Ngày TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, cụ ông Trần Tử (ngụ quận 5) cũng đẩy chiếc xe cọc cạch của mình ra đường để bán bánh tiêu. Trong mùa dịch vừa qua, vợ ông đã ra đi vì Covid-19, để lại ôm với nỗi buồn sâu hoắm cùng 3 người con đã lớn nhưng vẫn còn khờ dại.
Khi người đàn ông chật vật đẩy chiếc xe bánh tiêu trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM), có cô gái đã gọi với theo: “Cụ ơi". Ông lập tức cầm những phần bánh tiêu đã bỏ sẵn vào túi đến mời cô gái mua.
Từ 10 giờ đến 14 giờ, ông chỉ bán được 3, 4 cái. Thấy thương ông cụ, cô gái đã đề nghị mua hết bánh cho cụ ông được về nhà sớm để nghỉ ngơi.
Chỉ sau 2 ngày đăng tải trên mạng xã hội, đoạn clip đã nhận được hơn 2 triệu lượt xem, hàng chục nghìn bình luận và chia sẻ từ cộng đồng mạng.
Cô gái trong đoạn clip trên mạng xã hội đó là Trúc Ly (ngụ TP.HCM). Ngày 20/11 năm nay, nữ giáo viên không có hoa, cũng chẳng có quà, nhưng cô vẫn luôn hạnh phúc. Bởi món quà quý giá nhất đối với cô chính là nụ cười của những hoàn cảnh được giúp đỡ.
Tôi không thể lướt qua họ
Tôi không biết mình có sự đồng cảm với những người khó khăn từ lúc nào. Chỉ biết rằng mỗi lần lướt qua họ, tôi sẽ cảm thấy áy náy, bứt rứt vô cùng. Hồi còn sinh viên, tôi không có nhiều tiền, khi thấy những cô chú bác vé số, nhặt ve chai, tôi gửi cho họ 10.000-20.000 đồng.
Covid-19 trong năm nay như một "cơn bão". Nó cuốn trôi mọi hoạch định, kinh tế, sức khỏe của con người. Nó khiến nhiều người khó khăn càng khó khăn hơn.
Tôi thấy mình không thể đứng yên. Một ngày, tôi quyết định sẽ làm "một điều gì đó" cho cô nhặt vé chai, chú bán vé số... Ngày đầu tiên, tôi gom hết đồ đạc trong nhà để tặng họ.
Vài người bạn nói rằng, hãy để họ cùng làm với tôi. Vậy là chúng tôi đã bắt đầu. Tôi chất hàng tá thứ hàng hóa, thức ăn sau xe của mình. Có những hôm phải dắt bộ, đẩy ngược lên dốc cầu.
Nhiều người hỏi tôi làm công việc này có vất vả không, có mỏi mệt không. Tôi trả lời là không. Mỗi khi nhìn thấy nụ cười của họ, sự mệt mỏi này trở về con số 0.
Đêm nằm xuống, tôi cảm thấy lòng mình hân hoan, vui sướng khi giúp được họ một đoạn trong cuộc đời. Nhưng bên cạnh đó, những mảnh đời khác cũng làm tôi trăn trở, và cuốn tôi đi vào hành trình khác.
Bạn biết không, tôi từng vừa quay phim, vừa khóc khi thấy một chú ngủ gầm cầu Ông Lãnh (quận 1). Ông mơ về một ngôi nhà không nắng mưa, vì ngủ vật vờ ngoài đường lạnh buốt.
Ngày qua ngày, căn bệnh hen suyễn cứ hành hạ ông, khiến ông đi vài bước lại muốn ngất đi. Tôi thấy vậy tức tốc dẫn chú đi test Covid-19, tìm cho chú một mái ấm... Có những người đã khóc, đã nói lời cảm ơn với tôi. Nhưng thực sự trong lòng tôi, hạnh phúc của họ mới là món quà quý giá nhất.
Vì cuộc đời còn nhiều điều tử tế
20/11 năm nay, tôi không có học trò, đồng nghiệp bên cạnh. Lúc trước, khi còn đi dạy, tôi dặn dò các con rằng gặp cô lao công, gặp bác bảo vệ... phải chào hỏi tử tế. Tôi tin rằng bất kì ai trong họ cũng đều xứng đáng được đối xử một cách tôn trọng.
Tôi gieo vào các con những điều bé nhỏ như thế. Thi thoảng, tôi vẫn mua kẹo bánh để tặng cho họ. Dịch bệnh thay đổi cuộc sống của giáo viên một cách nhanh chóng. Tôi thấy nhiều đồng nghiệp của mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Đây có lẽ là ngày nhà giáo Việt Nam đặc biệt nhất của cuộc đời tôi, giữa giai đoạn dịch bệnh này. Trong suốt năm qua, tôi đã học được rất nhiều điều, gặp nhiều người tử tế.
Một bạn đã từng nói với tôi rằng, xem những video chị đăng tải trên trang cá nhân, em cảm nhận được những điều tử tế. Trong mùa dịch, tôi vẫn không bị cắt giảm lương, mọi người đã dành sự quan tâm cho đời sống của giáo viên. Chính bản thân tôi đã nhận được những điều rất tử tế, vì vậy, tôi muốn mang nó đến cho mọi người.
Vừa qua, tôi đã gặp một bạn học Luật, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bạn phải ở ngoài đường. Khi đoạn video được tôi chia sẻ, nhiều người đã giúp đỡ bạn, bạn bè, người thân ở quê cũng nhìn thấy và kết nối. Tính đến nay, bạn đã có một công việc ổn định.
Hay lần khác, tôi đã không thể lướt qua một chú bán bột chiên. Tôi dừng lại, trò chuyện thì biết rằng chú đang có hoàn cảnh thật sự bế tắc. Mỗi ngày, chú và vợ phải nhịn ăn, tiết kiệm 10.000-20.000 để đóng tiền trọ. Không ai cưu mang, cũng chẳng ai giúp đỡ, tôi thấy thương họ vô cùng...
Cứ như vậy, tôi bị cuốn đi vào những hành trình khác...
Tôi không muốn mình phải dừng lại, vì mỗi con người, cuộc đời ngoài kia đều xứng đáng nhận được những yêu thương.