Mỗi năm vào dịp giáp Tết thế này, tôi lại phải nghe thấy tiếng thở dài thườn thượt của mọi người xung quanh: “Đang yên đang lành lại đến Tết”, “Tết năm nay chẳng có không khí gì”…
Những câu nói ấy khiến tôi bất chợt nhớ về những kí ức xưa, lòng tôi chùng xuống với câu hỏi vọng về từ quá khứ: “Tết xưa - nay đâu?”
Như một nét cố hữu trong lòng người, Tết đến là lúc con người ta mở rộng lòng mình xóa bỏ đi những cái cũ để đón lấy những điều mới mẻ. Cuộc sống phố thị huyên náo khiến con người ta có cái nhìn “hiện đại” về Tết và thay đổi một cách mau lẹ để đón nhận chúng. Chúng ta vội vàng chạy đua, rồi vội vàng đón Tết.
Hôm nay, tôi đi qua một khu chợ, bắt gặp một cụ bà đang khoe với cô nào đó về câu đối đỏ đang nâng niu trên tay. Trong ánh mắt cả hai, đọng đầy sự hạnh phúc, phấn khởi khi nhìn những nét vẽ rồng phượng uyển chuyện. Rồi một người phụ nữ thôn quê, mặc chiếc áo dài đang cầm những cành đào nở nụ hồng bé xíu rao bán nơi ngõ chợ.
Tết ở đó, vẫn chẳng thay đổi giá trị. Chỉ có điều chúng ta cảm nhận Tết khác nhau thôi!
Tết ở khu chợ, quanh mái bếp mẹ nấu bánh, trong trái tim của tất cả những người thân quen mình đó thôi
Cuộc sống khiến con người ta sống vội vàng: đi vội, uống vội, làm việc vội,… đến đón Tết cũng vội. Từ bao giờ, con người có thói quen sử dụng những thứ có sẵn, cần gì thì vào siêu thị mua là có. Từ bánh chưng, con gà, đồ ăn nhanh, cho đến mứt Tết, bánh kẹo… Chính vì thế, Tết đã nhạt nhòa đi nhiều.
Một trong những nét đặc trưng của ngày tết Nguyên đán đó là họp chợ mua sắm. Những thức đồ do chính tay người lao động làm ra, rồi đem bán ở những khu chợ cũ, món ăn là cả tâm huyết, bí quyết gia truyền của gia đình, như thế chẳng phải ý nghĩa hơn sao? Rồi hình ảnh của các bà, các mẹ xách giỏ nan đỏ đi chợ mua con gà, nải chuối hay chiếc bánh chưng, cười nói, chọn đồ tỉ mỉ sao thấy rộn ràng hân hoan hơn hẳn.
Và Tết chẳng phải ở đâu xa, ngay trên những hàng quán xưa cũ vài chục năm đong đầy cả tuổi thơ kỉ niệm. Nơi hàng quán bán đủ thứ: nào là ô mai, sấu, mơ, mận, bò khô…. cho tới những tấm bao lì xì đỏ thắm. Tết là ở đấy chứ đâu. Những hàng quán mang “hạnh phúc” ngày Tết về từng nhà thật ý nghĩa làm sao.
Rồi Tết còn là mong đợi, là háo hức của những đứa trẻ thôn quê. Khác hẳn với những đứa trẻ thành thị, quần áo mua sắm quanh năm, suốt tháng, Tết đến được gia đình sắm sửa tiện nghi cho đi du lịch… Với đứa trẻ thôn quê, chúng háo hức mong chờ ngày Tết để có những bộ quần áo mới khoe với bạn bè khắp làng, ngõ xóm. Cảm giác của những đứa trẻ thôn quê được sắm những bộ quần áo mới vào dịp Tết chúng trân trọng hơn nhiều.
Đến hình ảnh của ông đồ râu dài, tóc bạc phơ với áo the, khăn xếp, cuối năm được mọi người đến nhà xin viết câu đối cầu may mắn cũng chẳng thấy đâu. Thay vào đó là hình ảnh của những ông đồ trẻ cũng áo the, khăn xếp bày bán chữ viết nơi vỉa hè có chút gượng gạo…. Tôi bất giác, tự hỏi: Từ khi nào con chữ của thầy đồ được nâng niu, trân trọng một thời, giờ lại trở thành thứ bày bàn nơi đường phố chỉ cần vài chục ngàn là có thể mua?
Ý nghĩa của Tết thực ra chẳng ở đâu xa. Là những thứ giản dị, hiện hữu trong cuộc sống của chính chúng ta. Giữa muôn vàn lo toan, bận rộn mà ta vô tình chọn những cách sắm Tết, đón Tết khác nhau mà vì thế Tết nhạt dần đi nhiều.
Tết mỗi năm có một lần, sao lại than Tết nhạt nhẽo?
Có một điều mà ai cũng sẽ nhận ra: Lao vào những cuộc đua với thời gian, theo đuổi khát vọng chinh phục cuộc sống, tìm kiếm trải nghiệm đường đời….. chúng ta dần rời xa tình cảm gia đình!
Tự hỏi, trong một năm có bao nhiều ngày cho bố mẹ, người thân? Sao cứ phải chọn dịp Tết để đi du lịch rồi lại than rằng Tết “nhạt nhẽo”?
Khi còn trẻ, chúng ta vẫn thường nuôi những khát vọng chinh phục, cho rằng tuổi trẻ phải “tự do”, phải hoài bão. Có những người tha hương họ khao khát về quê ăn Tết còn không được, chúng ta bên gia đình ăn Tết thì lại muốn rời xa. Một năm có 365 ngày, có tận 12 ngày nghỉ phép, vậy tại sao ta không đi du lịch mà cứ chọn dịp Tết?
Chúng ta cho rằng đi du lịch đón Tết chính là cách để “thoát” khỏi Tết gò bó, tẻ nhạt. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ tới: nơi chúng ta trở về là gia đình, nơi bố mẹ, anh em vẫn trông mong bóng dáng chúng ta mỗi ngày. Bạn nghĩ sao khi chiều 30, mùng 1 Tết, gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp, còn bạn đang ở một nơi xa nhâm nhi ly rượu vang nghe những ca khúc rộn ràng đón chào năm mới. Rồi lại hỏi bản thân: Mọi người giờ này ở nhà làm gì nhỉ?
Bạn có nhớ về những sáng mùng 1 cả nhà tất bật làm cơm đầu năm, rồi chiều bước xuống phố trong cái không khí se lạnh, đi chúc Tết không? Nhớ chứ! Đó là cảm giác hoài niệm, là những thứ in sâu trong tâm thức dù bạn muốn quên cũng chẳng được.
- Một năm có 365 ngày, chúng ta dành bao nhiêu ngày cho công việc?
- Chắc là cỡ 350 ngày nhỉ?
- Còn thời gian khác làm gì?
- Đi chơi cùng bạn bè, du lịch, hay chơi game, mua sắm… Và còn bao nhiêu là dành cho gia đình?
Sẽ rất khó để trả lời những câu hỏi ấy. Bởi chúng ta cứ bị cuốn mãi trong sự nhộn nhịp, hiện đại của cuộc sống mà quên rằng bên gia đình là ý nghĩa nhất, thiêng liêng nhất.
Cứ đến Tết, lòng chúng ta lại chùng xuống, nhìn về một năm đã có và mất những gì. Mùa xuân đến, Tết về là tuần hoàn, nhưng mỗi cái Tết 'chán' hay tươi đẹp đều tự mỗi bản thân chúng ta tạo ra.
Tết này, hãy ở nhà, dành thời gian bên gia đình, cùng nhau đón một cái Tết êm ấm chẳng phải tốt hơn việc đi du lịch hay sao? Hãy dành những thời gian quý báu ngày đầu năm để ở bên gia đình, dành sự quan tâm, yêu thương với người thân. Những khát vọng, hoài bão khám phá, ước mơ vẫy vùng của tuổi trẻ, ta gác lại sang một năm mới thực hiện nhé!
Về nhà thôi, chúng ta lại trở thành những đứa trẻ ngày nào được ông bà, bà mẹ yêu thương, mong đợi mỗi lần quay về. Bên gia đình ngày Tết ta sẽ quên đi những lo toan, bộn bề ngoài kia.