Có thể nói “con đường từ dạ dày đến nghĩa trang chưa bao giờ lại ngắn” như hiện nay. Cái chết đang rình rập trên mâm cơm của mỗi gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ. Bất cứ loại thực phẩm nào cũng đôi lần được kiểm tra, phát hiện có sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất bảo vệ vượt ngưỡng cho phép.
Chính vì sự gia tăng của thực phẩm bẩn mà trong những năm gần đây, tỉ lệ người chết vì ung thư ngày càng tăng lên. Theo Giám đốc bệnh viện Ung bướu Hưng Việt - Hoàng Đình Chân, mỗi năm Việt Nam có khoảng 75.000 người chết vì ung thư. “60-70% nguyên nhân gây ung thư có thể phòng tránh được, trong đó yếu tố thực phẩm đóng góp 35%”, ông Chân phát biểu.
Người Việt tiêu thụ rất nhiều cafe nhưng chưa bao giờ được uống cafe đúng nghĩa
Câu chuyện về thực phẩm bẩn - sạch bao gồm tất cả các loại đồ ăn, thức uống mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Và một trong những loại đồ uống được người Việt ưa chuộng hàng đầu chính là cafe.
Theo ông Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc cao cấp ngành hàng cafe Masan, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 17 tỷ ly cafe. Trong đó, chỉ tính riêng khu vực miền Nam trở vào, khoảng hơn 60 triệu dân ở đây sống với café mỗi ngày. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là dù uống rất nhiều nhưng người Việt vẫn chưa được thưởng thức ly cafe đúng nghĩa.
“Trước năm 1975, người Việt từng được uống ly café nguyên bản. Thế nhưng hiện nay thì không phải như vậy. 17 tỷ ly cafe một năm tương ứng với 35 triệu ly café/ngày đang được người dân tiêu thụ, thực chất bên trong chúng có cái gì đang là một câu hỏi lớn khiến nhiều người phải trăn trở”.
Ông Toàn lý giải, 17 tỷ ly cafe tiêu thụ mỗi năm không phải là cafe vì cứ 100 ly cafe thì có những 50 ly không phải cafe nguyên chất. Điều này đang làm mất đi giá trị nguyên bản xứng đáng dành cho thương hiệu cafe Việt Nam - một cường quốc đứng thứ 2 về xuất khẩu cafe hạt.
Để đưa cafe đứng vào hàng quốc ẩm, theo ông Toàn, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất cafe nguyên bản. Điều này chẳng những giúp người nông dân có thể làm giàu mà còn góp phần thúc đẩy phát triển thương hiệu cafe Việt.
Để làm được điều đó, theo ông Toàn, việc xây dựng các quy chuẩn thế nào là cafe, thế nào là cafe sạch cần được chú trọng. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng không nên vì lợi nhuận mà pha chế các nguyên liệu khác vào bột cafe, làm mất đi giá trị tinh túy của loại đồ uống này.
60% đường trên thị trường là bẩn
Phát biểu tại buổi hội thảo “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp - Người tiêu dùng đón sóng thực phẩm sạch” diễn ra tại Hà Nội sáng 23/8. ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Uỷ ban mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, trên thị trường có khoảng 300.000 tấn đường tiêu thụ nhưng chỉ 30% đóng dấu cam kết của nhà sản xuất với khách hàng, 10% là đường nhái và 60% còn lại là đường bẩn.
Ông Dương phân tích, trên thị trường có rất nhiều loại đường, nổi bật nhất là đường hóa học và tự nhiên. Tại Việt Nam hiện có 3 loại công nghệ sản xuất đường và chỉ có công nghệ chỉ có carbonat mới cho ra sản phẩm đường sạch.
Tuy nhiên, ông Dương cũng thẳng thắn thừa nhận, đường sạch tuy có quy trình sản xuất rất kỳ công những lại khó phân biệt, hầu như chỉ có chuyên gia mới nhận ra. Ông Dương phân tích, người tiêu dùng lâu nay thường có quan niệm sai lầm rằng đường càng trắng, càng sử dụng nhiều hóa chất. Tuy nhiên, trên thực tế, đường sạch hay không phải phụ thuộc vào các chỉ số về lượng tạp chất dư tồn cũng như hóa chất bảo vệ thực vật bên trong hạt đường.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có một tư duy rất sai lầm rằng sử dụng đường sẽ dư thừa calo. Thực tế, đường mía chỉ chứa 4cal/gr, tương đương với nhiều loại thực phẩm khác. “Đường chỉ sinh năng lượng đầu tiên chứ không phải là giàu năng lượng nhất”, ông Dương khẳng định.
Theo ông Dương, lý do khiến thị trường hiện nay tràn ngập đường bẩn là do việc sản xuất ra 1kg đường sạch rất kỳ công. “Đường phải sạch từ trang trại sản xuất đến nơi phân phối, được sản xuất với công nghệ hiện đại, trải qua hơn 100 công đoạn lớn nhỏ. Vì thế, giá thành khi ra đến thị trường bao giờ cũng cao hơn các loại đường khác”.