Các bậc cha mẹ nói gì về hôn nhân bình phong và chuyện công khai của cộng đồng LGBT?

Thục Nhi
Chia sẻ

Kịp có mặt tại buổi toạ đàm “Những câu chuyện sống thật” do Hội PFLAG Việt Nam, tổ chức Save The Children và Trung tâm ICS phối hợp thực hiện, SaoStar đã có được những phút giây trải nghiệm đáng nhớ.

PFLAG - Họ là ai?

PFLAG - Hội phụ huynh và người thân của cộng đồng, thường được gọi bằng tiếng “bố”, tiếng “mẹ” thân thương. Đúng như tên gọi, PFLAG ra đời với mục tiêu lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và tư vấn cho những người “con” thuộc cộng đồng LGBT đang phải đối mặt với những vấn đề mang tính chất quyết định cả đời. Các bố, các mẹ sẵn sàng ngồi lại tâm sự với các con từ những câu chuyện về công khai, chuyện học tập, chuyện cưới xin cho đến chuyện hàn gắn những mảnh vỡ trong gia đình. Món quà kì diệu mà PFLAG mang lại có lẽ không chỉ là tình yêu thương mà còn là tấm gương phản chiếu một phần hình ảnh và tâm lý của bậc làm cha làm mẹ ngoài kia.

Cộng đồng PFLAG Việt Nam

Hôn nhân bình phong

Y như cái tên của nó, hôn nhân bình phong được xây dựng dựa trên nền tảng của sự lừa dối. Đó là khi những bạn đồng tính nam tìm đến những bạn đồng tính nữ hoặc đau lòng hơn, là khi các bạn thuộc cộng đồng chối bỏ bản thân mình để kết hôn với người dị tính với mong muốn trút bỏ gánh nặng “thành gia lập thất” trên đôi vai nhỏ bé.

Nói đến gánh nặng, sức ép đối với việc kết hôn trong văn hóa Á Đông là cực kì lớn. Oái oăm thay, gốc rễ của vấn đề này lại bắt nguồn từ tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con. Mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, người cha người mẹ nào cũng mong con mình khỏe mạnh, giỏi giang, sự nghiệp vững chải, sinh con đẻ cái, gia đình ấm êm. Chính vì vậy, cha mẹ vô tình tạo nên tấm gương kì vọng vô hình cho con và một khi chuyện diễn ra ngoài dự đoán của họ, tấm gương ấy cũng vỡ tan tành.

Theo số liệu thống kê, ở Trung Quốc có đến 17 triệu phụ nữ có chồng là người đồng tính nam. Con số kinh khủng này chứng minh rằng hôn nhân bình phong không chỉ tồn tại ở đất nước hình chữ S.Theo PFLAG, ở Việt Nam, nhất là các địa phương, hôn nhân bình phong vẫn còn diễn ra khá nhiều. Chuyện PFLAG kể rằng: Ở một địa phương nọ, có một người thầy giáo tầm tuổi trung niên dù thuộc cộng đồng LGBT nhưng đã có vợ con. Điều đặc biệt ở gia đình này chính là căn phòng của họ. Người bố xây hẳn riêng một căn phòng trong nhà chỉ để đón tiếp người tình của ông và theo như được miêu tả, căn phòng ấy lúc nào cũng ấm áp tình cảm hơn tất cả căn phòng trong nhà cộng lại. Dù không có ý kiến gì nhưng có lẽ vợ con ông luôn mang một lỗ hổng trong tim, một lỗ hổng tồn tại lâu đến nỗi họ còn không buồn nhắc tới nữa.

Nói đi cũng phải nói lại, dù cuộc hôn nhân bình phong có như ý muốn hay không thì đó cũng là quyền quyết định của các bạn. Nhưng hãy nhớ lời mẹ Ly chia sẻ: “Hôn nhân không có tình yêu thì trước sau gì cũng tan vỡ. Mong rằng cộng đồng chúng ta trong tương lai, không phải nghe nhiều về những câu chuyện bình phong kia nữa.”

Mẹ Châu trong buổi toạ đàm

3. Chuyện công khai

Tuổi mười sáu mười bảy, tuổi của những trái tim hừng hực máu lửa, tuổi mà các bạn biết mình là ai và khao khát cho người khác biết bạn là ai. Chính vì vậy, đa số các bạn thuộc cộng đồng LGBT ở độ tuổi này thường nghĩ đến việc công khai bản thân, nhất là sau khi cảm nhận được không khí tự hào của mỗi mùa Việt Pride mang lại. Nhưng chuyện công khai chưa bao giờ là đơn giản.

Có bạn may mắn, vừa công khai đã được gia đình chấp nhận, đa số còn lại thì không được như vậy. Chuyện bị đánh đập, bạo hành, bị đuổi khỏi nhà sau khi công khai diễn ra nhiều đến mức quen thuộc. Chung quy lại là vì đa số các bạn chưa nghe qua những “mẹo công khai” mà tổ chức hay khuyên sử dụng.

Theo anh Thảo, công khai có 3 bước quan trọng: Đầu tiên bạn phải nắm rõ thông tin về bản thân, về ba mẹ. Bước tiếp theo, bạn tìm cho mình một đồng minh trong gia đình, người chấp nhận bạn và sẵn sàng bảo vệ bạn dù trong hoàn cảnh nào. Cuối cùng, từ người đồng minh đó, bạn dần dần thuyết phục mọi người trong gia đình.

Còn đối với anh Ted, muốn công khai, bạn phải có chiến lược rõ ràng cộng với khả năng tiên đoán rủi ro mà có thể bạn sẽ gặp phải. Nhưng quan trọng hơn hết, bạn phải học tập và làm việc thật tốt, để chính sự thành đạt đó trở thành sức mạnh cho việc công khai bản thân của bạn. Và trước khi làm gì cũng phải nghĩ cho ba mẹ nữa nhé!

Ngoài ra, mẹ Châu cũng góp ý kiến: “Các con không cần quá áp lực trong chuyện công khai, hãy để cho việc ấy diễn ra tự nhiên hết mức có thể. Hãy khẳng định bản thân, khẳng định rằng con đã trưởng thành, dần dần chuyện công khai sẽ không còn là áp lực quá lớn nữa.”

PFLAG lại một lần nữa khẳng định được đóng góp quan trọng của mình cho cộng đồng LGBT Việt Nam. Những người bố, người mẹ ấy đã, đang và sẽ luôn tận tâm đồng hành cùng cộng đồng lục sắc, các con sẽ không bao giờ phải cô đơn đâu!

Chia sẻ

Bài viết

Thục Nhi

Tin mới nhất