Trong phiên giao ngày 25/8, cổ phiếu VFS của Vinfast tiếp tục có phiên giao dịch bùng nổ. Theo đó, mã số cổ phiếu của Vinfast mở cửa phiên giao dịch cuối tuần với mức giá 55,20 USD/cổ phiếu, thậm chí có thời điểm trong phiên, VFS được giao dịch với mức giá lên tới 73,90 USD/cổ phiếu trước khi đóng cửa ở mức giá 68,77 USD/cổ phiếu, tương đương mức tăng 19,77 USD/cổ phiếu (tăng 40,35%) so với giá kết phiên liền trước.
Ngày 15/8, cổ phiếu VinFast chào sàn chứng khoán Mỹ ở mức hơn 37 USD/cp. Theo CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy, trước đó khi đi hỏi các ngân hàng đầu tư, hầu hết đều nói là cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10 USD/cp trong phiên đầu tiên.
Tuy nhiên, sau 2 tuần giao dịch, VFS đã tăng vọt lên gần gấp đôi mức giá chào sàn. Hãng xe ô tô điện VinFast đã lập kỷ lục vốn hóa mới với giá trị tính tới 25/8 là gần 160 tỷ USD.
Ở mức giá này, vốn hoá của VinFast cao gần gấp đôi ông lớn xe ô tô điện BYD nổi tiếng của Trung Quốc và bỏ xa hãng siêu xe Porsche danh tiếng của nước Đức.
Với việc thị giá VFS tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/8, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong danh sách tỷ phú USD thế giới theo thời gian thực của Forbes ghi nhận tăng thêm 14,7 tỷ USD. Với mức tăng này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có tổng tài sản đạt 55,8 tỷ USD, xếp thứ 23 trên thế giới, thứ 3 châu Á và số 1 Đông Nam Á, theo Forbes.
Trong nhiều phiên gần đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nằm vị trí số 1 trong danh sách những người kiếm được nhiều tiền nhất của Forbes (Today’s winners and losers).
Tại Việt Nam, ông Vượng tiếp tục bỏ xa các tỷ phú khác. Tính tới 25/8, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,1 tỷ USD. Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông Trần Đình Long có khối tài sản 2,2 tỷ USD. Ông Hồ Hùng Anh có 1,6 tỷ USD và ông Nguyễn Đăng Quang 1,2 tỷ USD.
Theo Forbes, tổng tài sản của 5 tỷ phú USD còn lại của Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, bằng khoảng 15% tài sản của ông Phạm Nhật Vượng.