Đến tham dự chương trình có sự góp mặt của Nguyên phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, ông Lâm Văn Đoan – Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch MTTQVN TPHCM cùng nhiều lãnh đạo các cấp thành phố và quận huyện, các vị đại diện doanh nghiệp, các Chuyên gia nghiên cứu rối loạn phổ tự kỷ, đại diện các giáo viên trường học giáo dục Chuyên biệt, gia đình và các em tự kỷ, các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.HCM.
Trong 03 năm đầu triển khai hoạt động, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng bằng sự nỗ lực và kiên trì của PNJ và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, các đơn vị hợp tác như Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Mạng lưới các cơ sở can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển, Nhóm chuyên gia trong các lĩnh vực giáo dục đặc biệt, xã hội học, tâm lý, y tế... giúp cho dự án đạt được nhiều thành tựu.
“Trong hơn 3 năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức và cả những rào cản buổi ban đầu, nhưng tôi thực sự tự hào khi phải nói rằng PNJ và Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã rất dũng cảm làm những điều chưa ai dám làm, vượt qua mọi trở ngại để viết nên một hành trình nhiệm màu cho các em tự kỷ. Dẫu vẫn còn nhiều điều cần làm ở phía trước, nhưng với niềm tin và trách nhiệm, chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục làm nhiều hoạt động tầm vóc hơn để giúp đỡ các em và đạt được những mục tiêu của dự án”, Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ xúc động bày tỏ.
Chương trình nhận được sự đóng góp vật chất và tinh thần của nhiều đơn vị, cá nhân, đặc biệt là anh Cao Tiến Vị - chủ tịch Quỹ ASIF, câu lạc bộ doanh nhân Sao đỏ, ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Sacombank, Dragon Capital, Eurowindow, Tập đoàn Kido, Phúc Khang, Geleximco, Hùng Hậu Holdings, Talentnet, ALPHANAM, Phú Thái, DHA Corp, Unibrand Group …với tổng số tiền thu được gần 5,4 tỷ đồng để tiếp tục các hoạt động ý nghĩa dành cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam.
“Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đóng góp về vật chất cũng như tinh thần cho dự án như anh Cao Tiến Vị - chủ tịch Quỹ ASIF, câu lạc bộ doanh nhân Sao đỏ, ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Sacombank, Dragon Capital, Eurowindow, tập đoàn Alphanam, Tập đoàn Kido, Phúc Khang, Citicom, Geleximco, Hùng Hậu Holdings, Thái Hưng, Talentnet, Phú Thái, DHA Corp, Unibrand Group, Cty khoáng sản và xây dựng Bình Dương, tổng công ty GAET, Western Pacific… để chúng tôi có thêm nguồn Quỹ thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hơn cho cộng đồng trẻ tự kỷ.” Bà Dung chia sẻ thêm.
Dù trời đổ mưa lớn nhưng khán phòng vẫn đầy ghế. Mở màn chương trình, nhóm kịch NSƯT Mỹ Uyên, đội Sơn ca nhà thiếu nhi quận 3 và vũ đoàn Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM đã tạo nên nội dung Chương 1 với chủ đề Mở cửa nhận thức - Đón nắng nhiệm màu đầy cảm xúc.
NSƯT Mỹ Uyên bộc bạch: “Uyên đã hóa thân vào rất nhiều vai bà mẹ, nên với vai diễn trong chương trình lần này Uyên rất thích. Với trẻ tự kỷ, điều trên hết là người lớn chúng ta phải biết yêu thương và san sẻ. Uyên cũng có một người bạn, cô có con tự kỷ và đứa trẻ vẽ tranh rất đẹp. Gia đình của họ rất hòa nhập với cộng đồng, họ đưa con ra ngoài vui chơi như một đứa trẻ bình thường. Nhìn thấy được điều đó, Uyên rất thương bạn mình và càng thương đứa trẻ nhiều hơn. Nên khi được lời mời đến với chương trình này, Uyên nhận lời ngay, không do dự. Và mình đã diễn bằng tất cả sự thấu hiểu cũng như tình yêu thương của mình dành cho những đứa trẻ tự kỷ”.
Điểm sáng của chương trình thuộc về ca sĩ Hiền Thục. Cô mở màn chương 2 Dang rộng yêu thương - Trao nhau hạnh phúc. Trong tà áo dài trắng thướt tha, Hiền Thục hóa thân vào vai người mẹ có con mắc chứng tự kỷ, thể hiện ca khúc rất được yêu thích Nhật ký của mẹ, sáng tác Nguyễn Văn Chung. Dù đã hát bài hát này hàng trăm lần, Hiền Thục vẫn không khỏi xúc động rơi nước mắt khi biểu diễn. Trong hậu trường, Hiền Thục tâm sự: "Cảm giác khi Thục hát Nhật ký của mẹ luôn nguyên vẹn vì bài hát đúng là một cuốn nhật ký, từ đầu đến cuối, từng câu chữ cũng như giai điệu đều rất tình cảm."
Nói thêm về trẻ tự kỷ, Hiền Thục cũng bày tỏ lý do nhận lời tham gia chương trình lần này: "Dù xã hội hiện nay rất mở nhưng chúng ta không thể hiểu hết các con. Bản thân là một người mẹ, Thục rất thấu hiểu nỗi đau của những người mẹ có con tự kỷ. Có nhiều cách xoa dịu nỗi đau này. Thục hy vọng phần nào âm nhạc có thể san sẻ bớt. Thục mong mỗi người chúng ta hãy quan tâm và thấu hiểu những em bé tự kỷ hơn. Và mong rằng những việc chúng ta đang làm sẽ mang lại nhiều điều hạnh phúc hơn cho các con."
Đặc biệt, ca khúc chủ đề của chương trình Lan tỏa yêu thương do nhạc sĩ Việt Anh sáng tác được ca sĩ Quang Dũng trình bày đã nhận được nhiều sự hưởng ứng của khán giả có mặt tại sự kiện. Quang Dũng cho biết: “Quang Dũng rất tự hào và hạnh phúc khi được chia sẻ nỗi niềm nào đó trong chương trình, một chương trình rất ý nghĩa. Với ca khúc chủ đề, có lẽ Nhạc sĩ Việt Anh đã dành nhiều tâm huyết viết nên, vì vậy câu chuyện của bài hát cũng như từng ca từ vô cùng ấm áp vô cùng tình cảm. Vì vậy khi trình bày, Quang Dũng rất xúc động, muốn chia sẻ tình yêu thương này."
Chương trình lần này cũng là sân khấu hiếm hoi ca sĩ Quang Dũng hát cùng Phan Đinh Tùng, ca khúc Hòa nhịp con tim. Cùng với gia đình, Phan Đinh Tùng đã tham gia tất cả các hoạt động bên lề rất nhiệt tình, mong góp sức nâng cao nhận thức về trẻ tự kỷ.
Không chỉ đong đầy cảm xúc với các tiết mục biểu diễn, chương trình còn tạo bất ngờ khi mời được dàn sao Việt cùng nhau chia sẻ thông điệp yêu thương dành cho trẻ tự kỷ, thông qua video clip ngắn chiếu trên màn hình. NSƯT Thành Lộc, ca sĩ Cẩm Vân, ca sĩ Mỹ Tâm, Bùi Lan Hương, gia đình ca sĩ Hoàng Bách, Nhạc sĩ Huy Tuấn, Nhạc sĩ Đức Trí, Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Thủ môn Bùi Tiến Dũng...đều dành những lời cổ vũ, động viên và kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng dành cho các em.
Đến tham dự chương trình, nghệ sĩ Cát Phượng xúc động rơi nước mắt. Nữ nghệ sĩ bộc bạch: “Tôi luôn bị cuốn theo công việc, và nghĩ rằng đi làm sẽ có tiền để lo cho con, nhưng không phải như vậy. Những đứa trẻ cần được yêu thương, không phải cho tiền là xong, mà phải hỏi han, ôm ấp, cho chúng cảm nhận được tình cảm. Khi con tôi bắt đầu lớn, tôi không còn tham gia nhiều chương trình như trước, thay vào đó tôi dành thời gian để ở gần con để hiểu con nhiều hơn. Cảm nhận của tôi và con trai khi đến tham dự chương trình này đó là một cảm xúc khó tả, lâng lâng."
Khép lại chương trình, khán phòng nhà hát Hòa Bình rực rỡ trong vô vàn màu sắc của những chiếc chong chóng được tất cả khán giả giơ cao. Một hoạt động ý nghĩa trong một dự án dài hơi đã thành công tốt đẹp, hy vọng có thể phần nào lan tỏa tình yêu thương đến với những đứa trẻ tự kỷ, dành một sự động viên to lớn đến các gia đình trong hành trình chăm sóc con đầy khó khăn và thử thách.