Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bạn được nghỉ lễ, còn họ thì không!

Trong khi đa số mọi người được hưởng kì nghỉ lễ thì vẫn có đâu đó những con người thầm lặng cống hiến, làm việc miệt mài dù cho đó là lễ, Tết hay Quốc tế lao động.

Cứu hỏa - Nghề nguy hiểm nhưng đầy tự hào

Nghề phòng cháy chữa cháy từ trước đến nay vẫn được xem là nghề gian khổ và nguy hiểm, những người làm nghề này thường được gọi với cái tên là lính cứu hỏa hay lính 114.

Những người lính cứu hỏa phải “trực chiến” 24/24 và cả 7 ngày trong tuần, 12 tháng trong năm. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu có hỏa hoạn, họ phải là người có mặt sớm nhất để bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân bằng cách chiến đấu với ngọn lửa hung dữ. Càng những ngày lễ, Tết…lính cứu hỏa càng phải túc trực gắt gao vì đó là những thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn nhất.

Chính vì đặc thù công việc diễn ra thường xuyên, liên tục nên nghề cứu hỏa đòi hỏi phải có sức khoẻ dẻo dai và một tinh thần thép. Luôn phải đối diện với những tình huống nguy hiểm chết người nên những người làm nghề cứu hỏa là những người biết rõ nhất thế nào là giá trị của sự sống - cái chết. Và, cũng chính vì thế nên họ luôn ý thức được trách nhiệm mỗi khi làm việc.

Căng thẳng liên miên, nguy hiểm và không có ngày nghỉ nhưng nghề cứu hỏa luôn là một trong những nghề được cộng đồng tri ân, trân trọng. Bản thân những người lính cứu hỏa yêu nghề cũng luôn tự hào khi họ đang làm một công việc ý nghĩa và rất đỗi tự hào.

Báo chí - Nghề đòi hỏi sự nỗ lực và hy sinh

Nhà báo, còn gọi là ký giả, là người làm công tác báo chí chuyên nghiệp như: phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn,…Nghề báo là một nghề phức hợp, có sự đan xen giữa đi, viết và lách. Đi nhiều nơi, có mối quan hệ xã hội rộng rãi và hiểu biết nhiều thứ. Tuy nhiên đây là một trong những nghề khổ cực nhất, gian nan nhất, vất vả nhất, có thể thức thâu đêm đến sáng để thực hiện các bài viết.

“Nghỉ lễ” là một khái niệm “xa xỉ” đối với những người làm nghề báo, bởi trong bất cứ thời điểm nào thì dòng tin tức cũng luôn luôn chuyển động và cần đưa thông tin đến với công chúng. Chính vì vậy, chuyện ngày lễ, Tết…hay nửa đêm mà có sự kiện, sự việc nào mới diễn ra, phóng viên phải ngay lập tức phải có mặt để tác nghiệp là chuyện hết sức bình thường.

Những người làm nghề báo làm việc vất vả dưới sức ép căng thẳng của công việc và thời hạn. Đặc biệt là ở các tòa soạn báo điện tử hay đài truyền hình, phóng viên phải phải đi nhiều, liên tục chạy theo các sự kiện mới để đem lại tin tức nóng hổi cho độc giả.

Làm báo cũng là một nghề nguy hiểm luôn rình rập, nhất là đối với những phóng viên phụ trách mảng nội chính, chuyên viết các loạt bài phóng sự - điều tra về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, tội phạm…chính vì vậy, đây được coi là một trong những nghề đòi hỏi sự nỗ lực và hy sinh rất lớn.

Bác sĩ - Nghề gian khổ mà cao quý

Nghề bác sĩ nói riêng và những nghề nghiệp thuộc ngành y nói chung là những nghề chuyên tổ chức việc phòng bệnh, chữa bệnh và bảo vệ sức khoẻ cho con người và các loại động vật.

Những người làm việc trong ngành y dành phần lớn thời gian của mình tại bệnh viện, phòng khám, phòng nghiên cứu… Công việc thường rất vất vả và đòi hỏi sự bền bỉ, chính xác cao độ, thường xuyên phải trực đêm, trực vào ngày nghỉ hoặc các kỳ nghỉ. Hơn thế, người làm trong ngành y thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh tật, vi khuẩn, máu, thậm chí với cả tử thi…

Những ngày nghỉ lễ, người ta có dịp đi chơi đông đúc hơn và số vụ tai nạn có vẻ như tăng nhiều hơn so với thông thường. Bởi vậy, dịp lễ, tại nhiều bệnh viện, nhất là các khoa cấp cứu không bao giờ vắng người. Các bác sĩ, y tá vẫn phải túc trực đều đặn để xử lý mọi việc.

Các bác sĩ cấp cứu luôn làm việc trong tình huống “khủng hoảng”: Người bệnh lâm nguy, người nhà lo lắng đứng ngồi không yên, trong buồng bệnh các chỉ số thay đổi liên tục…Nhưng bác sỹ luôn phải bình tĩnh, tỉnh táo. Đó là lý do mà mọi người thường nói rằng những người làm nghề y không những phải có tài, có đức mà còn phải có “thần kinh thép” trong mọi trường hợp.

Cảnh sát - Nghề của những “anh hùng” thầm lặng

Nghề cảnh sát bao gồm những công việc chuyên môn đặc thù như: Quản lí xã hội, điều phối giao thông, điều tra tội phạm…Hầu như ngày nào, cảnh sát cũng có việc phải xử lý. Trong những dịp nghỉ dài ngày, việc của họ càng nhiều thêm và hầu như không có lúc nào để nghỉ ngơi.

Trong bất cứ thời điểm nào, nếu có các vụ việc gây rối hay vi phạm pháp luật, cảnh sát sẽ là những người đứng ra để điều tra, xử lí, trấn áp tội phạm, đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng.Đặc biệt là những người làm nghề CSGT, dù nắng nực ngày hè hay giá lạnh mùa đông, họ cũng luôn phải hoàn thành nhiệm vụ điều tiết, xử lí những hành vi vi phạm luật.

Lễ, Tết…là khi mọi người được trở về sum họp bên gia đình, tận hưởng phút giây ấm áp bên người thân nhưng đó lại càng là những ngày vất vả hơn cả với lực lượng CSGT. Lưu lượng người tham gia giao thông đông hơn rất nhiều, những va chạm xe cộ, tai nạn giao thông cũng có thể gia tăng, chính vì thế mà cường độ làm việc của CSGT trong những ngày này trở nên cao hơn nhiều so với những ngày bình thường.

Những người làm trong nghề cảnh sát vì vậy cần có sức khỏe, sự dũng cảm và cả sự cống hiến không ngừng. Hơn ai hết, họ cần người bạn đời, người thân hiểu và chia sẻ với tính chất công việc của họ, để cảm thông hơn trong cuộc sống.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuệ Lâm

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc