Nguyên văn câu nói của nhà báo Trác Thuý Miêu: “Đêm đăng quang chỉ là vòng sơ khảo, đến khi đội trên đầu chiếc vương miện cao quý, lúc đó cuộc thi mới chính thức bắt đầu”. Đây là chia sẻ của Trác Thuý Miêu khi được MC hỏi về cảm nghĩ của cô đối với các thí sinh dự thi vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016.
Quả nhiên, câu nói của Trác Thuý Miêu cực kỳ chính xác và rất sắc sảo. Nó rất hợp với danh hiệu Hoa hậu trong những năm gần đây.
Ngày trước, khi Internet còn chưa xuất hiện, hoặc kể cả phổ biến rồi nhưng mạng xã hội Facebook chưa ra đời, thì việc các thí sinh đăng quang Hoa hậu có thể ung dung mà hưởng những giây phút của người chiến thắng. Sau đó, cuộc đời của họ gần như thay đổi theo chiều hướng tốt, cơ hội đến nhiều, sự ưu ái cũng vô số, thậm chí, nhiều Hoa hậu đổi đời sau khi đăng quang. Và dù vẫn thỉnh thoảng có điều nọ tiếng kia, nhưng nó cũng qua nhanh và thường không gây nhiều ảnh hưởng đến các Hoa hậu.
Còn bây giờ, Hoa hậu thực sự trở thành tâm điểm của dư luận khi mạng xã hội phát triển như vũ bão, chỉ vài phút là đời tư của người nào đó có thể được phơi bày hết. Đã thế, sự kỳ vọng của công chúng vào Hoa hậu cũng ngày càng cao. Và sự kỳ vọng ấy lại được cư dân mạng luôn dõi theo, bình luận hàng ngày. Cho nên, mọi thứ về Hoa hậu đều được mang ra mổ xẻ trên mạng xã hội, và môi trường này mới chính là “ban giám khảo” khắt khe nhất, khó tính nhất, nhưng cũng nhân văn nhất mà đương kim Hoa hậu sẽ phải thể hiện để ghi điểm. Do vậy, ngay sau khi đội chiếc vương miện trên đầu, Hoa hậu mới chính thức bước vào cuộc thi, mà ban giám khảo ở đây, chính là công luận.
Sự kỳ vọng vào một cô Hoa hậu ở mức cao, thậm chí đến mức khắt khe âu cũng là điều dễ hiểu của số đông công chúng. Người ta chờ đợi một cô Hoa hậu phải có trái tim nhân hậu, đó là cô gái phải biết đau trước nỗi đau của cộng đồng, và có hành động thiết thực thể hiện sự chia sẻ. Người ta cần Hoa hậu phải đẹp thực sự về ngoại hình, từ việc trang điểm ra sao, tóc tai như thế nào, váy áo có phù hợp không, vân vân. Những điều này đỏi hỏi Hoa hậu phải có những chuyên gia tư vấn để mỗi khi xuất hiện, phải thực sự hoàn hảo, hay ít nhất cũng phải đẹp nổi bật hơn người thường.
Nhưng, cái mà công chúng quan tâm nhất chính là những phát ngôn thể hiện trình độ văn hoá, lối sống, hay đơn giản là những đóng góp thiết thực cho cộng đồng mà khi còn là thí sinh, cô gái nào cũng hứa “sẽ dùng sự ảnh hưởng của danh hiệu Hoa hậu để làm những công việc hữu ích cho cộng đồng”. Đây mới chính là những “bài thi” quan trọng mà Hoa hậu cần phải thể hiện trước “ban giám khảo”.
Thực tế, Hoa hậu sau khi đăng quang thường sẽ bị “sốc” một thời gian vì cuộc sống gần như đảo lộn. Từ việc đi đứng, phát ngôn,… đến những sở thích cá nhân đều bị “ban giám khảo công chúng” quan tâm, thậm chí là “soi xét”, cho nên, những điều này sẽ phải thay đổi cho phù hợp với vị trí Hoa hậu. Từ một cô gái đôi mươi còn vô tư nói cười, ăn uống,… giờ đây trở thành Hoa hậu thì phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, ăn uống cũng phải tế nhị, lịch thiệp,… Tóm lại, mọi thứ đều thay đổi khiến cho Hoa hậu sẽ mất một thời gian khá dài ban đầu để thích ứng.
Tuy nhiên, những chuyện đó sẽ trở nên vô nghĩa, nếu Hoa hậu có lối sống tốt, không scandal mà không có những hoạt động giúp ích cho cộng đồng. Điều này mới chính là “thang điểm” quan trọng của “ban giám khảo công chúng”, bởi nó sẽ quyết định xem Hoa hậu có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian đương nhiệm hay không. Về bản chất, sự đòi hỏi này của công chúng là hoàn toàn có lý, và trên thực tế, xã hội đang rất cần những hành động thiết thực của Hoa hậu trong các hoạt động cộng đồng, vì lẽ, nó không chỉ trực tiếp giúp ích cho xã hội bằng những hành động cụ thể, mà sâu xa hơn, đó chính là sự lan truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ từ những việc Hoa đã hậu làm. Đấy mới chính là điều Ban tổ chức cũng như công chúng kỳ vọng ở các Hoa hậu.
Thực ra, sau khi đã đăng quang, Hoa hậu chẳng cần phải thi thố với ai, mà là với chính mình. Chiến thắng được bản thân là điều không dễ, với một người vô danh đã khó, Hoa hậu - người của công chúng còn khó khăn gấp nhiều lần, đó cũng chính là lý do mà từng có những Hoa hậu không vượt được qua “cuộc thi” sau 2 năm đương nhiệm, bởi hàng loạt những sai phạm, mà trong số đó, đa phần xuất phát từ chính ý thức của bản thân. Tuy nhiên, không gì là không thể, nếu các Hoa hậu nhận rõ được vai trò của mình, ý thức được bản thân mình. Khi xác định rõ vị trí của và trách nhiệm đối với xã hội, các Hoa hậu chắc chắn sẽ làm tốt sứ mệnh. Đó không chỉ là điều nhà báo Trác Thuý Miêu mong mỏi, mà còn là sự kỳ vọng của số đông công chúng đối với các Hoa hậu khi đang mang trên đầu chiếc vương miện quý giá.