Tháng Tự Hào (Pride Month) là chuỗi sự kiện diễn ra dao động trong khoảng tháng 6, 7, 8 hằng năm. Đây là dịp để kỉ niệm việc bạo động quán rượu Stonewall ở thành phố New York vào năm 1969. Tháng Tự Hào diễn ra với nhiều sự kiện đan xen như: diễu hành tự hào, chiếu phim, ca nhạc, festival, biểu diễn drag queen, drag king,… Và tháng tự hào còn là dịp cộng đồng LGBT tự tin thể hiện sự tự hào về xu hướng tính dục và bản giới của mình. Tuy nhiên, sự kiện này lại gây ra không ít tranh cãi, tiêu biểu là xoay quanh vấn đề: tại sao chúng ta cần Tháng Tự Hào?
Trong suốt bao thập kỉ qua, cộng đồng LGBT trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải trải qua bao cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để giành lấy quyền bình đẳng đáng có của mình. Vào ngày 24/11/2015, cả cộng đồng LGBT tại Việt Nam đã vỡ oà trong hạnh phúc khi Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự, trong đó có quyền được chuyển đổi giới tính. Sự kiện này là một bước tiến quan trọng trong việc khẳng định quyền của người chuyển giới nói riêng và cả cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính, chuyển giới,…) nói chung.
Có thể nói, cộng đồng LGBT đã đấu tranh rất nhiều để giành lấy những quyền lợi đáng có thuộc về mình. Và kết quả đạt đươc là có nhiều bạn đã dám bước ra khỏi “chiếc tủ” để được sống đúng với giới tính của mình. Đối với họ, sự kiện quan trọng và thiêng liêng nhất của cộng đồng LGBT là Tháng Tự Hào (Pride Month) - một dịp để họ có thể tôn vinh sự đa dạng giới và thể hiện sự tự hào vì được là chính mình. Nhưng nhiều người lại cho rằng cộng đồng LGBT đã có đủ sự bình đẳng nên không cần đến Tháng Tự Hào nữa. Có thật sự đúng như vậy?
Theo như một khảo sát từ tổ chức ILGA, hiện nay, 72 quốc gia trên thế giới vẫn còn phản đối hôn nhân đồng giới; và 8 quốc gia - nơi người đồng tính có thể bị tử hình và xem như tội phạm. Nhiều người đồng tính, song tính, chuyển giới phải chịu cảnh bạo hành về thể xác lẫn tinh thần tại nơi làm việc hay trường học chỉ vì xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Theo một thống kê từ GLSEN, tại Mĩ đã có hơn 85% học sinh bị bạo hành lời nói từ bạn bè và giáo viên, và có hơn 34% học sinh bị bắt nạt ngay trong chính khuôn viên nhà trường chỉ vì xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình. Nhiều năm trước, Việt Nam cũng đã có trường hợp một trường THPT ở quận Phú Nhuận, TPHCM không cho học sinh đồng tính ở nội trú. Có thể thấy, xã hội vẫn còn rất nhiều định kiến và sự kì thị nặng nề dành cho cộng đồng LGBT.
Những định kiến và kì thị đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chung quy lại là do sự thiếu nhận thức của mọi người về cộng đồng LGBT, đó là lí do vì sao chúng ta vẫn cần Tháng Tự Hào. Đó không chỉ để tôn vinh sự đa dạng giới, mà là còn nâng cao nhận thức và kiến thức của mọi người về giới. Ngoài ra, Tháng Tự Hào còn là dịp để những người đồng tính, song tính và chuyển giới nhìn lại những gì đã qua, những khó khăn, những định kiến mà họ đã chiến đấu như một sự nhắc nhở bản thân rằng, họ càng phải đấu tranh nhiều hơn nữa để giành lấy được sự bình đẳng thật sự.
Tháng Tự Hào không chỉ đơn giản là một cuộc diễu hành với những lá cờ 6 màu rực rỡ mà nó là tất cả những gì thiêng liêng nhất đối với cộng đồng LGBTIQ+. Họ cùng nhau đấu tranh, cùng nhau đạt được những thành tựu, quan trọng hơn hết, dù những định kiến tàn bạo có chỉa về phía mình, họ vẫn tự hào vì chính con người của mình.