Theo như NSƯT Thành Lộc từng chia sẻ rằng, nghề có ba vị Thánh tổ gồm Tiên Sư, Tổ Sư và Thánh Sư. Để tỏ lòng thành kính với Tổ nghiệp, hàng năm các nghệ sĩ Việt lại mang lễ vật đi cúng Tổ vào ngày 12/8 âm lịch. Không chỉ thế, trước một show diễn, chương trình quan trọng đều có bàn thờ Tổ ở trong hậu trường, cánh gà. Không ít lần người hâm mộ nhìn thấy hình ảnh nghệ sĩ thắp hương cầu Tổ nghiệp phù hộ.
Trong thế giới nghệ thuật, ngoài tài năng, ngoại hình hay các yếu tố liên quan tới nghề nghiệp thì có rất những điều yếu tố khác được người nghệ sĩ quan tâm và một trong số đó chính là những điều cấm kỵ mà không sao Việt nào dám phạm phải.
Thứ nhất, kiêng cho tiền hành khất. Theo lời truyền rằng, trong ba vị Thánh tổ có một người là ăn xin, chính vì thế mà các nghệ sĩ kiêng cho tiền vì họ nghĩ rằng cùng một ông Tổ thì không nên bố thí cho nhau.
Thứ hai, không mang mía và thị vào phòng thay đồ. Nguyên nhân là do trong hai vị Tổ còn lại có một vị là trẻ con. Nếu mang mía vào phòng thì vị Tổ này sẽ mải ăn mà quên chứng cho đêm diễn. Điều này sẽ dẫn đến việc các nghệ sĩ quên lời trên sân khấu. Tương tự như mía, thị cũng là thứ quả không được mang vào phòng thay đồ. Bởi mùi thơm của quả thị sẽ khiến nghệ sĩ mất tập trung.
Thứ ba, không cho trẻ con ngồi lên và đá chân vào rương đồ diễn. Ngày xưa, các nghệ sĩ đi diễn thì thường mang theo một rương đồ diễn và phụ kiện, đó cũng là nơi để nghệ sĩ ngồi trang điểm. Tuy nhiên, nếu để trẻ con ngồi lên và đá chân vào rương đồ thì trong Đoàn sẽ xảy ra cãi vã thậm chí là đánh nhau.
Ngoài ra, trong phòng hóa trang thì các nghệ sĩ phải yên lặng và tập trung nhất có thể chứ không được đùa giỡn hay nói tục, chửi bậy.
Thứ tư, cấm đi guốc vông lên sân khấu. Nguyên nhân là do cây vông được dùng để tạc tượng, làm cốt ông Tổ nên nếu đi guốc vông sẽ được xem là bất kính.
Thứ năm, không được khen đồng nghiệp làm mặt đẹp quá. Sau khi các nghệ sĩ trang điểm xong, không ai được phép khen người khác đẹp hơn. Nếu một nghệ sĩ được khen đẹp khi đang làm mặt thì phải xóa đi và làm lại từ đầu.
Thứ sáu, không được đụng vào trống. Khi kết thúc màn biểu diễn, các nghệ sĩ không được phép động vào trống. Tương truyền rằng trống là bộ phận trong cơ thể của ông Tổ chính vì thế mà sau khi “kiếm cơm”, nghệ sĩ phải trả lại cho ông.