Hành trình đến với Miss World 2019 của Lương Thùy Linh lại chính thức châm ngòi. Vừa qua để chuẩn bị tốt cho cuộc chiến sắp tới, Hoa hậu họ Lương đã bắt tay và thực hiện dự án nhân ái của mình ngay tại quê hương Cao Bằng với dự án làm đường bị sạt lở cho nhân dân đồng bào vùng cao. Lại một lần nữa chọn mảnh đất địa hình “dốc lên khúc khủy - dốc thăm thẳm” liệu dự án lần này có mang về may mắn cho đại diện Việt Nam như Tiểu Vy và Đỗ Mỹ Linh đã từng giật cú đúp trước đó?
Có thể nhận thấy sau khi Đỗ Mỹ Linh đóng một dấu triện bằng dự án Cõng điện lên bản làm lay động hàng triệu trái tim yêu cái đẹp trên toàn thế giới vào năm 2017. Cũng như việc tiếp nối thành tích Top 5 dự án nhân ái mà Tiểu Vy đã gặt hái được ở mùa giải Miss World 2018 thì Lương Thùy Linh chính thức ra tay cùng chung nhịp đập “xẻ núi làm đường” cho nhân dân đồng bào tại nơi chôn rau cắt rốn của mình. Như vậy điểm gặp gỡ của cả 3 nàng hậu chính là “tô son điểm phấn” cho đồng bào vùng cao với niềm mong mỏi cuộc sống ấm êm và đủ đầy. Tổng thể sự thiếu thốn về điện (dự án Đỗ Mỹ Linh), nước (dự án Tiểu Vy), xây đường (dự án Lương Thùy Linh) là bức tranh toàn cảnh thể hiện đúng tinh thần tiêu chí của dự án nhân ái đòi hỏi tính thiết thực và nhân văn cao cả. Bên cạnh đó điện - nước - đường chính là một trong những mối lo toan của đồng bào nhân dân vùng cao mỗi độ mưa lũ kéo về.
Dự án làm đường - Kết nối đồng bào nhân dân vùng ngược với miền xuôi của Lương Thùy Linh
Cao Bằng - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng cũng chính là quê hương của Hoa hậu Lương Thùy Linh. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất núi nhiều hơn đất chính bản thân Hoa hậu Thùy Linh từng chia sẻ: “Con đường để đến trường, để đi làm là con đường chỉ toàn đất đá với những hiểm nguy khi đường thì nhỏ mà bên thì vách núi bên lại bờ vực. Con đường ấy mỗi khi trời đổ mưa là sẽ hoàn toàn bị cô lập nhưng lại là con đường duy nhất kết nối sự sống của hơn 200 người với bên ngoài”.
Và địa phương mà Lương Thùy Linh chọn để san sẻ bớt phần nào mối lo toan về cuộc sống đi lại của đồng bào nơi đây chính là xóm Lũng Lìu - nơi đây chỉ có một con đường duy nhất kết nối 200 nhân khẩu trên núi với huyện. Con đường chỉ khoảng 2 km nhưng vô cùng khó đi. Đường nhỏ hẹp, đất đá lỏm chỏm, một bên là núi một bên là vực. Khi trời mưa, người dân ở đây gần như cô lập với bên ngoài vì con đường bị sạt lở, trơn trượt vô cùng nguy hiểm.
Các phương tiện giao thông gần như bất lực trước con đường ở đây, mỗi khi có người bệnh, cả xóm phải huy động người cùng nhau khiêng bệnh nhân xuống núi, 1 người bệnh cần đến 10 người khiêng. Việc “cõng đường lên núi” là một dự án rất khó khăn đúng như cô chia sẻ:
“Linh cảm thấy một con đường là thứ cấp thiết hiện nay với những hộ dân tại đây. Một con đường an toàn hơn, để trẻ em được đến trường, để người lớn đi làm, người bệnh có thể được cứu chữa nhanh chóng hơn và nhiều người hơn biết đến vẻ đẹp nên thơ mà cũng hùng vĩ của Lũng Lìu. Đường càng dài, đi càng khó, núi càng vời vợi, quyết tâm của Linh càng cao”.
Hình ảnh con đường không chỉ dùng để đi làm, dùng để đi học mà chính là điểm sáng - điểm tựa cho đồng bào Lũng Lìu hi vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Con đường này sẽ gieo nên những tiếng cười đùa của các em nhỏ miệt mài về sự nghiệp đèn sách và con đường ấy cũng sẽ dệt nên những mùa gặt, mùa vụ trổ bông trên thôn bản.
Rồi ngày mai đây thôi, “con đường” ấy sẽ được hiện thực hóa và sẽ theo chân cô Hoa hậu của mảnh đất Cao Bằng đến với đấu trường Miss World 2019 lan tỏa vẻ đẹp của lòng nhân ái, một trái tim đầy lòng trắc ẩn.
Dự án chở nước lên bản của Trần Tiểu Vy
Lại một lần chọn miền núi vùng cao để những trái tim thăng hoa cùng lòng nhân ái, Trần Tiểu Vy đã vẽ nên một bức tranh hoàn thiện về cuộc sống muôn màu của đồng bào bản Nịu nói riêng và nhân dân vùng cao nói chung. Không điện, không nguồn nước, không truyền hình mạng sự thiếu thốn hi vọng về một cuộc sống ăn no - mặc đủ ấm - nước đủ để sạch.
Năm 2018 - hoa hậu 18 tuổi Trần Tiểu Vy chọn mảnh đất đầy nắng đấy gió để thực hiện dự án nhân ái của mình. Quay về với bản Nịu không chỉ là chặng đường dài được tính bằng số km mà chính là bằng giọt mồ hôi xẻ núi phá đường để tiếp cận với tình dân quân tại địa bàn.
Bản Nịu ngày đấy là một địa bàn bao gồm khoảng hơn 38 hộ gia đình và gần 200 nhân khẩu, công việc chủ yếu của người dân là làm nương rẫy và chăn nuôi. Dân cư tại bản vẫn cất nhà theo hình thức nhà sàn, gia súc, gia cầm thả rong xung quanh nhà. Cả một bản làng dùng chung một dòng suối bao đời nay, cái giếng trời này cũng chính là nơi hẹn hò, nơi giặt quần áo, tắm rửa và là nguồn nước “sạch” cho các hoạt động ăn uống.
Dự án cõng điện lên bản của Đỗ Mỹ Linh
Yên Bái - mảnh đất “nặng nghĩa ân tình” bởi khi còn là thí sinh HHVN 2016, Đỗ Mỹ Linh ngẫu nhiên bốc thăm thực hiện dự án Thắp sáng làng quê của cuộc thi tại đây. Và một năm sau, cô quay trở lại để thực hiện lời hứa năm xưa chưa kịp làm và mô phỏng, nhân rộng dự án ấp ủ bao lâu của mình để mang nó đến với thế giới. Không còn đơn thuần là thắp lên những ánh đèn le lói trên những con bản mèo, mà Đỗ Mỹ Linh đã “cõng” tình người, tình yêu với trái tim giàu lòng nhân đạo từ đồng bằng về với miền núi, thành thị về nông thôn, từ miền ngược về miền xuôi.
Việc dồn hết tâm huyết cho dự án làm đường trên núi của Lương Thùy Linh nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của khán giả, đại đa số cho rằng đây lại là một “đứa con trên bản” tiếp tục sẽ được vinh danh và mang về thành tích tốt nhất cho Thùy Linh trên hành trình Miss World 2019. Cõng điện - khiêng nước - làm đường trên bản chắc chắn là dấu đẹp về thanh xuân của cả 3 nàng hậu khi triệu trái tim chung một nhịp đập. Và đó cũng chính là điểm gặp gỡ của họ khi thực hiện dự án nhân ái.