Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

'5 thanh niên tấn công vợ chồng Tây lớn tuổi sau va chạm giao thông' - sự đê hèn của những kẻ côn đồ

Dễ dàng hung hăng, dở thói côn đồ khi xảy ra mâu thuẫn , họ tự thấy mình như "anh hùng" dù sự thật chỉ là "những kẻ vô văn hoá".

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao vụ việc người đàn ông Hà Lan cùng bà vợ người Việt của mình bị một nhóm người Việt tấn công sau khi xảy ra va chạm giao thông trên một cung đường ở Sapa.

Clip: Ông Tây bị nhóm người Việt quây đánh.

Theo chia sẻ của anh Phil H., một người bạn của nạn nhân, vụ việc xảy ra khi cặp vợ chồng này chạy xe trên một đoạn đường khá động. Xe của người đàn ông này bỗng dưng bị chèn ép, vượt ẩu bởi một xe hơi màu đen. Ông ta đã né sang một bên để tránh tai nạn và có chửi thề một vài câu do gặp tình huống nguy hiểm.

“Bỗng dưng, chiếc xe hơi màu đen đột ngột dừng lại. Chỉ trong vòng vài giây, người đàn ông Hà Lan và vợ mình (một người Việt Nam) đã bị bao vây và bị tấn công từ phía sau bằng vật cứng. Ông Tây đã bị đá, đánh bằng một chiếc mũ bảo hiểm còn vợ ông thì bị đấm vào mặt.”

5 người tấn công cặp vợ chồng già.

Trước đó, cũng đã xảy ra vụ đánh nhau với người nước ngoài trên phố Trần Khát Chân mà nguyên nhân đơn giản chỉ là người đàn ông Việt điều khiển xe ô tô đã chèn bánh xe lên chân của người đàn ông ngoại quốc. Người đàn ông ngoại quốc dùng tay ra hiệu cho người lái ô tô điều khiển ôtô di chuyển, để anh lấy dép đang bị kẹt ra. Tuy nhiên, do không thấy ôtô di chuyển, anh dùng tay gõ vào gương chiếu hậu bên ghế phụ và ý muốn nói tài xế cho xe di chuyển. Vậy là người tài xế ô tô ra khỏi xe, lao vào đánh người đàn ông ngoại quốc… Và còn hàng trăm, hàng nghìn vụ việc khác vẫn đang diễn ra mỗi ngày trong xã hội.

Chưa bao giờ, bạo lực lại được người Việt chọn làm cách giải quyết mâu thuẫn phổ biến như hiện nay. Những vụ mâu thuẫn giải quyết bằng bạo lực cho thấy văn hoá ứng xử của một bộ phận người Việt đã chạm đáy của “thảm hoạ”. Mời rượu không uống - đánh nhau; đi đường vấp phải quả dừa ở cửa tiệm tạp hoá - đánh nhau; nhìn đểu - đánh nhau… và còn muôn và những lý do “trời ơi đất hỡi” khác.

Hai thanh niên lao vào đánh người khách nước ngoài sau va chạm giao thông nhẹ.

Bên trong những người này dường như đã chứa đựng sẵn thói côn đồ chỉ chờ sẵn dịp để thể hiện. Hàng loạt những vụ đánh đấm vũ lực diễn ra mỗi ngày, đặc biệt là đối với bạn bè quốc tế đã làm xấu đi hình ảnh của người Việt. Không những vậy, nó còn khiến người nước ngoài có ác cảm với người Việt. Làm gì có khách du lịch nào muốn đi thăm thú ở một đất nước mà người dân giải quyết mọi thứ bằng bạo lực.

Cách ứng xử có văn hoá, đặc biệt là trong giới trẻ ngày nay xuất hiện một lỗ hổng rất lớn về nhận thức. Khi xảy ra mâu thuẫn, thay vì dùng lời nói với thái độ bình tĩnh, văn minh nhất có thể để giải quyết thì họ sẵn sàng dùng cùi tay, cẳng chân, vũ khí để thị uy bất chấp đúng sai.

Hai thanh niên đánh người đàn ông nước ngoài sau va chạm giao thông.

Có nghiên cứu cho rằng, việc thể hiện thói côn đồ khi gặp tình huống va chạm sẽ mang lại cho người đó cảm giác thoả mãn. Họ được thoả mãn cái tôi khi có thể dùng vũ lực để trút giận lên người khác. Việc làm đó có thể giúp họ thoả mãn cơn tức giận cũng có thể là một cách để ra oai với đối phương. Vì họ cho rằng nếu không phản kháng lại bằng vũ lực thì sẽ mất sĩ diện.

Quay trở lại vụ việc cặp vợ chồng già người Hà Lan bị 5 người Việt khác tấn công ở Sapa. Những người Việt này bực tức sau khi nghe người đàn ông Hà Lan chửi thề vì suýt gặp tai nạn đã không kiềm chế được nóng giận, sĩ diện bị chạm đến khiến họ phải “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Tuy nhiên, họ đã hành động theo cảm tính mà không biết rằng việc giải quyết vấn đề bằng vũ lực vốn đã là thiếu văn minh. Hành động 5 người cùng tấn công 2 người già, trong đó có một phụ nữ còn cho thấy một sự đê hèn, vô văn hoá khó chấp nhận của những người đàn ông này.

Vị khách Tây bị tấn công với những vết thương trên mặt

Có thể 5 người đàn ông đi trên chiếc xe này đã sai trong tình huống đó, cũng có thể cặp vợ chồng Tây kia sai. Nhưng điều đó chưa để lại hậu quả lớn, cũng chưa mang tính xúc phạm gì to tát để bắt buộc phải giải quyết bằng bạo lực. Đây không chỉ là vấn đề về nhận thức, trình độ hiểu biết cũng như phông văn hoá của 5 người đàn ông nói trên mà còn là của tất cả những ai sẵn sàng giở thói côn đồ mỗi khi có va chạm và mâu thuẫn.

Có rất nhiều các yếu tố khác nhau để khiến một người hành xử mang thói côn đồ, có thể là do môi trường sống, giáo dục, nhận thức… Nhưng có một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, ngày nay người ta quá thờ ơ với những hành vi bạo lực, thậm chí còn cổ suý. Rất nhiều người thờ ơ khi chứng kiến những hình ảnh này chỉ vì không muốn… vạ lây. Hoặc những gì họ làm chỉ đơn giản là đứng ngoài bình luận “tội thế”, “ai ngăn cản đi”, “bị đánh là đáng”…

Đôi khi để thoả mãn cái tôi của mình, thoả mãn máu anh hùng và tính sĩ diện, họ không lường trước được hậu quả. Có thể trong lúc nóng giận sẽ gây ra hậu quả thiệt hại về tính mạng. Hoặc cũng có thể phải đối diện với cơ quan pháp luật như hai anh chàng tấn công người đàn ông nước ngoài trên phố Trần Khát Chân.

Nếu quay ngược lại thời điểm xảy ra vụ việc đó, người đàn ông chỉ cần nhẹ nhàng lùi xe để anh “Tây” lấy được chiếc dép. Hỏi thăm và nói một lời xin lỗi văn minh lịch sự thì có lẽ đã không có vụ ồn ào xảy ra giữa đường, không có những vết thương và hai anh chàng dở thói côn đồ cũng không phải trình diện tại cơ quan Công an.

Bởi vậy mới có câu nói: “Giận quá mất khôn”

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết My An

Được quan tâm

Tin mới nhất
Siêu mẫu Bình Minh tái xuất