Giải Trí

Chuyện 'truyền thống' nhà YG: Nên giữ vẹn nguyên hay có một sự cải tổ rạch ròi?

Migi
Chia sẻ

Từng khiến người hâm mộ yêu mến với những "truyền thống" bất thành văn, nhưng YG của ngày hôm nay có đang thực sự làm đúng và tốt được điều đó?

Có một YG dù không hoàn hảo nhưng vẫn là niềm tự hào của cả nghệ sĩ lẫn người hâm mộ

Được mệnh danh là một trong 3 “ông lớn” của làng giải trí xứ Kim Chi, nhắc đến YG cách đây vài năm, người hâm mộ còn không ngớt tự hào. Bởi vì với họ, YG là một gia đình, nơi những nghệ sĩ được tôn trọng, đối xử công bằng, được đền đáp xứng đáng với những gì mà nghệ sĩ bỏ ra cho công việc. Khi ấy, vào YG đồng thời là mơ ước của nhiều nghệ sĩ, thực tập sinh khi mới bước chân vào showbiz.

Người ta gọi 3 “ông lớn” với cái tên SM Town, JYP Entertainment và YG Family. Từ “Family” bắt người với ý nghĩa các thành viên trong công ty đều coi nhau như những người anh em ruột thịt trong gia đình, với người đứng đầu - chủ tịch Yang Hyun Suk được kính trọng gọi là “bố Yang”. Truyền thống đó bắt nguồn từ BigBang, rồi dần dần qua đến những nghệ sĩ, nhóm nhạc hậu bối khác.

Truyền thống của YG là lựa chọn thành viên dựa theo tài năng đầu tiên, chứ không đặt nặng vấn đề nhan sắc của nghệ sĩ. Chính vì thế, những nhóm nhạc ra đời như BigBang, 2NE1 hay ca sĩ solo như Psy, Se7en đều được đánh giá rất cao về khả năng ca hát và trình diễn. Điểm mạnh này giúp công ty tồn tại ngày càng bền vững, được lòng cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn.

Chủ tịch YG Yang Hyun Suk.

YG có quy định phân chia nguồn tài nguyên thu được từ con người khá hợp lý, nghệ sĩ được nhận 40 - 60, thậm chí 70% lợi nhuận mà họ tạo ra cho công ty. Bên cạnh đó, việc một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng là điều các thực tập sinh luôn hướng tới. Được sự quan tâm, chỉ bảo từ dàn nghệ sĩ nổi tiếng, gạo cội, được hướng dẫn tập luyện trong điều kiện khắc nghiệt nhưng đầy chuyên nghiệp, có cơ hội debut hoành tráng nhất, YG của ngày xưa là điểm dừng mà vô số người trẻ muốn hướng tới để theo đuổi ước mơ âm nhạc. Nhưng giờ đây, YG ấy đang thay đổi.

Duy trì truyền thống xấu khiến fan la ó

Trước kia, fan YG từng hài hước chê cười chủ tịch Yang Hyun Suk với truyền thống “hứa lèo”. Tức là đặt lịch cho gà nhà comeback rất chắc chắn trong ngày này, tháng khác nhưng tới khi đó thì lại mất tăm, hoặc chỉ đơn giản tung ra một vài teaser bắt khán giả tiếp tục chờ đợi.

Một trong những truyền thống không mấy tốt đẹp nữa chính là việc công ty “lười” cho gà nhà comeback. Thật vậy, nhìn vào bảng lịch trình của nghệ sĩ, có thể thấy các ca sĩ, nhóm nhạc chỉ xuất hiện 1, 2 lần trong năm với các sản phẩm mới, thậm chí nhiều người tới vài năm mới comeback một lần. Lý do mà công ty đưa ra có đủ thứ, bao gồm việc YG sở hữu quá nhiều nghệ sĩ để quản lý và cho trở lại lần lượt, hay ca sĩ chưa sẵn sàng comeback vì chưa tìm được ca khúc như ý,… Vậy là nhiều khi suốt năm, idol chỉ bận đi tour, kiếm tiền cho công ty mà chẳng có thời gian phát hành một sản phẩm âm nhạc mới nào. Hoặc đôi lúc, họ buộc phải “nghỉ xả hơi” vì chưa đến lượt comeback hoặc thậm chí chưa kịp debut để bắt đầu sự nghiệp tại công ty mơ ước.

Lâu dần, cả hai “truyền thống” này đều trở thành nỗi ám ảnh với cả nghệ sĩ lẫn người hâm mộ. Bởi lẽ, “hứa lèo” mãi rồi sẽ chẳng có ai tin, mà “lười trở lại” thì nghệ sĩ cũng sẽ bị fan quên lãng. Cả thần tượng và fan đều không muốn vậy, nhưng chẳng biết cách nào để xóa tan lối mòn cũ rích mà YG vẫn áp dụng hàng chục năm qua. Sự hài hước lâu dần thành tẻ nhạt, tất cả trở thành thói vô trách nhiệm, đem con bỏ chợ của YG đối với thanh xuân của những ca sĩ mà công ty nắm giữ.

Thay đổi truyền thống tốt đẹp từng là niềm tự hào

YG từng là nhà, là tổ ấm an toàn mà mỗi nghệ sĩ đều muốn thuộc về trong quá khứ. Thế nhưng YG hiện tại đã khác xưa, khi chủ tịch Yang Hyun Suk và bộ máy lãnh đạo công ty dần lấy mất niềm tin từ nghệ sĩ và các fan của họ.

Thời gian qua, lần lượt từng sự việc liên quan đến 2NE1, Se7en, T.O.P,… nhiều người lờ mờ nhận ra mối quan hệ giữa YG với những “con gà đẻ trứng vàng” không mấy khăng khít như họ vẫn tưởng. Công ty luôn tìm cách né tránh trách nhiệm, im lặng, thậm chí bỏ rơi nghệ sĩ khi họ lâm vào cảnh khó khăn. Họ biện bạch rằng đó là chuyện làm sai, “có làm, có chịu” nhưng hành động vứt bỏ đó, phải chăng đã quá tàn nhẫn với những người từng cống hiến cả tuổi thanh xuân cho công ty?

Gần đây nhất, chuyện YG cố gắng “quỵt” số tiền bản quyền nhạc số của G-Dragon bằng cách không coi Kwon Ji Yong là một album thực thụ hay chỉ cử 2 vũ công duy nhất tới concert riêng của Seungri càng làm fan thất vọng. Sự quan tâm, độ lượng của người được gọi là “bố Yang” đối với các con, sự công bằng tối thiểu trong việc đối xử giữa các nghệ sĩ đâu rồi?

Truyền thống đáng quý nhất của YG chính là việc chọn lựa, lăng xê nghệ sĩ dựa vào tài năng thay vì diện mạo, thế nhưng điều đó giờ đây dường như cũng đang bị thay đổi. Nhóm nhạc nữ BlackPink là ví dụ điển hình cho điều đó. Không phải vì họ không có tài, mà có vẻ như chủ tịch Yang đang quá chú ý đến Jennie - cô nàng có diện mạo xinh đẹp nhất nhóm.

Được xuất hiện trong các sản phẩm của đàn anh, đàn chị sớm hơn các thành viên còn lại, được đứng giữa khi góp mặt trước đám đông, được mặc trang phục nổi bật hơn 3 người khác,… đó là những đặc quyền của riêng Jennie mà bất kỳ ai trong BlackPink cũng không có được. Đôi khi, người ta còn cay đắng gọi nhóm với cái tên Jennie và những người bạn.

Có thể cô nàng Jennie xinh đẹp và tài năng, nhưng việc để cô nàng nổi bật vượt trội hơn các thành viên khác dường như là quá lố. Vì Jisoo, Rose và Lisa cũng tài năng và xinh đẹp lắm mà! Họ cũng có người hâm mộ, cũng bị tổn thương trước sự ưu ái quá mức từ công ty đối với cô nàng Jennie. Hơn nữa, cũng chưa chắc Jennie là người tài giỏi nhất của BlackPink, trong mắt rất nhiều người hâm mộ.

Tình trạng báo động, nên hay không có một cuộc cải tổ tức thì?

YG đang rơi vào tình trạng báo động, đó là điều mà không chỉ công ty, chính các nghệ sĩ và người hâm mộ cũng có thể dễ dàng cảm nhận được. Mất đi con bài chủ chốt BigBang khi 4/5 thành viên lên đường nhập ngũ, công ty dần mất đi vị trí vốn có, rớt xuống thứ 3 trong top các “ông lớn” của showbiz Hàn. Không những thế, lần lượt từng nghệ sĩ chờ đợi quá lâu đã chọn cách rời xa công ty quản lý giàu tiềm năng nhưng ít cơ hội thực tế này.

Fan yêu thần tượng, nhưng họ không phải là những kẻ ngu ngốc. Bỏ tiền đi concert không thành vấn đề, nhưng họ sẽ cân nhắc khi mua đi mua lại một album được tái bản nhiều lần, hay những món đồ nhân danh thần tượng mà thực tế chẳng liên quan. Cái họ cần là nghệ sĩ trở lại, một khi công ty không thực hiện được điều đó, họ sẽ phải gánh chịu làn sóng chỉ trích, phẫn nộ vô cùng lớn đến từ chính những người hâm mộ này.

Bản thân người nghệ sĩ, một khi cảm thấy không an toàn ở công ty, họ lựa chọn để mất cơ hội tốt nhất để kiếm tìm thực tế, còn hơn để cả tuổi thanh xuân trôi qua trong chờ đợi. Và một khi nghệ sĩ quyết định ra đi, còn gì để YG có thể giữ chân người hâm mộ?

Sự “ngó lơ” hay quan tâm quá mức của công ty đối với bất kỳ nghệ sĩ nào cũng là con dao hai lưỡi. Ai đó được quan tâm quá mức vô hình trung sẽ khiến khán giả cảm thấy không vừa mắt, bất công, rồi sinh ra ghét bỏ, mang lại tác dụng ngược với những gì mà YG mong muốn. Thế nên, thay vì đặc biệt quan tâm tới cá nhân ai, YG nên trở lại đối xử bình đẳng với tất cả mọi người. Có như vậy thì “bố Yang” mới nhận được sự “tâm phục, khẩu phục” từ những “đứa con” của mình.

Nhìn chung, cho đến ngày BigBang trở lại, YG vẫn nên có một cuộc cải tổ về đường lối, chính sách phát triển công ty. Hướng đi hiện tại đang đưa đến nhiều sai lầm nhìn thấy trước mắt, nhưng có vẻ ban lãnh đạo còn đang loay hoay chưa quyết định đường lối của riêng mình. Và nếu khi ra quân, cả con át chủ bài BigBang, hay tệ hơn là những nhóm nhạc bị “ngó lơ” liên tục trong hiện tại: Akdong Musician, CL, Winner,…cũng đi nốt thì chuyện khủng khiếp gì sẽ xảy đến với YG đây?

Chia sẻ

Bài viết

Migi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất