Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau...'
Logo Saostar - Special special

Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau...'

“Một ngày con lớn một ngày con khôn một ngày con phải đi xa mẹ.

Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng,

biển rộng trời cao con vẫy vùng…”

Đó là những ca từ quen thuộc trong bài hát Nhật ký của mẹ, một trong những sáng tác làm nên tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Từ một người vô tư dẫn đến vô tâm, sau giấc mơ mất mẹ 17 năm trước, Nguyễn Văn Chung thay đổi. Đây cũng là bước ngoặc để anh viết nên Nhật ký của mẹ - bài hát làm lay động trái tim hàng triệu khán giả, độ lan tỏa không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế. 

41 năm cuộc đời – 2024 có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khi đây sẽ là năm đầu tiên, anh cài trên ngực hoa hồng nhạt – sau biến cố mẹ qua đời hồi tháng 6 vừa qua. Là nhân vật tạo nên nguồn cảm hứng cho series “Bông hồng cài áo”, xuyên suốt 1 giờ đồng hồ trò chuyện với SAOstar, Nguyễn Văn Chung nhiều lần mắt đỏ hoe, cố kiềm những giọt lệ khi kể về đấng sinh thành. 

Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh để lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau' Ảnh 1

Với biến cố vừa như mới xảy ra, để chấp nhận cài lên ngực một bồng hồng nhạt, Nguyễn Văn Chung vẫn chưa thể trở lại được bình thường?

Tôi phải thành thật rằng việc mẹ qua đời đã đẻ lại trong tôi nỗi buồn vô hạn. Hầu như những việc mà tôi đang làm bây giờ có hai lý do, một là tôi đã nhận từ trước đó, hai là vì mẹ muốn tôi làm, kéo tôi ra khỏi những nỗi buồn.

Tôi thường xuyên theo dõi trang cá nhân của anh Nguyễn Văn Chung, và tình cờ biết rằng bài hát "Nhật kí của mẹ" - tạo nên tên tuổi của anh, lại bắt nguồn từ một giấc mơ cách đây 17 năm. Có lẽ tình mẫu tử của 2 mẹ con anh là một điều gì đó rất thiêng liêng?

Thời gian trải qua ngưỡng cảm xúc buồn vô tận, tôi mới hiểu được cảm giác của một người con mất mẹ nó đau đớn đến thế nào! Khi mẹ qua đời, tôi hầu như rất bình tĩnh để giải quyết hết mọi việc hậu sự cho mẹ, rất là trơn tru, nhẹ nhàng, đơn giản nhất có thể. Nhưng mà tôi lại quên chuẩn bị cho sự trống rỗng ở đằng sau đó…

Điều trống rỗng ở đằng sau đó là gì?

Mẹ tôi là tuýp người không muốn ai nói về mình, biết nhiều về mình, nhất là những điều không hay như bệnh tật. Trong suốt quãng thời gian mẹ bệnh, hầu như tôi hạn chế nói, hầu như không đăng tải bất cứ câu chuyện gì về mẹ mà chỉ lẳng lặng bên cạnh thôi. Và tôi cũng không biết rằng, sau khi mất mẹ, mình viết nhiều về mẹ như thế thì có làm bà hài lòng không? Tôi chỉ viết để thoả tình cảm dành cho mẹ, những suy nghĩ, những điều mà tôi muốn nói ra từ rất lâu rồi nhưng không nói được.

Nếu bạn theo dõi Facebook của tôi thì có thể biết, từ biến cố hai năm trước thì mẹ đã bệnh rất nặng. Thời điểm đó, hai em của tôi đã từ nước ngoài về để chuẩn bị hết mọi thứ cho mẹ. Nhưng mẹ may mắn khoẻ lại một cách thần kỳ. Lúc đó thì tôi có đăng tấm ảnh chụp cùng mẹ ở bệnh viện, duy nhất một lần ấy. Từ đó về sau, không bao giờ tôi nhắc đến bệnh của mẹ, dù cho sau đó bệnh của mẹ vẫn âm ỉ và tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng mẹ trong việc chữa trị. Cho nên dạo gần đây, những người bạn của mẹ hay họ hàng xa của gia đình đều bất ngờ trước sự ra đi của mẹ. Ai cũng nói: “Sao trống vắng, sao đột ngột quá!”. Nhưng bản thân tôi biết nó không đột ngột. Bởi lẽ tôi, các em và ba đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho ngày hôm nay từ 2 năm về trước...

Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh để lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau' Ảnh 2

Bài hát Nhật ký của mẹ lấy cảm hứng từ chính người mẹ của anh. Và tôi nghĩ, cả trong sự sống hay cái chết, bà vẫn dành cho anh nhiều sự lo toan?

Đúng là như vậy! Nếu không có giấc mơ về mẹ cách đây 17 năm thì tôi có lẽ chỉ là một nhạc sĩ viết nhạc tình yêu bình thường mà thôi. Người ta có thể đánh giá là một nhạc sĩ viết nhạc thị trường như nhiều người khác. Nhưng vì giấc mơ ấy đã giúp tôi thức tỉnh, biết trân trọng và yêu thương đấng sinh thành hơn. 

Mỗi ngày tôi đều về ăn cơm với mẹ, tôi không muốn cãi mẹ mặc dù trước đó, tôi và mẹ rất hay cãi nhau, kiểu khi đó là con trai nên tôi bướng, mẹ không vừa lòng là cằn nhằn. Nhưng từ giấc mơ 17 năm trước về sau, tôi thay đổi, không như thế nữa. Mẹ cứ cằn nhắn, nếu sai mình sửa, còn nếu thấy đúng thì vẫn lẳng lặng mà làm. Có lẽ danh tiếng, thu nhập mà tôi đang có bây giờ cũng đều là nhờ sự thức tỉnh từ mẹ.

Tôi cảm giác đó chính là món quà vô giá mà bà đã chuẩn bị từ trước cho anh cũng như các con của mình? 

Đúng! 

Tất cả những chia sẻ trong bài hát là điều mẹ luôn dạy tôi mỗi ngày. Mẹ ảnh hưởng đến tôi từ tính thấu cảm, biết thương người, giữ uy tín,… Tôi nghĩ mình và mẹ may mắn khi đã có với nhau một quá trình đủ, chứ mọi thứ không xảy ra quá đột ngột. Khi đó, hai mẹ con dành cho nhau sự sẻ chia để khi một người không còn ở bên, mình không có cảm giác hối tiếc, áy náy. 

Hồi trước tôi có đọc một vài câu chuyện nói là giỗ mẹ phải cúng thật to, cúng thật nhiều. Điều này bị phản đối khi tại sao lúc mẹ sống không dẫn mẹ đi ăn ngon, dành thời gian bên mẹ hơn. Câu chuyện đó tác động đến tôi rất nhiều! 

Khi mẹ còn bên tôi, có quãng thời gian tôi tạm gác hết mọi công việc chỉ để ở bên mẹ, các con. Bởi tôi biết mẹ không còn ở bên mình lâu, mẹ muốn đi đâu tôi cũng chở đi, thích gì tôi cũng mua, cũng sẽ dành. Cho nên khi mẹ rời đi, tôi cảm thấy mình may mắn hơn các em vì các em ở nước ngoài, sẽ áy náy rằng mình không về được, không ở bên mẹ những khoảnh khắc tuyệt vời đó. Tôi cảm thấy may mắn vì không áy náy, mặt khác tôi cũng là người được mẹ dặn gửi lại những gì mẹ muốn làm, ý nguyện của mẹ tôi cũng là người nắm rõ nhất. Vì vậy, tôi biết mình phải làm gì để hoàn thành ý nguyện còn dang dỡ!

Điều này có nghĩa là thời điểm đối diện với việc sức khoẻ yếu, bà vẫn giữ sự lạc quan để các con của mình đỡ phần nào sự không vui?

Mẹ tôi là một người kiên cường lắm! Thời trẻ, bác sĩ bảo sức khỏe của bà chỉ sống được đến năm 40 tuổi, vì bà đã bị một tai nạn năm 18 tuổi, dẫn đến việc mẹ chỉ còn 1 lá phổi. Bác sĩ khuyên không nên sinh con, lao động mạnh nhưng mẹ lại sinh 3 con, sinh thường và nuôi cả 3 trưởng thành, ăn học thành tài. Có những câu chuyện mà ba tôi cũng không biết luôn. Đỉnh điểm năm mẹ ba mươi mấy tuổi, mẹ đã chuẩn bị cho sự ra đi. Mẹ dành dụm, gửi cho người dì một số tiền để sau khi mẹ mất, số tiền đó có thể nuôi 3 anh em được 3 năm…

Tôi rất ít khi thấy mẹ bệnh, hầu như không có, có thể mẹ hơi sốt nhưng qua hôm sau mẹ lại khỏi ngay, nó hay vậy đấy! Cho nên điều đó làm cho những người thân không nghĩ rằng sức khỏe mẹ ngày một yếu. Mãi đến khi 2 năm trước dắt mẹ đi khám vì bệnh nặng, tôi mới biết mẹ chỉ có một lá phổi. 

“Ông trời cho mẹ thêm hai mươi năm để sống với tụi con. Vậy là vui rồi”, mẹ nói rồi cười.

Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh để lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau' Ảnh 3

Yình yêu thương vô tận dành cho các con cứ như một liều thuốc kỳ diệu, giúp bà kéo dài hơn sự sống vậy...

(Mắt đỏ)... Cả 3 người con, mẹ đều có 3 quyển album ảnh, từ lúc mới sinh đến lúc đi học, tốt nghiệp và cả sau này khi lớn lên. Thậm chí những lúc tôi mới bắt đầu theo con đường sáng tác, có những bài báo đầu tiên nói về tôi, mẹ đều cắt ra, dán vào trong quyển album. Bây giờ tôi cầm quyển album đó, tôi mới thấy nó giá trị thế nào.

Sau khi kết hôn bao nhiêu năm thì mẹ sinh anh?

Sau khi kết hôn, mẹ đã sinh anh tôi, tuy nhiên vì thiếu tháng nên anh mất. Tôi là người con mà gọi vui là “con cầu con khẩn”. Mẹ từng kể câu chuyện về tôi rất hay, tức là sau khi anh mất, mẹ rất buồn, cứ đi chùa cầu, và 2 năm sau thì có tôi. 

Mẹ bảo lúc đó mẹ đi chùa cầu: “Xin cho con một đứa con trai sáng sủa, khoẻ mạnh, tính tình thì không cần” (Bật cười). Vì xin tính tình không cần nên mẹ bảo suốt tuổi thơ tôi lỳ quá. Mẹ tôi bảo đặt nhiều kỳ vọng, ngay cả cái tên cũng vậy. “Chung” có nghĩa là chuông chùa, tên mẹ là “Kim”, là vàng, “Kim Chung” là cái chuông vàng. Mẹ bảo đặt tên xấu cho dễ nuôi!

Tôi cũng là đứa bị đòn nhiều nhất, bởi vì tính tình chướng và mẹ cũng muốn làm gương cho các em. Nhiều khi mẹ đánh đúng, nhưng cũng có khi đánh không đúng. Sau này mẹ mới bảo là xin lỗi tôi vì những trận đòn ấy, vì nhiều việc và stress, rồi thêm tôi lại chướng nữa nên mẹ đánh.

 Sau những trận đòn roi ấy, anh có giận mẹ không?

Hồi đó giận, kiểu thiếu niên nên tôi phản kháng. Nhưng sau giấc mơ mất mẹ 17 năm trước, tôi mới thức tỉnh. Chứ nếu mà ngoan ngoãn thì nhiều khi không được giấc mơ đó để thức tỉnh đó đâu.

Con cái sẽ không ít lần khiến ba mẹ buồn lòng, anh chắc hẳn cũng không ngoại lệ?

Cũng có những lúc tôi bướng bỉnh, như việc tự chọn con đường mình đi, học ngành mình muốn. Bây giờ điều này bình thường, nhưng trước kia thì không đâu. Ngày xưa mẹ thích tôi đi ban A, nhưng tôi biết mình không giỏi Toán – Lý – Hoá, nên tự chọn ban D. Ngày xưa việc tôi đi trái với nguyện vọng của ba mẹ đã khiến họ buồn lòng. Mẹ tôi chỉ cản lúc đầu thôi, dần về sau, thấy mình tốt với con đường đã chọn thì bà ủng hộ. Đó là sự động viên rất lớn mà mẹ dành cho tôi.

Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh để lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau' Ảnh 4

Trong hành trình sống của mình, đã bao giờ Nguyễn Văn Chung có một quyết định khiến mẹ đau lòng, thậm chí là hối hận?

Đến bây giờ có những chuyện không thành công vẫn mang lại nỗi buồn, sự hụt hẫng, nhưng để hối hận thì tôi không. Vì trong thời điểm đó, mình nghĩ quyết định của mình là đúng, hợp lý và nó mới góp phần tạo nên con người của mình bây giờ. Mặt khác nếu nói hối hận thì hoá ra mình coi thường những cảm xúc của mình lúc đó. 

Nhưng việc khiến mẹ tôi buồn lòng thì có hai việc, thứ nhất là việc tôi lựa chọn công việc viết nhạc, không đi theo quyết định của gia đình. Tôi và ba đã xảy ra mâu thuẫn và mẹ phải là người đứng giữa. Thứ hai là khi tôi tự quyết định cuộc sống hôn nhân. Tôi chọn một người tôi rất thương trong thời điểm đó, tôi nghĩ mình sẽ có  hạnh phúc nhưng cuối cùng lại không trọn vẹn.

Trước khi mẹ mất, điều mà mẹ anh đau đáu về anh là gì? 

Trước khi mẹ mất, điều mà bà lo lắng nhất là con trai của tôi. Trước đó mẹ vẫn hỗ trợ, giúp tôi chăm con khi phải đi quay xa. Nhưng trong quãng thời gian 2 năm qua, mẹ đã bắt đầu nói với tôi là “Má yếu rồi, chắc con phải tự lo nhé!”. Nghe xong, tôi biết mọi chuyện không ổn rồi và tập sắp xếp thời khóa biểu, chăm con... 

Tôi có cảm giác là mẹ đã chuẩn bị cho tôi mọi thứ từ trước. Cho nên khi mẹ ra đi, thời khoá biểu, cách chăm con vẫn như vậy. Tôi đã sẵn sàng mọi thứ nên không bị hụt hẫng, không bị khó khăn và mẹ không còn điều gì phải lo lắng về tôi nữa. Mẹ cũng gửi gắm tôi thay mẹ, chăm sóc cho ba cũng như hai em. Dĩ nhiên là các thành viên trong gia đình vẫn yêu thương nhau nhưng nếu mà nói để gắn kết thì không thể bằng mẹ. Ngay cả ba tôi cũng vậy bởi tôi và ba từng có mâu thuẫn.

Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh để lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau' Ảnh 5

Mâu thuẫn của anh và ba là gì?

Từ nhỏ, tôi và ba không thân thiết vì ba thường đi làm về rất trễ. Hầu như tuổi thơ tôi có rất ít kỷ niệm với ba… Tất cả chỉ có hình ảnh mẹ. 

Đến khi trưởng thành, tôi lại mâu thuẫn về con đường nghề nghiệp, khiến tôi và ba có thêm khoảng cách. Nhưng mà sau khi trải qua biến cố hôn nhân, tôi và ba gần gũi nhau hơn một chút. Là vì mẹ tạo cơ hội cho hai ba con đi du lịch, chia sẻ cùng nhau. Nhưng khi gần gũi hơn, nghe những câu chuyện mẹ kể về ba, khiến tôi có cảm giác ba hơi vô tâm với mẹ. Vì tôi thương mẹ, nên những người mà làm cho mẹ buồn thì làm sao tôi thích được, kiểu như vậy! Ba hơi vô tâm, hơi không nghĩ cho cảm xúc của mẹ nhưng tôi và ba vẫn nói chuyện được với nhau.

Tôi nghĩ không riêng gì anh đâu mà ba anh mới là người buồn nhất sau khi mẹ anh qua đời?

Đến khi mẹ mất rồi, tự nhiên tôi lại thấy thương ba! Bởi tôi nhìn thấy được hình ảnh ba chăm mẹ những ngày tháng cuối đời. Rồi trong suốt lễ tang và những ngày tháng sau đó, tôi nghĩ mình không phải người buồn nhất sau mà là ba. Vì một là tôi đã dành trọn vẹn tình cảm cho mẹ rồi, hai là tôi đã hoàn toàn tách khỏi sự lệ thuộc vào sự chăm sóc của mẹ. Nhưng ba tôi thì khác! 

Ba đi làm về, mẹ là người đợi cơm. Ba làm khuya, mẹ là người đợi cửa. Ba muốn chia sẻ gì, mẹ là người nghe. Và bây giờ ba lớn tuổi rồi nên ba cũng không có mục tiêu trong công việc. Ba cũng không có gì phải lo lắng như tôi hay các em để được cuốn đi. Ba tôi bây giờ khác, phải đối diện với 4 bức tường, với di ảnh của mẹ, ba tôi mới là người buồn nhất. Khoảng trống trong ba sẽ rất lớn và điều đó khiến tôi tự nhủ mình thương ba nhiều hơn.

Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh để lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau' Ảnh 6

Chắc chắn trong lòng mẹ anh cũng có sự tủi thân nhưng bằng sự bao dung, yêu thương nên bà có sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc...

Đúng như vậy! Mẹ hay nói xấu ba lắm, nhưng thấy tôi có thái độ không tốt với ba là mẹ nạt tôi liền. “Chỉ có mẹ được buồn, được trách ba thôi, con không được trách”, bởi ba đang làm đúng trách nhiệm với tôi. Mẹ kể xấu về ba như một cách để chia sẻ, giải tỏa nỗi buồn thôi chứ mẹ không muốn thấy tôi hỗn!

Có lẽ sự thấu cảm, hàn gắn của những mối quan hệ trong gia đình là món quà cuối cùng mà mẹ anh để lại cho gia đình của mình?

Trước đây tôi hay nói chuyện với hai em của mình, nhưng khi các em gặp khó khăn sẽ thường chia sẻ với mẹ, và rồi mẹ lại chia sẻ với tôi để cho anh em giúp nhau. Nhưng mà từ bây giờ, tôi và các em sẽ nói chuyện trực tiếp và sẽ giúp nhau. 4 người còn lại trong gia đình chúng tôi trở thành một khối gắn kết, đó là điều tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vời. Hồi trước mẹ là hạt nhân kết nối 4 người, còn bây giờ 4 người là một khối dưới sự quan sát của mẹ. Tôi nghĩ đây là điều giá trị nhất mà mẹ để lại...

Một người mẹ tuyệt vời như thế đã giúp ích gì cho anh trên vai trò làm ba?

Việc thiếu vắng tình thương của ba ở tuổi thơ khiến tôi hiểu được nhiều điều. Và những gì ngày xưa mình không có được, mình sẽ làm cho con. Ngày xưa mình muốn được cho tiền, đi chơi, mua đồ chơi… thì bây giờ mình sẽ cho con. Ngày xưa tôi không được ba dạy cho học, chơi cùng thì bây giờ mình làm cùng con. 

Mẹ tôi là người không giải quyết vấn đề ngày hôm nay luôn là chuẩn bị cho việc sẽ đến vào ngày mai. Và điều đó cũng giúp tôi có được quan điểm rất hay trong việc dạy con. Đó là không phải hôm nay cho con ăn ngon là thương con, mà là dạy con cách tự kiếm được món ăn ngon, để con phát triển khả năng, đầu tư vào việc học. Mặt khác, tôi cũng học được mẹ cách dạy con trở thành một người đàng hoàng, lương thiện, kiếm ít tiền cũng được, miễn sao là công dân có ích là được.

Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh để lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau' Ảnh 7

Thế giới của anh, khi còn mẹ và khi đã mất mẹ khác nhau như thế nào?

Thật ra tôi thấy mẹ vẫn còn trong suy nghĩ mình, chỉ là mình bị thiếu đi người để ngồi nói chuyện, nhìn thấy, dành thời gian cho mà thôi. 

Sự mất mẹ không ảnh hưởng đến suy nghĩ của tô. Nếu có cũng chỉ là ảnh hưởng tích cực. Tôi nhận thấy sau khi mất mẹ, tôi thương ba hơn, tôi có trách nhiệm với hai em nhiều hơn. Và tôi cũng thay mẹ giúp đỡ những người mẹ đang giúp. Trước khi mất, mẹ bảo có những người bà đang giúp và hãy thay bà giúp cho đến khi họ có khả năng tự lo. Thế nên tôi hứa với mẹ sẽ tiếp tục làm điều đó thay cho mẹ… Có nghĩa là mọi thứ vẫn vậy, chỉ khác người đại diện đứng ra làm thôi.

Có thể cảm nhận rõ sự trống vắng sau bi thương, nhưng nó cũng cho anh một bài học về sự bình thản?

Tôi rất thanh thản, bởi tôi có mặt trong từng khoảnh khắc của mẹ, không hối tiếc, không hối hận về những gì mình đã làm.

Cảm ơn những chia sẻ của Nguyễn Văn Chung trong buổi trò chuyện ngày hôm nay. Tin chắc rằng, ở một nơi nào đó, mẹ vẫn luôn dõi theo anh và gia đình và ở nơi xa ấy, bà sẽ mỉm cười với những gì mà con trai mình đã, đang và sẽ có được!

Nguyễn Văn Chung: 'Tôi bình tĩnh để lo tang lễ cho mẹ nhưng quên chuẩn bị cho sự trống rỗng phía sau' Ảnh 8