Ngày ra đời của một biểu tượng quốc tế
Năm 1990 - một thập kỉ sau khi thế giới ý thức và “run sợ” trước đại dịch HIV, một nhóm những người với học thức và tình yêu thương đã tiên phong đấu tranh cho phong trào nâng cao nhận thức về người nhiễm HIV. Trong căn phòng triển lãm mỹ thuật tại New York's East Village, 12 nghệ sĩ gồm nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế, nhà làm phim,… đã bàn bạc và đưa ra một quyết định mang tính chất lịch sử: Chọn dải ruy băng đỏ làm biểu tượng quốc tế cho hành động nâng cao nhận thức và thể hiện sự ủng hộ dành cho cộng đồng những người đang sống chung với HIV/AIDS.
Những nghệ sĩ cho biết họ được truyền cảm hứng bởi những dải ruy băng vàng treo trên các ngọn cây để biểu hiện sự ủng hộ dành cho quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến Vùng Vịnh. Màu đỏ được chọn vì nó vừa thể hiện được sự mạnh mẽ vừa thể hiện được lòng nhiệt huyết và tình yêu đến từ con tim. Ngoài ra, tạo hình của dải ruy băng cũng không quá cầu kì, ai cũng có thể sao chép được, phù hợp trong việc nâng cao nhận thức xã hội.
HIV/AIDS đã ảnh hưởng đến cộng đồng LGBT như thế nào?
Có lẽ, không phải tự nhiên khi nhắc đến những người sống chung với HIV/AIDS, xã hội thường liên tưởng ngay đến cộng đồng LGBT, nhất là những người đồng tính nam. Theo góc nhìn chủ quan, mang tâm lý “không lo có thai”, đa số người LGBT thường không chú ý đến những biện pháp quan hệ an toàn. Vì vậy, thiếu kiến thức chính là nguyên nhân cốt lõi của vấn nạn này. Thế nhưng, theo góc nhìn khách quan, chính những sự kì thị và phân biệt đối xử từ xã hội đã “tiếp tay” cho việc lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
Trên thực tế, hành vi kì thị, phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới tính và xu hướng tính dục cũng như màu da, tôn giáo, quê quán, địa vị xã hội, nghề nghiệp,… vẫn đang rất phổ biến và không có bộ luật nào bảo vệ những người này. Đối mặt với hậu quả từ việc bị phân biệt đối xử như mất việc làm, vô gia cư, không được hưởng bảo hiểm y tế,… người LGBT dễ dàng sa vào hành vi tạo điều kiện lây lan HIV/AIDS. Một ví dụ gần gũi về cộng đồng người chuyển giới nữ là khi xã hội không công nhận cũng như cơ hội việc làm không mở rộng với họ, một số người sẽ chọn trở thành người lao động tình dục để trang trải cuộc sống. Theo một cuộc khảo sát năm 2015 của hơn 27.000 người chuyển giới, “Tỷ lệ chẩn đoán HIV cao gấp năm lần trong số những người đã từng lao động tình dục ở bất kỳ thời điểm nào trong đời” so với người bình thường.
Theo tổ chức phi chính phủ Human Rights Campain, có 4 cách để xã hội cùng chung tay xóa đi nạn HIV/AIDS:
Cách 1: Nâng cao tiếng nói để chính phủ chú ý đến cộng đồng và ban hành những chính sách về y tế cũng như giáo dục giới tính toàn diện cho họ.
Cách 2: Cung cấp kiến thức cho cộng đồng LGBT và những người đồng minh về sự ảnh hưởng, hiện thực và tầm quan trọng của HIV/AIDS trong cộng đồng.
Cách 3: Tổ chức những chiến dịch, hoạt động với mục tiêu nâng cao nhận thức, chấm dứt kì thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Cách 4: Luôn luôn lên tiếng ủng hộ cho nhân quyền và hạnh phúc của người nhiễm HIV ở mọi khía cạnh, mọi cấp độ của cuộc sống.
Ai cũng xứng đáng yêu và được yêu, dù bạn có thuộc cộng đồng LGBT hay không thì hãy luôn ghi nhớ về tầm quan trọng cũng như sức ảnh hưởng của dải ruy băng đỏ nhé!