Theo như giải thích của Thành ngữ - Ca dao - Tục ngữ thì câu “Vác tù và hàng tổng” có nghĩa như sau:
“Ngày trước ở nông thôn, tổng là đơn vị hành chính cấp cơ sở (theo cách nói bây giờ) bao gồm một số xã, nhiều tổng mới hợp thành một phủ (tương đương huyện bây giờ). Trong tổng, to nhất là chánh tổng rồi đến lý trưởng các làng xã và bé nhất là anh mõ làng, tức là người đàn ông cùng đinh, không có tấc đất cắm dùi, chuyên đi làm thuê và kiếm nghề làm mõ. Hễ có việc gì của làng: ma chay, đình đám, cưới xin thuế má thì anh mõ có trách nhiệm phải đi gõ mõ báo tin cho cả làng, cả xã biết. Anh mõ phải làm nhiệm vụ ấy như một nghĩa vụ với làng mà không được trả công, không được hưởng một quyền lợi gì cả.
Ngoài một công cụ thông tin là cái mõ, ngày xưa còn cái tù và tức là vỏ một con ốc biển hoặc một cái sừng trâu thông hai đầu dùng hơi thổi để báo tin tức, việc làng. Việc dùng tù và đi thổi khắp làng, khắp tổng mà chẳng được hưởng lợi lộc gì chính là cơ sở để xuất hiện thành ngữ Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Thành ngữ trên thường được dùng trong tiếng Việt để nói cái ý những người làm việc công, và không được hưởng tí quyền lợi gì. Dần dà, thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng được mở rộng ý nghĩa ra. Tất cả những việc làm tốn công, vô ích vì không mang lại được hiệu quả gì đều có thể được ví bằng thành ngữ này.”
Đây là trong xã hội làng quê xa xưa, người ta nghĩ vậy và có ý coi thường người vác tù và hàng tổng như một người vô công rỗi nghề. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện nay, khi mà mọi thứ đong đếm bằng lợi ích, bằng quyền lợi thì có mấy ai vơ vào mình những công việc thuộc về “không công không lợi” như vậy!
Hẳn nhiên là chẳng mấy ai rồi! Phương Thanh thuộc số ít trong đó. Nếu có nói hàng hiếm hoặc độc nhất chắc cũng không sai! Và việc “vác tù và” của Phương Thanh, thực sự đáng được trân trọng, bởi những việc chị làm, hoàn toàn bằng cái tâm để giúp đỡ những người bạn khi họ gặp hoạn nạn.
Kể sơ sơ thôi thì cũng thấy người phụ nữ này đã “bươn chải” biết bao lần vì những chuyện không phải của mình. Từ chuyện Siu Black phá sản cho tới thành lập đội bóng nghệ sĩ làm từ thiện giúp Duy Nhân và giờ là chăm sóc người bạn Minh Thuận những ngày “chỉ mành treo chuông”.
Tất nhiên, không phải chuyện nào cũng mang lại cho “Chanh” những kết quả tốt đẹp. Sự vụ Siu Black là một ví dụ tiêu biểu. Những ngày đó, người viết có gặp Phương Thanh trong một tiệm ăn ở khu phố Tây. Cuộc gặp liên tiếp gián đoạn vì những cuộc điện thoại đến từ những chủ nợ của Siu Black. Thực tâm mà nói, vẫn mong rằng trong số những cuộc gọi được nhấc máy liên tục dù số lạ gọi đến, người viết vẫn mong ít nhất cũng là vài cuộc gọi để quyên góp tiền hoặc…gọi show đi hát. Nhưng tuyệt nhiên không thấy, chỉ toàn hẹn gặp và…thu tiền nợ của Siu Black. Chanh nói giọng nhỏ nhẹ rằng sẽ chia thanh toán nhiều đợt. Tuy nhiên nhiều lý do khách quan đến với chị, thậm chí ngay chính những phát ngôn của Siu Black đã làm tổn thương Chanh, nên mọi chuyện đã dừng lại. Thật tiếc cho Siu, vì không mấy ai trong showbiz này thật lòng, thật tâm và nhiệt tình như Chanh.
Mấy ngày qua, thông tin về tình trạng sức khoẻ của nam ca sĩ - diễn viên Minh Thuận yếu đi - tỉnh lại đều được các nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp, nhà báo cập nhật thông qua…Phương Thanh. Chỉ mới hôm qua thôi, người viết còn thấy hình ảnh Phương Thanh tất tưởi bắt xe ôm để chạy vào viện thăm bạn. Cũng chỉ mới hôm qua thôi còn nghe một người bạn nói rằng Chanh mới chát báo anh Thuận khoẻ lên.
Những việc đó, ai trả lương cho Phương Thanh? Không, tuyệt nhiên không ai. Có lợi gì cho Phương Thanh? Cũng lại không luôn bởi nếu khắc nghiệt mà nói với nhau thì thời gian rảnh đó chắc chắn Chanh sẽ làm được nhiều việc khác. Nhưng, bạn cần thì mình tới, ở lại, động viên, hỏi han và giúp bạn vượt qua khó khăn. Phương Thanh lấy đó làm điều may mắn của đời mình bởi bạn bè là gia tài vô giá mà cô may mắn có được.
Sẽ có người ác ý, ác mồm nói rằng “vì cô ta hết thời, không còn show nhiều, rảnh quá nên làm mấy việc đó để thể hiện mình có tâm từ thiện, hết lòng hết sức, bấu víu danh tiếng và hòng leo lên mặt báo”. Nói với Phương Thanh về chuyện này để rồi chúng tôi cùng cười với nhau. Cười vì hình ảnh Phương Thanh thảm hại đến mức không ngờ, dẫu có là diễn viên thì cũng không tin có biên kịch….giỏi đến vậy. Cười vì tội nghiệp cho người có ý nghĩ đó bởi sự hạn hẹp về ý thức, về tình người, về niềm tin giữa con người và con người đến mức đáng thương hại. Nếu cứ sống theo phương châm “hồn ai nấy giữ, thân ai nấy lo, phúc ai nấy hưởng, phận ai nấy sống” thì bảo sao những câu nói như “Làm gì có tình người trong showbiz” ngày càng được vin vào như một “kim chỉ Nam” để sống và để…phán xét.
Việc làm của Phương Thanh nếu không thực sự vì đó là điều cô muốn làm thì chẳng ai ép được. Hãy cứ nghĩ đơn giản như vậy đi! Và cũng chẳng phải chúng ta vẫn thường đôi lần ngồi nghêu ngao hát cho nhau nghe: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng đó sao?
Thật may, showbiz Việt còn một NGƯỜI như Phương Thanh!