Đề tài đồng tính đã trở thành mảnh đất màu mỡ với các nhà làm phim, khi xã hội đã và đang có cái nhìn thoáng hơn về thế giới thứ ba. Và Thái Lan được xem là một trong những quốc gia mạnh tay nhất trong việc đưa các yếu tố nhạy cảm này lên màn ảnh.
Hãy cùng điểm lại những bộ phim Thái Lan từng gây sốt màn ảnh bởi khai thác vô cùng duyên dáng chủ đề LGBT nhé.
Cặp đôi Tee - Mork - “Vì em là chàng trai của tôi”
Vì em là chàng trai của tôi (My tee) là bộ phim “đam mỹ” đang gây bão trong cộng đồng “hủ nữ” thời gian gần đây. Được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thái cùng tên, lại sở hữu dàn nam sinh đúng chuẩn thanh xuân, nên không khó để hiểu bộ phim được lòng fan girl đến vậy.
Phim xoay quanh chuyện tình yêu giữa hai chàng trai Tee (Frank Thanatsaran Samthonglai) và Mork (Drake Sattabut Laedeke). Mọi chuyện bắt đầu khi Tee nhặt được quần của Mork nhưng không thèm trả, Mork trả đũa lại Tee. Mối quan hệ oan gia giữa họ chắc vẫn sẽ tiếp tục như chó với mèo mãi như vậy nếu Mork không “vô tình” phá chuyện tình cảm của Tee và Bambi (Noon Sutthipha Kongnawdee). Có lẽ chính Mork cũng không ngờ, Tee lại lấy việc này làm cái cớ bắt mình phải chịu trách nhiệm và phải trở thành bạn trai của cậu ta.
Dù mới chỉ lên sóng 4 tập nhưng Vì em là chàng trai của tôi đã khiến các hủ nữ bấn loạn vì có quá nhiều cảnh thân thiết giữa hai chàng trai Mork và Tee. Ban đầu ghét nhau là thế, vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau, hai bạn trẻ đã nhìn nhau bằng ánh mắt đắm đuối và có vô số những khoảnh khắc tình bể bình với đối phương.
Cặp đôi Phu - Thee trong “Tuổi nổi loạn”
Phu (March Chutavuth Pattarakampol) và Thee (Tou Sedthawut Anusit) trong phim Thái Lan Tuổi nổi loạn (Hormones) từng khiến nhiều fan nữ ngất ngây vì độ điển trai và đáng yêu của mình. Trong phim, cả hai có quan hệ tình cảm (phần 1) nhưng xảy ra cãi vã dẫn đến kết thúc tình bạn (phần 2).
Sau nhiều im lặng, lánh mặt nhau, kết thúc phim, Phu quyết định là người làm lành trước và viết thư để bày tỏ những cảm xúc và xin lỗi người bạn thân. Cả hai làm lành bằng một cái ôm. Tuy mối quan hệ kết thúc chưa thật sự rõ ràng nhưng nhiều người vẫn tin họ là cặp đôi đẹp.
Không chỉ khiến fans phát sốt trên màn ảnh, cặp đôi này nhiều lần thể hiện tình cảm công khai như hôn nhau, post hình tình tứ công khai ở đời thường. Thậm chí họ còn bị đồn đoán là phim giả tình thật nhưng đã chia tay vì không hợp nhau.
Cặp đôi Mew - Tong trong “The love of Siam”
Nói về những bộ phim đồng tính Thái nổi bật thì nhất định không thể bỏ qua The love of Siam. Câu chuyện tình của hai cậu bạn Tong (Mario Maurer) và Mew (Witwisit Hiranyawongkul) từng một thời gây sốt khắp đất nước chùa Vàng và cả những quốc gia lân cận, bao gồm Việt Nam.
Vốn là hàng xóm sống trong một khu nhà, Tong và Mew đã cùng nhau sẻ chia những kỷ niệm tuổi thơ với đủ cung bậc cảm xúc. Rồi một ngày, Tong rời đi để chuyển đến nơi khác sinh sống, còn Mew thì ở lại.
Thời gian trôi qua, cả hai dần trưởng thành. Trong một lần tình cờ, họ gặp lại nhau ở quảng trường Siam - nơi khởi đầu và kết thúc cho cuộc tình ngọt ngào nhưng cũng đầy đau khổ của hai chàng trai. Việc Tong và Mew không thể đến với nhau đã khiến người xem vừa hụt hẫng vừa nhói lòng. Tuy nhiên, chính cái kết buồn này lại giúp The love of Siam tạo nên dấu ấn đặc biệt. Đồng thời, câu nói: “Nếu yêu, bạn vẫn còn hi vọng” đã trở thành thông điệp tình yêu ăn sâu vào tâm trí của người hâm mộ.
Cặp đôi Pun - No trong “Love sick”
Love sick (Yêu là yêu) là phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, từng được nhiều độc giả Thái yêu mến. Sau khi ra mắt, bộ phim nhận được nhiều sự ủng hộ của các khán giả Thái Lan và được quan tâm không kém Hormones (Tuổi nổi loạn). Dù ra mắt cùng lúc với Tuổi nổi loạn, sức hút của Love Sick vẫn không hề bị ảnh hưởng.
Bộ phim kể về chuyện tình cảm tuổi học trò ngây thơ nhưng đầy rắc rối. Xoay quanh bốn nhân vật Pun, No, Yuri và Aim, đạo diễn đã thành công trong việc xây dựng các tình tiết và tính cách nhân vật gần gũi với thế hệ học sinh ngày nay. Bốn con người với những mối quan hệ đan xen phức tạp đã tạo ra những câu chuyện hài hước, khó xử và cảm động.
Hình tượng cặp đôi Pun - No được xây dựng khá ấn tượng. Từ hai người bạn xa lạ chỉ học chung trường, cả hai dần trở nên thân thiết và bắt đầu có những rung động đầu đời, trên cả tình bạn. Ở lứa tuổi đó, Pun và No có thể chưa nhận ra được tình cảm đó là tình cảm gì, tình yêu hay tình bạn.
Tuy chỉ là phim về tình cảm tuổi học trò, nhưng đạo diễn đã rất nhẹ nhàng lồng ghép những thông điệp ý nghĩa về cộng đồng LGBT hiện nay: “Cho dù bạn là ai, bạn thuộc giới tính gì? Điều đó không quan trọng. Quan trọng là bạn có dám đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, tình yêu, công việc hay không?”. Bên cạnh đó, các vấn đề về học đường như sự phân biệt giàu nghèo, sự cạnh tranh thành tích giữa các học sinh cũng được đề cập trong phim.
Fuse - Tee trong “Make it right”
Make it right (Yêu đi, đừng ngại) là bộ phim được chuyển thể từ một tiểu thuyết cùng tên. Kể về những rắc rối tuổi học đường mà bất cứ ai từng đi học đều phải trải qua. Nội dung phim xoay quanh chuyện tình cảm tuổi học trò ngây thơ nhưng cũng nhiều rắc rối của cặp đôi chính Fuse (Panichtamrong Peemapol) - Tee (Udompanich Krittapak).
Đến với ”Make it right” bạn sẽ được đắm mình trong hồi ức thanh xuân tươi đẹp với mối tình vụng trộm dễ thương và chân thành. Bên cạnh đó, những boăn khoăn về giới tính đã được biên kịch khéo léo đưa vào phim thông qua mối quan hệ mờ ám giữa Fuse và Tee.
Tuy phản phất hơi thở của người đi trước là Hormornes (Tuổi nổi loạn) và Love sick (Yêu là yêu) nhưng Make it right không làm người xem thấy nhàm chán, mà mang lại những màu sắc tươi mới, làm nên nét riêng cho bộ phim.