Năm nay, sự kiện diễu hành tự hào thường niên của cộng đồng LGBT tại thành phố London đã được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 với sự tham gia của gần một triệu người đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là dịp để tôn vinh sự đa dạng tính dục của con người, nâng cao sự hiện diện cho cộng đồng LGBT và kêu gọi quyền bình đẳng.
Đáng tiếc, một sự cố ngoài ý muốn đã xảy ra. Và nó khiến cho những thông điệp tốt đẹp của sự kiện rất có thể bị hiểu sai.
Theo Indepedent, vị trí dẫn đầu đoàn diễu hành vốn thuộc về thị trưởng London là ông Sadiq Khan và các nhân viên của tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service). Tuy nhiên, một nhóm nhỏ gồm 8 người tự xưng là “Những nhà hoạt động nữ quyền loại trừ người chuyển giới” (Trans-Exclusionary Radical Feminists, gọi tắt là TERFs) đã chặn đoàn người bằng cách nằm giữa đường gây ra ách tắt giao thông. Trong bối cảnh thời tiết nóng nực và có quá đông người, cảnh sát đã không còn cách nào khác đành phải cho họ đi đầu như mong muốn.
Nhóm này sau đó đã thu hút nhiều sự chú ý do giương cao những biểu ngữ gây tranh cãi và phát tờ rơi nhằm lan toả quan điểm của mình.
Đầu tiên, họ không thừa nhận những người chuyển giới từ nam sang nữ là phụ nữ thực thụ. Theo định nghĩa của họ, phụ nữ phải là những người sinh ra với âm đạo và có nhiễm sắc thể XX. Chính vì thế, nếu một người chuyển giới nữ quan hệ tình dục với một người đồng tính nữ thì hành vi đó bị xem là cưỡng hiếp. Thậm chí, họ còn phê phán cả phong trào vận động quyền của người chuyển giới nói chung và cho rằng nó “xoá sổ” người đồng tính nữ.
Thứ hai, họ kêu gọi tách người đồng tính nữ ra khỏi LGBT cũng như diễu hành tự hào (LGBT Pride) vì cho rằng cộng đồng GBT (đồng tính nam, song tính và chuyển giới) đã ủng hộ quan điểm chuyển giới nữ là phụ nữ thực thụ ngay từ khi phong trào vận động quyền LGBT bắt đầu từ nhiều năm trước.
Trả lời phỏng vấn của trang PinkNews, một thành viên của nhóm cho biết: “Chúng tôi biểu tình để bảo vệ cho quyền lợi của chính mình và thay mặt cho những người đồng tính nữ bị đe doạ bởi cộng đồng GBT ở khắp mọi nơi”.
Một thành viên khác thì phát biểu: “Chúng tôi muốn chữ ‘L’, tức đồng tính nữ, tách ra khỏi diễu hành tự hào LGBT. Bởi vì một người đàn ông thì không thể nào là người đồng tính nữ. Những người có dương vật nói chung cũng thế!”.
Đại diện của sở cảnh sát Metropolitan trả lời báo giới: “Một nhóm nhỏ đi đầu buổi diễu hành đã được xử lý nhanh chóng và an toàn bởi ban tổ chức vào lúc 1 giờ chiều ngày thứ Bảy. Cảnh sát không cần phải can thiệp. Không có vụ bắt giữ nào được thực hiện”.
Dems Jennie Rigg, chủ tịch của tổ chức LGBT+ Lib, nói: “Tôi cảm thấy kinh hoàng khi nhìn thấy những kẻ biểu tình chống người chuyển giới được phép dẫn đầu cuộc diễu hành và sự huyên náo của đám đông giống như đang cổ vũ cho họ. Đây là hành động phản bội lại niềm tin của hàng ngàn người đã tham gia. Ban tổ chức sự kiện nên từ chức và đưa ra lời xin lỗi”.
Patricia Curtis, một người chuyển giới nữ, bày tỏ sự miệt thị đến nhóm TERFs: “Thật đáng thất vọng. Thế nhưng nỗ lực khốn khổ của họ đã thất bại. Bởi vì London không phải là một nơi dung túng cho sự thù ghét”.
Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, Pride In London - đơn vị tổ chức buổi diễu hành - đã đăng tải lời xin lỗi của mình trên website chính thức vào ngày Chủ nhật. Họ khẳng định nhóm biểu tình TERFs không hề đăng ký trước và miêu tả hành động của nhóm này là “đáng ghê tởm”.
Đáp trả lại những thông điệp gây chia rẽ của TERFs, nhiều người đồng tính nữ đã thông qua mạng xã hội thể hiện sự ủng hộ của mình đến với cộng đồng chuyển giới nữ. Hash-tag được sử dụng nhiều nhất là #IstandWithTransPeople (tạm dịch: “Tôi ủng hộ người chuyển giới”).
Linda Riley, chủ sở hữu của tạp chí Diva, viết trên Twitter: “Gửi những người đồng tính nữ đã biểu tình tại London vào ngày hôm qua, tôi chỉ muốn nói rằng bạn không hề thay mặt cho tôi - một người đồng tính nữ! Các người truyền bá sự thù ghét còn tôi tôn vinh sự đa dạng!”.
Theo Huffington Post, TERFs là một tập thể được tổ chức khá lỏng lẻo đã xuất hiện từ những năm đầu của thập niên 1980 và vận hành chủ yếu dựa trên quan điểm chống người chuyển giới. Tự nhận mình là những nhà hoạt động nữ quyền cấp tiến, họ đã cố gắng phủ nhận sự tham gia của người chuyển giới nữ tới nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội từ y tế cho đến nhà vệ sinh hay bất kỳ không gian nào có liên quan đến phụ nữ.
Trong nhiều trường hợp, họ đã thành công.
Gloria Steinem (84 tuổi), một nhà hoạt động nữ quyền lâu năm và nổi tiếng, từng đồng ý với quan điểm của TERFs. Thế nhưng, bà đã thay đổi và ủng hộ hoàn toàn việc đưa phụ nữ chuyển giới vào phong trào nữ quyền. Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy.
Một số hình ảnh tại buổi diễu hành tự hào: