Từ những năm 90 của thế kỷ trước, làng giải trí Hàn Quốc đã rất thành công trong việc đào tạo và ‘sản xuất’ ra một nghề nghiệp có tên là ‘thần tượng (idol)’. Từ những idol đời đầu tiên đến hàng loạt idol được ra mắt mỗi năm như ngày hôm nay dù có những sự khác biệt trong phong cách và âm nhạc nhưng nhìn chung họ đều là những người nghệ sĩ biết hát, biết nhảy, biết cả diễn xuất và quan trọng hơn hết họ được ra mắt với một mục đính lớn lao là làm hài lòng người hâm mộ.
Thông thường trong quá trình đào tạo một thực tập sinh để trở thành idol, công ty chủ quản đã phải tạo dựng nên một hình tượng mà công ty muốn người đó hướng đến, và trong suốt quãng thời gian kể từ khi ra mắt và hoạt động mọi người sẽ vô tình đóng khung người idol này trong loại hình tượng đã được xây nên dù đó có phải là con người thật của họ hay không. Loại hình quen thuộc dễ thấy nhất ở K-Pop là hoạt động theo nhóm nhạc, số lượng thành viên trong một nhóm không có giới hạn, các thành viên đều mang cho mình một phong cách riêng không ai trùng ai. Hơn thế nữa, thị trường K-Pop mà chúng ta nhìn thấy hằng ngày luôn hào nhoáng và đẹp đẽ, những vẻ ngoài xinh đẹp, những bài hát với ca từ ý nghĩa hay đơn giản chỉ là những đoạn phim thể hiện quá trình luyện tập gian khổ để có thể hoàn thành giấc mơ, rằng các thành viên trong nhóm đã cùng nhau trải qua những gì để đạt được thành công như ngày hôm nay. Tất cả những điều đó đều khiến người hâm mộ đồng cảm và thêm yêu quý thần tượng của mình, họ cảm nhận được thần tượng cũng sẽ gặp khó khăn như bao người chứ không hẳn lộng lẫy như lúc trên sân khấu, sau đó lấy đó làm động lực để phấn đấu hoàn thiện bản thân.
Nhưng câu hỏi được đặt ra rằng, những gì mà người hâm mộ nhìn thấy ở thần tượng của mình được bao nhiêu phần trăm là sự thật?
Không thể phủ nhận làng giải trí xứ sở Kim Chi đã và đang làm rất tốt công việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu. Chính nhờ sự ra đời của idol mà văn hóa fandom mới dần nhen nhóm xuất hiện với biết bao nhiêu điều thú vị, tất nhiên họ luôn làm mọi điều để nâng cao hình ảnh thần tượng của mình lên, chẳng tiếc bất cứ thứ gì kể cả thời gian, tiền bạc và công sức chỉ vì để được nhìn thấy những người mà họ yêu thương được thành công, phần nào biến giấc mơ của cô cậu thực tập sinh năm đó trở thành hiện thực. Người hâm mộ chấp nhận cho đi những thứ đó để nhận về những món quà tinh thần. Có những người chỉ được nhìn idol qua màn hình TV, điện thoại hay máy tính, chưa bao giờ được gặp hay tiếp xúc trực tiếp với idol nên đó chính là nguồn tư liệu duy nhất để họ có thể có để tìm hiểu và dành nhiều tình yêu hơn nữa cho idol. Nắm bắt được tâm lý đó nên làng giải trí Hàn Quốc nói riêng và các công ty chủ quản nói chung sử dụng rất nhiều phương án quảng bá tên tuổi và hình ảnh ‘gà’ nhà mình rộng rãi và nhiều nhất có thể. Phát hành album, biểu diễn trên các chương trình âm nhạc hàng tuần, tham gia show giải trí ở nhiều lĩnh vực,…với mục đích rất đơn giản là cho người hâm mộ được xem điều họ muốn xem và công ty thu lại lợi nhuận xứng đáng với những gì mình tạo nên. Có thể nói đây là một kế hoạch kinh doanh mang lại hiệu quả cao nhưng không phải không hình thành những vết sạn tồn đọng.
Sự đẹp đẽ mà thế giới K-Pop tạo ra lại như con dao hai lưỡi mà nạn nhân không ai khác chính là người idol và fan hâm mộ. Không những không thể làm chính mình mà còn phải thật sự thận trọng giữ gìn hình tượng khi xuất hiện trước mặt fan, vì ai cũng biết những quy tắc ngầm trong giới giải trí, khó khăn và áp lực phải hoàn hảo luôn luôn đè nặng bản thân người idol khiến họ dần dần cảm thấy bế tắc tột cùng. Nhưng bên cạnh đó, những người đáng thương không kém chính là fan hâm mộ. Fan hâm mộ nhìn thấy và yêu thương các thần tượng của mình, ủng hộ và tin tưởng có lẽ là hai yếu tố quan trọng nhất của một người khi nhận mình là fan của một nhóm nhạc hay ca sĩ nào đó. Cái họ nhìn thấy là sự thân thiện, tình cảm yêu quý fan và tình cảm các thành viên dành cho nhau sâu đậm ra sao, thân thiết như thế nào.
Các thành viên xem nhau như gia đình, vậy thì fan hâm mộ sẽ xem họ như là gia đình và tin mình cũng là một thành viên trong gia đình đó. Thế nhưng dẫu sao con người vẫn là con người, vẫn có những cảm xúc căn bản mà ai cũng có, tình cảm là một thứ không bao giờ có thể biết trước được, chẳng có điều gì là mãi mãi và không ai có thể đi cùng nhau đến suốt đời. Người ta thường nghe nhắc đến ‘Lời nguyền 7 năm’ rằng không có nhóm nhạc Hàn Quốc nào có thể hoạt động cùng nhau với đầy đủ các thành viên quá 7 năm, sự thật đã chứng minh ở rất nhiều nhóm nhạc như DBSK, BEAST, 4MINUTE,… kiện cáo công ty, bất đồng quan điểm, vấn đề sức khỏe và hàng trăm lý do được đưa ra cho sự ra đi. Dù sau đó cả hai bên đều có sự nghiệp riêng và ổn định nhưng ít ai nghĩ đến đâu đó vẫn có những fan luôn nhớ về những ngày đầu tiên và tiếc nuối cho một quá khứ khi còn trọn vẹn. Đôi khi họ nhận ra và tự hỏi liệu những gì mình tin yêu có thực sự đáng không vì họ chẳng thể biết được đâu là thật đâu là giả.
Hâm mộ ai đó không phải là chuyện xấu, nhưng tình yêu nào cũng có mặt phải mặt trái, huống chi là tình cảm giữa thần tượng và fan hâm mộ. Chấp nhận cầm lên con dao hai lưỡi này cũng đồng nghĩa với việc phải thật sự tỉnh táo và sáng suốt, đừng để tình cảm của bản thân trở thành vô ích và thất vọng với những gì đã tin tưởng.