Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

NSƯT Trung Anh: 'Mặt tôi có nét khắc khổ nên người ta ít mời đóng quảng cáo'

Dù tạo được chú ý với vai Lương Bổng trong phim "Người phán xử" nhưng NSƯT Trung Anh lại không nhiều hợp đồng quảng cáo được như NSND Hoàng Dũng hay Việt Anh.

Tập cuối cùng của Người phán xử sẽ được phát sóng vào lúc 21h ngày 31/8. Trải qua 47 tập, bộ phim tạo được làn gió mới - món ăn hấp dẫn cho khán giả truyền hình sau nhiều năm im ắng. Bên cạnh kịch bản hay, cảnh quay đẹp thì không thể không thừa nhận sức hút của dàn diễn viên đã đẩy bộ phim hấp dẫn hơn bao giờ hết với những cái tên quen thuộc như NSND Hoàng Dũng (vai Phan Quân), Việt Anh (Phan Hải), Hồng Đăng (Lê Thành), NSƯT Trung Anh (Lương Bổng)…

Dĩ nhiên đi kèm với đó, các diễn viên nhận được nhiều hợp đồng quảng cáo. NSND Hoàng Dũng, Việt Anh hay Hồng Đăng tất bật với các sự kiện, quay quảng cáo… ngay cả diễn viên phụ Thanh Bi (vai Vân Điệp - bồ của Phan Hải) cũng “thu về” khoảng vài tỷ đồng quảng cáo. Song không phải ai cũng dày đặc hợp đồng quảng cáo, chạy event và trong số đó có NSƯT Trung Anh.

Clip: NSƯT Trung Anh trải lòng về hợp đồng quảng cáo sau phim Người phán xử

Hẹn gặp NSƯT Trung Anh vào một chiều cuối tháng 8 ở Hà Nội khi bộ phim Người phán xử đi đến tập cuối cùng. Vẫn là nét hiền hậu quen thuộc trên phim, NSƯT vui vẻ trò chuyện cùng phóng viên Saostar.vn về phim, sự nghiệp và cuộc sống. Chú nói mình vừa gặp tại nạn xe máy cách đây chừng nửa tháng, tay phải bó bột nhưng vẫn ngày ngày chạy xe hơn 10km đi làm ở Nhà hát Kịch Việt Nam.

Dù tạo được chú ý với vai Lương Bổng - người anh em thân cận bên ông trùm Phan Quân nhưng NSƯT Trung Anh lại không nhiều hợp đồng. Chú kể sau Người phán xử phát sóng cũng nhận được một vài lời mời nhưng để so sánh với các diễn viên khác thì không đáng là bao nhiêu. Bởi NSƯT Trung Anh biết gương mặt mình luôn mang nhiều nét khắc khổ, không hợp với các thương hiệu nên người ta thường tránh mời tham gia quảng cáo.

Hơn 30 năm công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam, tham gia không biết bao nhiêu bộ phim truyền hình lớn nhỏ nhưng NSƯT Trung Anh vẫn đau đáu chuyện lo kinh tế cho gia đình bởi “đóng phim cả năm trời chẳng bằng cát-sê 1-2 show event của người ta”. Chưa kể, giữa bối cảnh hiện nay, khán giả đến với sân khấu kịch ngày một ít hơn thậm chí, không có dấu hiệu quay trở lại.

“Mặt tôi có nét khắc khổ nên người ta ít mời đóng quảng cáo”

- Bộ phim “Người phán xử” đã đi đến tập cuối cùng, cảm xúc của NSƯT Trung Anh lúc này ra sao?

- Cũng giống như nhiều bộ phim khác, lúc Người phán xử bắt đầu phát sóng tôi không để ý nhiều vì buổi tối khá bận rộn với công việc. Phải đến khi phim phát được 4-5 tập được khán giả chú ý thì cũng là lúc tôi rảnh ở nhà ngồi xem và theo dõi rất chăm chú. Sau đó, tất cả những hôm nào phim chiếu tôi đều ngồi xem và thấy phim có sức hút.

Cùng với Người phán xử, khi ấy có phim Sống chung với mẹ chồng cũng nhận được hiệu ứng từ khán giả tốt. Nhiều người nói rằng giá như phim Việt Nam giờ có nhiều phim tốt như Người phán xử hay Sống chung với mẹ chồng thì sẽ kéo được khán giả quay trở lại với phim truyền hình. Tôi thấy đó là tín hiệu rất mừng.

Ngay cả Facebook cá nhân của tôi cùng các diễn viên trong phim cũng nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Sau đó, tôi và anh Hoàng Dũng nảy ra ý định trao đuổi trực tiếp với khán giả, những hôm rảnh trước giờ phim hoặc sau khi phim chiếu sẽ livestream trò chuyện cùng mọi người.

Đến bây giờ gần hết chặng đường rồi, chỉ còn nốt tuần này là phim hết, không chỉ riêng tôi mà nhiều khán giả nói thấy tiếc, không biết những phim sau liệu có cho người ta cảm giác háo hức chờ đợi như vậy nữa không. Bản thân tôi cũng thấy có chút tiếc nuối, dù lúc chiếu chỉ mong mong hết để xem tập tiếp theo.

- Công việc bận rộn, ở độ tuổi như NSND Hoàng Dũng hay NSƯT Trung Anh vẫn sử dụng Facebook - mạng xã hội giao lưu với khán giả khiến nhiều người khá bất ngờ?

- Theo tôi, mạng xã hội không dành riêng cho ai cả, không có gì để phân biệt ai dùng ai không, chỉ có điều các bạn trẻ bây giờ giỏi về công nghệ tốt hơn. Cách đây mấy năm, con tôi có lập cho tôi một tài khoản Facebook, thi thoảng tôi cũng có vào xem. Nhiều lúc tôi còn không biết phải viết hay chia sẻ một cái gì ở chỗ nào.

Thời điểm phim Người phán xử “hot”, Facebook tôi bắt đầu được mọi người quan tâm, các bạn vào bình luận và hỏi thăm về phim. Có nhiều câu hỏi ngay từ tập đầu đến bây giờ họ vẫn hỏi “Lê Thành là con ai?” - câu hỏi muôn thuở mà chúng tôi không thể trả lời được, tôi những chia sẻ của cá nhân từng người với Người phán xử nói riêng, phim truyền hình nói chung.

- Sau “Người phán xử”, NSND Hoàng Dũng hay Việt Anh và các diễn viên trong phim nhận được rất nhiều hợp đồng quảng cáo, có người lên đến hàng tỷ đồng? Còn NSƯT Trung Anh sẽ rơi vào con số bao nhiêu?

- Quảng cáo cũng có nhưng không phải là nhiều. Có thể so với anh Dũng với Việt Anh thì đó chỉ là một số ít thôi.

- Vai diễn Lương Bổng của NSƯT Trung Anh cũng được đông đảo khán giả yêu thích, đánh giá cao, không thua kém gì so với dàn diễn viên “Người phán xử”. Không biết lý do gì mà lại ít hợp đồng quảng cáo hơn?

- Thật ra việc quay quảng cáo có nhiều loại, cái việc quảng cáo còn là gương mặt nhiều khi phải phù hợp. Bản thân tôi cũng biết mình không phải gương mặt để quảng cáo tốt để người ta gửi gắm thương hiệu vào đó nhiều. Trông tôi vẫn có nét gì đó khắc khổ, có lẽ vì thế bên quảng cáo họ tránh mời, dẫn đến số lượng quảng cáo cũng hạn chế.

Không thể đi phẫu thuật thẩm mỹ cho đẹp để đóng nhiều phim hơn…

- Gương mặt chú phảng phất những nỗi buồn, phải chăng đó là sự lựa chọn an toàn của các đạo diễn với vai diễn khắc khổ?

- Có thể các đạo diễn nghĩ gương mặt tôi phù hợp với những kiểu hiền lành, buồn như vậy nên họ cứ mời cho đúng với nhân vật ấy và nhiều khi đó cũng là để có sự an toàn.

Mọi người cứ bảo sao tôi đóng mãi một loại nhân vật, thật sự tôi cũng biết nhưng để thay đổi rất khó, phải có chất liệu thì mới có thể làm được, chứ không thể người viết thế này mà mình đổi 180 độ đóng khác được.

- Cá nhân NSƯT Trung Anh nghĩ sao khi thấy lớp nghệ sĩ trẻ ngày một phát triển, làm hình ảnh mạnh mẽ - bài bản hơn?

- Bao giờ cũng phải có lớp trẻ, các cô chú anh chị đi trước từng gọi chúng tôi là lớp trẻ. Còn bây giờ chúng tôi đã là lớp nghệ sĩ già. Trong phim bao giờ cũng có thế hệ này thế hệ khác của các nhân vật. Một trong những yếu tố để làm hấp dẫn phim là diễn viên phải trẻ - đẹp. Ngay cả kịch bản, người ta viết cũng phải hướng tới cái đó nhiều hơn. Vì tầng lớp nào xem phim nhiều nhất, đương nhiên trên phim những nhân vật trẻ đẹp lớn hơn. Đó là điều tất yếu.

Còn đối với các bạn trẻ, tôi nghĩ mình chả có vấn đề gì để khuyên họ phải thế này thế khác, họ có con đường đi của họ. Có thể mỗi người đi một cách, một hướng khác nhau nhưng sau cùng vẫn đi về một cách đích nghệ thuật.

Lớp trẻ có thể làm PR cho hình ảnh của họ đẹp hơn. Ví dụ giờ mà bảo chúng tôi đi phẫu thuật thẩm mỹ cho đẹp để đóng nhiều phim hơn thì chắc chắn là không rồi, nhưng các bạn trẻ lại sẵn sàng làm, tôi nghĩ đó là điều tốt. Họ biết chăm chút cho bản thân.

- Dành cả đời cống hiến cho nghệ thuật, lặng lẽ đóng các vai diễn từ phim truyền hình đến sân khấu kịch, dường như lớp nghệ sĩ như NSƯT Trung Anh không mặn mà nhiều với sự nổi tiếng?

- Nếu bảo không cần sự nổi tiếng thì không đúng, ai làm nghề này cũng đều mong mình nổi tiếng. Có thể không phải mục đích tối cao mình nhắm đến nhưng việc khán giả chấp nhận cũng tạm gọi là một phần thành công trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Nếu mình đóng nhiều phim mà khán giả họ chê không thì đó cũng là một phần thất bại của mình.

Trên con đường đi của mình nổi tiếng hay không, hoàn toàn nằm ở việc bạn có theo đuổi nghệ thuật nghiêm túc hay không và phải luôn lấy nghệ thuật chân chính theo đuổi là chính, đấy là mục đích cao nhất.

- Dường như thu nhập của người nghệ sĩ chân chính ít hơn rất nhiều so với những người trẻ “bất chấp” nổi tiếng?

- Các bạn trẻ có thể làm PR cho bản thân bằng nhiều cách, nhưng có những cách chúng tôi hay khán giả thật khó chấp nhận như dùng thân xác, khoe những ảnh nhạy cảm rồi đưa ra scandal. Đó không phải những cái nên làm để đạt được mục đích.

Nhưng dù sao thì đấy là việc của các bạn, chúng tôi chỉ biết đi theo con đường của mình. Có lẽ, thế hệ chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bao cấp thời xa xưa nên có thể hơi giữ mình, kín tiếng.

Nói gì thì nói, tôi không phản đối việc các bạn trẻ bây giờ tự làm PR mình, làm hình ảnh tốt mặc dù có thể bọn tôi không làm được như vậy.

Bởi bạn thấy đó, nhiều khi chúng tôi đóng phim cả năm trời vất vả, lăn lộn trên phim trường rồi diễn các sân khấu kịch cũng chẳng bằng 1-2 show event của người ta.

- Dường khán giả đến với sân khấu kịch ngày một ít đi, người ta không còn mặn mà với môn nghệ thuật vốn quen thuộc này?

- Không phải ngày một ít đi đâu mà ít lắm rồi. Đây là điều nhức nhối đối với nghệ sĩ ngoài Bắc chúng tôi. Đa phần các diễn viên ở miền Bắc đều thuộc 1 trong 5 nhà hát ở Hà Nội như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Quân đội, Đoàn kịch Công An, Nhà hát chèo,… Nếu chỉ để làm sân khấu mà sống thì chúng tôi thực sự vất vả.

Hiện nay có nhiều hình thức biểu diễn, nếu thực chất nhất đối với sân khấu là khi chúng ta phải có rạp diễn thường niên, tuần đều tận 3-4 buổi diễn, khán giả người ta đến và biết được địa điểm của nhà hát, hôm nay - ngày mai diễn gì. Còn bây giờ, phần lớn đi các tỉnh diễn, bán vé trước cho các hội - ban ngành. Có những lần bán vé trước cả tháng, chúng tôi đến diễn người dân quên mất cả vé, xong chỉ diễn cho khoảng 30-40 người xem. Nó là thảm cảnh! Mỗi lần chúng tôi đều diễn buồn lắm!

Thú thật, tôi thấy sân khấu nhiều năm nay không có dấu hiệu khán giả quay trở lại. Nhưng những người làm sân khấu lại không có đối sách gì để cải tạo vấn đề này.

- Nhìn đi nhìn lại, đời nghệ sĩ sân khấu kịch buồn quá phải không chú?

Sân khấu có vẻ buồn nhưng tôi lại thích sân khấu hơn làm phim. Có điều, trong bối cảnh hiện nay chúng ta vẫn phải sống, làm việc và đóng phim. Gọi là phải làm phim cũng không đúng bởi đó là niềm vui của người diễn viên như chúng tôi.

Còn để nói tôi có đủ lo kinh tế gia đình hay không thì khó lắm. Giờ biết như thế nào là đủ, nhu cầu người ta vô cùng lắm, khi có 1 lại muốn có 2, có 2 rồi lại muốn có 4… Khả năng của tôi chỉ gọi là đỡ được phần nào cho gia đình.

- Cảm ơn NSƯT Trung Anh, chúc chú mạnh khỏe và thành công!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hương Ngân

Được quan tâm

Tin mới nhất