất để chống lại bạo lực và bảo vệ trẻ em đó là mỗi bậc làm cha, làm mẹ phải biết dành nhiều thời gian cho con mình hơn, quan tâm con nhiều hơn.