Có lẽ, với những đứa trẻ, Tết là khoảng thời gian để mong muốn nhất năm. Từ những ngày được nghỉ học, không đau đầu vì bài tập về nhà, tụi con nít đã xúm xít bày ra vô vàn trò chơi cùng tụi bạn cùng xóm. Rồi 28, 29 Tết lại lẽo đẽo theo mẹ đi mua bánh trái, mứt ngọt, mâm ngũ quả cúng ông bà… Đêm giao thừa, dù mắt đứa nào cũng đã nhắm tít, nhưng vẫn cứ đợi chờ màn pháo bông sắc màu trên trời mới dám đi ngủ.
Sáng mồng 1, cái đồng hồ chưa kịp báo thức, tụi con nít đã thức dậy, mặc ngay ngắn bộ áo váy xanh đỏ mẹ mới mua, lon ton qua nhà Nội Ngoại chúc Tết để được nhận bao lì xì. Vui nhất với chúng vẫn là cái khâu nhận bao lì xì đỏ thắm và nghe Ngoại bảo: Năm sau, nhớ học giỏi nha con. Tiền không có bao nhiêu, chứ háo hức thì luôn đong đầy.
Tết đoàn viên, trong kí ức của mỗi đứa trẻ thơ chỉ đơn giản là thế!
Tết nhà mình: Nơi tụi con nít Sài Gòn sống đúng hương vị Tết xưa
Thế rồi, cuộc sống phát triển, hiện đại đã dần khiến mùi vị Tết cũng phai nhạt trong mắt trẻ thơ. Bao lì xì giấy năm nào giờ có trăm nghìn màu sắc khó lựa chọn, bánh kẹo đầy ứ, câu đối đỏ mua vội ngoài chợ… Chẳng mấy khi tụi trẻ con lại được cảm cái lúc chờ đợi nồi bánh chưng, thèm thuồng món mứt mẹ rim chỉ đến mồng 1 mới được ăn, hay nâng niu một câu đối ý nghĩa được ông đồ tặng đầu năm.
Tết của thời thơ ấu chỉ còn là những hoài niệm. Để rồi mỗi lần ra đường, thấy chùm bóng bay, bao lì xì đỏ, miếng mứt gừng vàng ruộm… ai ai cũng xao xuyến: “Ôi! nhớ Tết xưa quá”.
Để gợi nhớ lại hương vị Tết xưa ấy, Nhà của thời thơ ấu (280/10 Cách Mạng Tháng Tám, P.10, Q.3, TP.HCM) cũng đã tổ chức lại một đêm Tết Sài Gòn đặc biệt. Như cỗ máy thời gian diệu kỳ, Tết nhà mình nhanh chóng đưa người lớn trở về với hoài niệm, giúp trẻ thơ sống trong những hồi ức cha ông.
Đầu tiên, ở gian nhà trước, Nhà mình trang trí một chậu cúc con, cây mai vàng, câu đối đỏ,… đều là đặc trưng ngày Tết. Trên bàn bày sẵn mâm mứt kẹo ngọt lành: nào mứt dừa, mứt sen, mứt khoai, hạt dưa, và mâm ngủ quả… đứa nào thích cứ việc ăn, toàn là đồ mẹ làm cả. Cạnh đó, bên hiên nhà, chú thắt cào cào lá dừa cũng đang ngồi tỉ mẩn làm từng con. Bé nào ghé sạp chú chơi, cứ việc lấy miễn phí một con đem về.
Đến gian giữa, Nhà mình dựng một chiếc củi cũ chứa đầy món đồ con thích: bim bim càng cua, kiệu ngâm chua, nước ngọt, bánh tét,… Nhà cũng tinh ý, chừa riêng một khoảng trống nhỏ cho các con chơi đồ hàng, mở phiên chợ Tết mà bán ít kẹo, bánh, trái cây… Bố mẹ sẽ giả làm người mua, nghe con kể giá như cái đêm 28 nhà mình vẫn thường hay đi chợ Tết.
Vui chơi xong rồi, giờ thì cùng bố mẹ du xuân. Mấy cô con gái thích ngồi tập vẽ chữ cùng cụ đồ, trang trí cho con heo đất… trong khi mấy cậu con trai ngồi đặt bầu cua, chơi lô tô bằng số hạt dưa Nhà cho. Mặt đứa nào đứa nấy cũng hớn hở.
Giờ thì tràn ra hẻm chơi múa lân, ú tìm, nhảy bao. Đàng trai thách đấu đàng gái, hăng hái nhảy thật nhanh. Thế mà mấy anh “dục tốc bất đạt” đâu khôn khéo bằng mấy chị dẻo dai. Kết quả chung cuộc đàng gái thắng 2-1, nhận một bịch xí muội ăn chơi.
Xong xuôi, người lớn lẫn con nít lại túm tụm trước cổng, chơi đập heo đất. Muốn vui hơn nên Nhà bịt mắt thiệt kỹ, treo ống heo trên cao để tụi con nít lần mò theo lời bạn chỉ mà đập. Coi vậy chứ khó, đứa hiền lành nhắc khí thế: cua phải, cua trái,… đứa tinh ranh thì khéo bày bạn đập sai. Năm lần bảy lượt chỉ có một anh con trai đập trúng, thưởng liền 2 chai thổi bong bóng, chàng mỉm cười mừng rỡ.
Trời nhá nhem tối cũng là lúc tụi con nít chào Nhà ra về. Cha mẹ đã đứng sẵn trước cổng, phát từng bao lì xì đỏ tươi. Dù mồ hôi túa ra ướt cả tấm áo dài, nhưng vừa thấy bao lì xì thì miệng chúng đã mỉm cười tươi rói.
Những người lưu giữ “hoài niệm trẻ thơ” miễn phí
Được biết, hoạt động Tết nhà mình do vợ chồng chị Đồng Lê Quỳnh Hương thực hiện. Chị Hương chia sẻ: may mắn khi sinh ra trong một gia đình có nhiều vốn văn hoá, bố mẹ tạo điều kiện cho chị được đón nhiều cái Tết xưa cũ đúng nghĩa… nên từ lâu, chị đã luôn ấp ủ muốn tái hiện những thứ đẹp đẽ thuộc về Tết truyền thống đến với trẻ em, đặc biệt những đứa trẻ thành phố.
“Chúng ta càng hiện đại bao nhiêu thì giá trị văn hóa lại dễ dàng mất đi bấy nhiêu, trong đó có Tết Việt. Với mong muốn tái hiện lại Tết xưa, chị và phụ huynh đã tổ chức ra những trò chơi dân gian: tô lợn đất, vẽ câu đối, lô tô, bầu cua,… nhằm cho trẻ con biết Tết xưa là như thế nào. Để sau này lớn lên cũng có thể tự hào rằng mình đã từng trải qua cái Tết xưa như bố mẹ, đã lưu giữ được bản sắc văn hoá của người Việt.”
Để tạo dựng không gian đầy Tết như thế, chị Hương và phụ huynh của các bé đã cùng nhau thực hiện trong suốt 2 tuần liền. Điều đặc biệt của hoạt động là số chi phí bỏ ra rất ít, hầu hết mọi thứ đều từ các gia đình gom góp lại với mong muốn cho con em mình sống trọn trong một ngày Tết đúng nghĩa.
“Chị hạnh phúc lắm, nhất là khi nghe phụ huynh nói Tết nhà mình thật gia đình. Bởi gia đình là ý nghĩa lớn nhất của ngày Tết mà. Đó là khi tất cả mọi người cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau ăn, cùng nhau vui đùa, và cùng nhau nếm từng khoảnh khắc hạnh phúc nhất trôi qua…” - chị Hương kể.
Cô Đoàn Thị Thu Hồng (69 tuổi) tỏ ra thích thú khi cùng cháu gái đón cái Tết truyền thống tại Nhà mình năm nay. Cô tâm sự: “Mọi năm, bố mẹ cháu đi làm xa nên chỉ có hai bà cháu đón Tết với nhau. Năm nay, cháu được đón Tết cùng các cô chú, bạn bè ở đây nên vui ra hẳn. Lâu lắm rồi bà mới lại thấy hình ảnh được mấy trò chơi dân gian như ô ăn quan, lô tô, bầu cua,… nên cũng vui lây.”
Trước đó, Nhà của thời thơ ấu cũng đã tổ chức nhiều chương trình truyền thống nhằm lưu giữ giá trị văn hoá như: Trung thu nhà mình, Liên hoan múa rối Quốc tế,… Hoạt động ý nghĩa này được rất nhiều phụ huynh học sinh tại TP.HCM hưởng ứng.