Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị T., mẹ của cháu H. cho biết: “Con gái mình ra nông nỗi này từ cách đây hơn 1 năm. Hơn 1 năm trước, bố của cháu qua đời sau một cơn tai biến mạch máu não. Khi ấy em mới 14 tuổi. Nỗi đau chưa kịp qua thì vài tháng sau chú của em cũng đột ngột ra đi. Kể từ đó, H. cứ bị ám ảnh và bắt đầu có những biểu hiện lạ.
Chị T. cho biết thêm, trước khi mắc bệnh, H. có học lực khá và học hết lớp 9. Tuy nhiên, từ khi mắc bệnh kỳ lạ này, H. không sao tiếp tục học lên lớp 10 được. Vì thế, H. đã phải nghỉ học khi không theo kịp các bạn.
Lo lắng cho bệnh tình của con gái, bà mẹ này đã từng cố gắng chạy vạy đưa H. đi chữa trị khắp nơi. Ban đầu, chị cho con vào Bệnh viện Yên Bái, sau đó đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Hầu hết các bác sĩ đều chẩn đoán cháu H. bị ám ảnh với nỗi đau mất mát người thân. Cứ cố gắng cầm cự và tích cực điều trị hơn 1 năm nay nhưng bệnh tình suốt ngày đòi tắm vì sợ bẩn của H. không đỡ. Bao nhiêu tiền của ra đi sau mỗi lần chị cố cho con gái tới viện.
Mới đây, bệnh tình của H. lại có biểu hiện nặng thêm. H. cứ liên tục đòi tắm vì sợ bẩn. Thấy cái gì H. cũng sợ bẩn nên không ăn không uống. Dù tiền không có, chị vẫn cố chạy vạy vay mượn đưa con gái nhập viện Tâm thần TW1 tìm kiếm một phép màu.
Khi được PV hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị T. nghẹn ngào trong nước mắt cho biết, sau H. còn có em trai 12 tuổi, đang học lớp 6 và phải gửi bà ngoại chăm sóc để đưa chị đi chữa bệnh. Nhà nghèo, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và chăn nuôi, bây giờ cháu lại mắc bệnh thế này nên không thể làm được gì. Để có thể đưa H. xuống Hà Nội chữa trị, chị T. phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Mọi của cải trong nhà cũng bán hết. Anh em trong gia đình cũng đã hỗ trợ nhiều nhưng đến nay thì không thể nữa.
Vào Bệnh viện Tâm thần TW1, H. có cơm miễn phí của bệnh viện còn chị ra ngoài mua cơm, cố ăn kham khổ để bám trụ lại chữa bệnh cho con. Chị T. gạt nước mắt tâm sự, “Dù khó khăn như thế nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng điều trị cho đến khi con khỏi bệnh. Còn tương lai của cháu sau này nữa”.
Tiến sĩ Tô Thanh Phương cũng cho biết thêm, khi điều trị cho các bệnh nhân tâm thần, thái độ của người thầy thuốc vô cùng quan trọng. Bác sĩ phải cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ mới có thể nắm bắt được bệnh tình của bệnh nhân. Dù bệnh nhân có như thế nào thì bác sĩ cũng phải điềm đạm, hỏi tỉ mỉ, chi tiết đầu đuôi, khơi cho bệnh nhân tự kể, từ đó mới có thể khai thác các triệu chứng và tập hợp lại để đưa ra kết luận cuối cùng.