Thông qua The Voice - một chương trình rất tốt để khán giả nhìn thấy và theo dõi mình mỗi tuần, tôi bước qua một lĩnh vực khác và bắt đầu nhận được những sự công nhận, thì dẫn đến sự hoài nghi một lần nữa: Mình có phù hợp để đi với nó đường dài hay không? Mình phải trăn trở, có thêm nhiều sức mạnh nhưng cũng có thêm sự yếu đuối. Điều lớn nhất mà The Voice thay đổi tôi, đó chính là sự dũng cảm.
Năng khiếu giống như một “nguồn tài nguyên” gọi là thiên bẩm, thì nó sẽ có hạn. Có thể đủ để giúp họ chiến thắng một cuộc thi, nhưng để đi đường dài thì phải trau dồi, học thêm và cọ xát rất nhiều để phát triển. Không “trầy trật” như những thí sinh khác, tôi cho rằng: Có những thất bại chỉ mình Tường biết, và chẳng có con đường nào mà vì may mắn mà được. May mắn chỉ là bước cuối cùng, còn hành trình đến được vòng chung kết là nhờ tài năng, dám khao khát và chấp nhận thử thách đến cùng.
Vòng an toàn lớn nhất của mình là văn hóa. Ba của Tường là người quan niệm nhờ có học giỏi mà thoát nghèo, tới Tường thì đã đỡ vất vả, nhưng Tường vẫn nghĩ âm nhạc chỉ là một đam mê, chứ không thể nào là con đường mình sẽ chọn, bởi vì nó thiếu vững bền. Hơn nữa, trong đầu mình lúc đó thì cái gì liên quan đến nổi tiếng hay âm nhạc thì đều rất xa xỉ, cần rất nhiều tiền mới có thể đạt được.
Văn hóa ảnh hưởng lớn trong chuyện mình làm nghề. Một người lựa chọn bôn ba ngoài cuộc sống và không trường lớp nhiều thì kêu gì họ cũng làm. Nhưng với một người có nền tảng, thì khi một chuyện gì xảy ra, Tường sẽ xem xét nó có phù hợp hay không, với quan điểm, lòng tự trọng của mình và những giá trị mình đang theo đuổi. Vấn đề không phải cái gì tốt hay xấu, mà là mình lựa chọn cái gì. Có những điều là cơ hội ngàn vàng với người khác, nhưng nếu không phù hợp với quan điểm của mình thì cho mình tiền mình cũng không làm. Tử tế thì đi được đường dài.
2012, Tường bắt đầu học sáng tác thì đó cũng là lần Tường bước ra khỏi vòng an toàn của mình, để làm một điều gì đó khác những bản cover, bắt đầu có những bước nghiêm túc. Rồi được lên đàn cho người khác hát tại The Voice mùa đầu tiên - đây cũng là một bước nữa mình đi ra khỏi vòng an toàn. Rồi từ từ, mình càng bước xa hơn. 2013 là một cột mốc, mình chấp nhận một bước nhảy lớn - thay đổi toàn bộ cuộc sống mình.
Thanh nhạc là thứ không phải qua rất nhiều người thầy dạy là mình hiểu hay vỡ ra được liền. Tường học không đều đặn, bất chợt vì Tường thấy mình không hiểu hoặc khác quan điểm với thầy cô. Sự tự tìm tòi là yếu tố quan trọng để ngày càng hát tốt hơn. Sau này đi làm chuyên nghiệp rồi thì những điều thầy cô dạy mình mới kết nối lại được, kiến thức về thanh nhạc tự vỡ ra trong đầu mình một cách nhẹ nhàng, Tường mới làm được, hát được như những gì được dạy trước đó.
Cảm xúc và tư duy quyết định sự thành công trong thể hiện một ca khúc. Không thiếu những người hát hay hoặc kỹ thuật đỉnh của đỉnh, nhưng khác nhau là cái cách họ nhìn cuộc sống này và cách họ truyền tải cảm xúc. Cùng cũng nốt nhạc đó, tại sao người này hát âm thanh sẽ phát ra khác và làm người ta rung động, mà người kia hát thì không cảm xúc gì. Kỹ thuật thanh nhạc giống như con thuyền, là điều căn bản phải có chứ không phải là cái quyết định.
Đi một mình và ngược đám đông thì không tránh khỏi cảm giác hoài nghi chính mình, nhưng cái neo đậu Tường lại là sự tự trấn an và nhìn vào những gì mình có, thay vì những thứ chưa có - Bởi vì cái đó chỉ làm cho mình tự áp lực thêm những điều chưa xảy ra. Càng đi xa và đi lên những bậc cao hơn thì cần những người đồng hành tin vào Tường và con đường Tường đã chọn, chứ mình không thể mãi mãi một mình được. Những lúc mình ngã, sẽ có người giúp mình đứng lên và giữ vững lòng tin. Trong sáng tạo, Tường không cô đơn, mà là một mình. Tường thấy mình đủ đầy bởi tình thương của mọi người.
Hồi còn trẻ, mình cũng từng có những suy nghĩ mình làm nhạc cho bản thân thôi, chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm sao để đến tai khán giả. Sau này đi một mình đủ lâu và hiểu được những khó khăn, vất vả thì mình biết không ai đứng trên đỉnh thành công một mình được. Tài năng của mình chỉ là điều gì đó rất bé nhỏ trong thế giới đầy tương tác này. Có thể quan điểm và suy nghĩ của mình khác, nhưng không có nghĩa mình là tốt nhất, giỏi nhất.
Âm nhạc chỉ có thích hay không mà thôi. Chuyện nhận định là của khán giả thì cũng tốt, vì họ biết là “món ăn” nào là tốt, “món” nào họ không thích, vậy thì khán giả sẽ là người định hướng.
Không phải là mấy chục triệu view trên youtube hay nhạc ra thì luôn đứng đầu các bảng xếp hạng, KPI trong âm nhạc của Tường là “Làm sao để cá tính âm nhạc của mình cân bằng được với thị hiếu người nghe?”, là điều mà Tường luôn trăn trở, nhưng phải luôn sáng tạo và tiến tới, chứ không lặp lại. Tường thích tạo ra xu hướng, chứ không thích chạy theo.
2018, tôi muốn phá bỏ mọi giới hạn. Mình bớt nghĩ lại và cân đo thiệt hơn, vì Tường thấy thế giới mình đang sống, có quá nhiều người nhìn nhận mọi thứ tiêu cực. Tường muốn thả lỏng và tự do, không phải làm cái này để được cái kia, nghĩa là sống bớt “chiến lược” hơn, hướng đến những giá trị lâu bền, vững vàng. Âm nhạc thì vẫn sẽ là unisex, không bị ràng buộc bởi không gian và thời gian.
Thành công với Tường ba năm trước là được nổi tiếng, kiếm được việc làm lương cao, có một cuộc sống tự lập. Nhưng ở thời điểm này, định nghĩa thành công là sự bình yên, tỉnh táo và viết được những bài hát thật sáng tạo. Trước đây, thất bại là không có việc gì làm, điểm kém, nhưng bây giờ là hòa vào đám đông để nói những điều mà mình không tường tận, hay là làm buồn lòng ai đó vị trí thấp hơn mình.
Hạnh phúc với Tường là con đường: Hôm nay mình có cái gì thì nhìn vào đó mà vui, không nhìn vào những thứ chưa có vì như thế sẽ không thể nào bình yên và thấy đủ. Thành công bây giờ không phải là trở thành trung tâm, mà là mình cho đi được gì.