Trước nhu cầu sử dụng nước biển để lưu trữ hải sản, cá biển của nhiều nhà hàng lớn tại TP HCM, nhiều cửa hàng chuyên bán nước biển đã ra đời. Cửa biển gần nhất là Cần Giờ cách thành phố chừng 50 km nhưng nước ở đây bị nhiễm bùn, độ mặn không đạt. Do vậy, phần lớn các cửa hàng lấy nước biển ở Vũng Tàu. Nước được vận chuyển bằng thuyền, hoặc xe tải.
Bà Đẹp, 65 tuổi, chủ một cửa hàng bán nước biển trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, cho biết, thực tế gia đình bà đã sống bằng cái nghề này được 30 năm. Lúc trước, bà Đẹp bán hải sản tươi sống từ Vũng Tàu, khách thường yêu cầu có thêm nước biển để rộng cá, ghẹ được tươi sống. Dần về sau, nhu cầu mua nước biển ngày càng lớn, bà Đẹp chính thức chuyển nghề sang bán nước biển.
Cửa hàng của bà Đẹp thực tế là một căn nhà cấp 4, với 4 bồn chứa bằng nhựa. Từ sáng đến chiều, nhân viên của cửa hàng này phải liên tục giao nước biển đến các nhà hàng, khắp thành phố. Tuỳ vào khoảng cách mà nước có mức giá khác nhau. Khách mua tận nơi giá 70.000 đồng/m3, giao hàng tận nơi tuỳ vào khoảng cách, cửa hàng tính giá 250.000-300.000/m3, nhưng phải mua ít nhất 2 m3 mới nhận giao.
“Để có nước biển có chất lượng tốt, thuyền phải ra tận Vũng Tàu, xa cửa sông mới có được độ mặn tiêu chuẩn. Mỗi chuyến đi chỉ chở được 150-200 m3, mỗi tuần chở nước biển 2 lần. Ở đây chỉ bán nước biển thật, không làm theo kiểu nhân tạo nước ngọt pha muối như những chỗ khác, nên được khách hàng tin tưởng, số lượng khách hàng ngày càng tăng, nhiều tuần phải tăng thêm số chuyến đi lấy nước mới đủ bán”, bà Đẹp nói.
Theo ông Nguyễn Văn Trường, một hộ bán cá kiểng nước mặn trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, hiện nay, nhiều người bắt đầu chơi các loại cá kiểng nước mặn, nên nhu cầu nước biển tự nhiên là rất lớn. Cửa hàng phải tiêu tốn 40-50 khối nước biển mỗi tháng. Để tiết kiệm chi phí, cửa hàng đã thuê xe chở nước biển từ Vũng Tàu về. Tuỳ vào lượng hàng, giá nước biển đến tay khách hàng 100.000-150.000 đồng/m3. Vẫn chưa có mức giá cố định cho mặt hàng đặc biệt này.
Trong khi đó, anh Thanh Tùng, chủ một nhà hàng hải sản ở Gò Vấp cho biết, mỗi tuần nhà hàng phải nhập về 10-15 m3 nước biển để rộng hải sản. Khách hàng chỉ thích chọn hải sản còn tươi sống, nên nước biển rất quan trọng.
Một số nơi lấy nước biển ở Cần Giờ, lắng bùn rồi pha thêm muối để đủ độ mặn làm hải sản mau chết, không tươi, khi nhà hàng phát hiện đã cắt ngay hợp đồng. Theo anh, hiện nay, nhà hàng chỉ nhập nước biển ở các cửa hàng lớn có phương tiện lấy nước biển từ khơi xa.
Để giảm giá thành, nhiều cơ sở bán nước biển đã pha thêm nước ngọt, cho thêm muối, hoặc làm nước biển nhân tạo.
Chủ một cơ sở bán nước biển ở quận 7, đã bật mí phương pháp làm nước biển nhân tạo, dùng nước máy phơi nắng 1 tuần, sau đó cứ 1 khối nước ngọt pha thêm 3 kg muối biển, sau khi hoà tan dùng thiết bị sục khí. Loại nước này mới pha sẽ đục nên phải để 1-2 ngày, nước mới trong như nước biển tự nhiên.