Xuất phát điểm là cậu sinh viên theo học Commerce (chuyên ngành Marketing) tại Đại học RMIT, Huỳnh Vũ Tiến ở thời điểm hiện tại lại đang là “ông chủ trẻ” của một brand đồ uống dành cho giới trẻ. Tất nhiên, không thành công nào là trải sẵn hoa hồng, bản thân chàng trai này ngay từ khi startup đã vấp phải không ít phản ứng trái chiều với dự án khởi nghiệp mở tiệm cà phê đầu tiên; khi bạn bè và người thân ai nấy đều cật lực phản đối
Vũ Tiến ngoài công việc kinh doanh hiện tại thì anh còn là một chuyên gia đào tạo pha chế có tiếng với gu đậm trà rất riêng, mọi người thường ưu ái đặt cho anh biệt danh “phù thủy pha chế”. Mới đây nhất, Huỳnh Vũ Tiến còn nhận được lời mời tham gia Shark Tank mùa thứ 5 cùng với ý định phát triển thương hiệu mới hoàn toàn trên thị trường F&B
Tại sao trong số rất nhiều lĩnh vực có thể kinh doanh và hái ra tiền, tại sao anh lại chọn ngành FnB?
Lí do “thuần khiết” nhất có lẽ là do mình là một người rất nghiện ăn uống. Dân gian có câu “Ăn để sống”, nhưng đối với mình phải là “Sống để ăn” mới đúng (cười). Mình có sở thích thưởng thức các mỹ vị dân gian, cứ đồ ăn ngon, đồ uống ngon là mình thích. Thậm chí một bữa ăn ngon cũng có thể làm mình cực kì hạnh phúc và mình cứ đung đưa đầu như một đứa con nít.
Lí do tiếp theo là khi đã mở quán cà phê, việc được tiếp xúc, phục vụ những vị khách hàng khác nhau làm cho mình có những trải nghiệm khác nhau, nó như một xúc tác gây nghiện. Mặc dù không phải trải nghiệm nào cũng vui, buồn cũng có vì một vài yêu cầu của khách hàng khá “khó đỡ”, ví dụ như yêu cầu “Matcha Đá Xay Không Đá”.
Thêm nữa là vì mình cực kì thích nghiên cứu sản phẩm, cứ đi ăn hay đi uống chỗ nào ngon, có món mình thích, mình đều về nhà bỏ thời gian nghiên cứu cho ra hương vị yêu thích đó. Có lẽ đây là đam mê và cũng là điểm mạnh khá lớn mà ông trời đã ban tặng cho mình.
Một số người chọn công việc mình làm theo đam mê, theo sở thích. Số khác thì cho rằng làm gì cũng được miễn là kiếm được tiền một cách chân chính. Ở giai đoạn hiện tại, bạn đang làm việc kiếm tiền vì mục đích gì?
Nói ra điều này có vẻ hơi xấu hổ, nhưng hiện tại mình đang làm việc vì TIỀN. Đam mê thì ai cũng có cả, nhưng bạn nghĩ xem, nếu ai cũng có thể làm vì đam mê thì thế giới này có lẽ rất hạnh phúc rồi! Hiện thực lại cực kì phũ phàng, khi đam mê và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lại rất khác nhau.
Đối với những ai rất may mắn thì đam mê có thể giúp họ kiếm ra tiền, đây là ví dụ điển hình cho câu nói “Chọn được việc mình thích thì bạn không phải đi làm bất kì ngày nào mà vẫn có lương”.
Nhiều người đến thời điểm hiện tại vẫn còn khá tò mò về lý do tại sao thu nhập tiền tỷ như vậy, bạn vẫn phải tốn khá nhiều thời gian để mua được nhà cho mẹ?
Mình chỉ mới đạt mức thu nhập đó dạo gần đây thôi, mình mới bắt đầu làm việc có 2 năm mà, cũng phải có giai đoạn bắt đầu, ổn định, phát triển và bùng nổ chứ!
Với lại tiêu chuẩn của mình khi chọn nhà cũng khá cao, nhà phải ngay trung tâm Sài Gòn và diện tích không được quá nhỏ. Cũng may là hiện tại mình cũng tạm hoàn thành chỉ tiêu rồi, căn nhà ở gần Đầm Sen và có giá tầm 10 tỷ, mình vay ngân hàng 50% và sẽ cố gắng trả hết 50% còn lại trong vòng 1 năm.
Cách đây không lâu, câu nói "ở Việt Nam đi 3 bước cũng có cô bán cafe ngon" đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Đến bây giờ bạn có vẫn nghĩ phát ngôn đó đúng đắn hay không?
Nếu ai sành cà phê thì cũng thừa biết phát ngôn của mình là đúng, thậm chí câu nói này của mình cũng chỉ là “phỏng lại” các ý kiến của người Việt Nam khi chất lượng café của Việt Nam luôn được đánh giá cao.
Thời điểm đó, ai cũng nói các thương hiệu cà phê của nước ngoài như cà phê nước dão mà, bây giờ vẫn thế. Nên nếu để ý bạn sẽ thấy thương hiệu cà phê này chỉ bán cho đối tượng khách nước ngoài là chủ yếu, gu cà phê của người Việt lại thích đậm và sánh.
Từ lúc đặt chân vào ngành FnB đến nay, điều gì khiến bạn cảm thấy ngành này thực sự rất khó khăn và áp lực?
Nói thật là mình chưa bao giờ cảm thấy ngành này khó khăn hay áp lực, mình đã có chia sẻ từ trước là mở quán đối với mình rất nhàn. Nếu có khó khăn thì đó là giai đoạn tìm mặt bằng, rất khó để tìm được một mặt bằng ưng ý nếu vốn bạn không đủ nhiều.
Áp lực là khi một ly nước đưa đến tay khách hàng mà họ uống không hết, bỏ hơn nửa ly. Và cho dù bạn có đem ly đó vào quầy để nghiên cứu nhưng không biết sai do đâu, thì đó mới là áp lực thật sự, vì có khả năng cực kì cao bạn đã mất vị khách hàng đó rồi, và ai biết trong tương lai sai sót này sẽ xảy ra lần nữa. Rủi ro lớn nhất cho việc này là phá sản nếu bạn cứ xem nhẹ nó. Đối với mình, mọi hình thức trải nghiệm của Khách Hàng đều cực kì quan trọng
Xuyên suốt hành trình khởi nghiệp của mình, bạn cảm thấy đi 1 mình tốt hơn hay có đồng đội tốt hơn?
Dĩ nhiên là đi một mình rồi, mình sẽ tự hoạch định, lên kế hoạch, nghiên cứu sản phẩm, marketing… tất cả mọi thứ. Việc hợp tác với người khác dù có phân chia rõ ràng cũng rất dễ đem lại đổ vỡ nếu như trong trường hợp quán hoạt động không có lợi nhuận, khi đó các cuộc cãi vã sẽ xảy ra và việc hợp tác có thể tan rã.
Tại sao ở thời điểm thị trường cảm giác như đang bão hoà như vậy, anh lại muốn khai sinh thương hiệu mới?
Đây là vấn đề, nếu mọi người thấy thị trường đang bão hoà mà mình lại thấy nó là cơ hội. Cơ hội vì các quán và cả thương hiệu lớn hiện tại chỉ chăm chút tập trung vào ngoại hình của quán, làm sao cho quán nhìn đẹp nhất, để thu hút một lượng lớn khách hàng đến check in… Trong khi sản phẩm lại dở tệ. Một thị trường như vậy được xem là một cơ hội rất lớn để thương hiệu mới của mình được khai sinh.
Bạn nhận định xu hướng của thị trường FnB sắp tới, đặc biệt là ngành nước uống sẽ có biến động gì?
Mình nhận định thời điểm sắp tới sẽ có nhiều thương hiệu từ bỏ cuộc chơi, những thương hiệu mới nổi lên và cứ tiếp diễn vòng luẩn quẩn đó vì sức cạnh tranh của ngành F&B tại Việt Nam quá cao, thậm chí là tàn khốc. Chỉ có những thương hiệu có giá trị cốt lõi mới có thể tồn tại bền vững trên thị trường.
Được biết vừa rồi bạn có nhận lời mời tham dự Shark Tank, không biết hành trình sắp tới của bạn sẽ như thế nào?
Điều này cho mình giữ bí mật nha! kkk
Cảm ơn Vũ Tiến vì cuộc trò chuyện này!