Phàm cái gì thuộc về đám đông, từ ca sĩ, diễn viên, người mẫu cho tới MC, nhà văn, nhà thơ hoặc lớn lao hơn là đạo diễn, biên kịch thì đều được/ bị công chúng chú ý một cách triệt để. Giờ bổ sung thêm vào danh sách bị quan tâm nữa là Hot-Blogger.
Nhưng, áp lực nhất có lẽ vẫn là Hoa hậu.
Hoa hậu không phải là gương mặt đại diện cho sắc đẹp quốc gia (trừ khi đi thi quốc tế), cũng chẳng phải là người phụ nữ đẹp nhất nước, càng không là gương mặt tiêu biểu của thanh niên thế hệ trẻ và cũng lại chẳng phải doanh nhân tiêu biểu hay nghệ sĩ xuất sắc. Thế nhưng, áp lực mà một Hoa hậu phải gánh thì lớn hơn rất nhiều những chức danh trên.
Đó là áp lực phải đẹp mọi lúc mọi nơi.
Áp lực là một điều đáng quý trong cuộc sống bởi chính nhờ điều đó mà con người mới tiến lên phía trước bởi áp lực của sự phát triển. Áp lực của thi cử là điều ai cũng từng trải qua để mong thoát nạn mù chữ từ ngưỡng cửa đại học. Từng số phận mới trở nên khấm khá hơn nhờ áp lực của sự thoát nghèo. Những bộ óc trở nên vĩ đại hơn bởi áp lực của sự sáng tạo vượt lên đám đông. Những đại gia cũng ngày càng nhiều bởi áp lực phài giàu có ngày càng mạnh mẽ trong đời sống.
Bên cạnh đó, mặt trái của áp lực là việc đời sống sẽ bị cuốn theo sức hút mãnh liệt đó, theo guồng quay công việc, theo nhịp sống đô thị, theo sự mời gọi đầy mãnh lực của từng mục tiêu đặt ra.
Nếu có hỏi ai đó đã từng mệt mỏi vì áp lực mình theo đuổi/ đeo đuổi thì có lẽ chắc cũng có đến gần 100% cánh tay giơ lên.
Thế nhưng áp lực của việc phải là hình mẫu của tất cả mọi người, từ đi đứng nói cười, phát biểu, hành vi, thói quen, tất tần tật mỗi khi bước chân ra khỏi nhà lại là một thứ áp lực đáng sợ và đầy nặng nhọc. Đó là áp lực của một Hoa hậu. Mà không chỉ Hoa hậu đương nhiệm mà đồ rằng tất cả các Hoa hậu từ đời đầu tiên tới mới nhất chắc hẳn ít nhiều vẫn mang vác những áp lực đó. Tới đây, sẽ có người nói, áp lực đó bạn tự nhận lấy khi quyết định đi thi và đội lên đầu chiếc vương miện đó.
Điều đó không sai nhưng có mấy ai được chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với áp lực nặng nề của “sứ mệnh vô hình” để bước đi đầy khoan thai như một “người-không-phàm”.
Hoa hậu là một danh hiệu, một sự may mắn đủ để cuộc đời của bất cứ cô gái nào đó cũng sang trang. Hoa hậu cũng là một danh hiệu mà hàng chục triệu cô gái ở độ tuổi xuân thì ai cũng mong muốn, ai cũng ước mơ, ai cũng chờ mong được xác lập một lần, dẫu rằng, đó chỉ là “hoa hậu” trong lòng một ai đó. Bởi vậy mới nói, bên cạnh sự thừa nhận, ủng hộ, yêu quý thì những trạng thái đối lập hẳn nhiên là cũng không thiếu. Con người mà. Đánh giá thường chủ quan, nhất là những thứ thuộc về mỹ thuật và nhan sắc.
Sự việc Kỳ Duyên hút thuốc lá bị ghi lại hẳn là một hình ảnh không đẹp. Nó không chỉ không đẹp chỉ với những cô gái bình thường mà nó càng không đẹp với một cô gái đang đội trên đầu chiếc vương miện của cuộc thi sắc đẹp lớn nhất nước. Có lẽ, Kỳ Duyên, một cô gái chỉ vừa đôi mươi, vẫn chưa ý thức hết được sứ mệnh và áp lực mà cô đang mang trên đôi vai gầy guộc của người thiếu nữ độ vừa bước vào đời. Kỳ Duyên vẫn còn đó nét hồn nhiên của một cô gái đất Bắc khi chạm chân vào giới showbiz đầy huyên náo. Kỳ Duyên vẫn còn đó sự lí lắc, vô tư của một cô con gái được chăm sóc bảo bọc.
Bởi vậy, đôi khi giữa những xa lạ trong một thế giới mới tinh thì việc bộc lộ bản thân mình cũng như sơ sẩy là điều không tránh khỏi.
Suy cho cùng thì Kỳ Duyên cũng vẫn là một cô gái với sự hồn nhiên không thể chối bỏ của độ tuổi đôi mươi. Dẫu có là Hoa hậu đi chăng nữa với sự “đánh đổi” đời sống riêng tư cho số đông một cách “phi văn bản” thì cũng sẽ có những lúc lơ là để rồi là một chút nuối tiếc bởi giá như mình cẩn trọng hơn giữa chốn đông người cũng như nền nã hơn trong hành động thì mọi nỗ lực xây dựng hình ảnh trước giờ có lẽ đã không bị phản tác dụng nhiều.
Sau tất cả, Kỳ Duyên đã xin lỗi, đã biết rằng mình đã có những hành động không đẹp vượt ra khỏi những chuẩn mực “vô hình” của một Hoa hậu thì có lẽ cũng đến lúc lời xin lỗi được chấp nhận một cách rộng lượng. Chả phải chúng ta vẫn thường dạy con cái mình phải biết bao dung, rộng lượng, khí khái vả biết cách tha thứ với lỗi lầm của người khác đó sao? Giờ có lẽ cũng là lúc người lớn nên nhẹ lòng hơn với những vụng dại của một cô gái chưa ý toàn bộ được áp lực mình đang có ở vị trí xã hội mà cô đã tiếp nhận.
Cuối cùng, đâu đó từ hồi tiểu học, chúng ta đã được học: “Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại“. Một lời xin lỗi chính thức dẫu sao cũng là một động thái “chạy lại” của cô gái “trẻ người non dạ” này!
Hãy bước lên từ những vấp ngã và học những bài học để đời từ những sai lầm nhé cô bé Kỳ Duyên!