Năm nay, nhờ thời tiết cực đoan, khắc nghiệt mà người dân Việt Nam mới được dịp hồ hởi chứng kiến những cảnh tuyết rơi đẹp lãng mạn như “nước người ta”. Những ngày vừa rồi, dân du lịch nô nức kéo nhau lên Sapa, Lạng Sơn… ngắm tuyết. Nhiều người trong số họ cũng không quên vận động quyên góp tiền, đồ dùng, thực phẩm từ thiện cho những người dân nghèo miền núi. Cũng không thiếu người chụp và gửi về những bức ảnh phản ánh tình trạng thiếu thốn của người dân nơi đây.
Nhưng ở đâu có sự kiện lớn, lạ lùng là ở đó chắc chắn không thể thiếu các ý kiến trái chiều. Trong khi cư dân mạng rầm rộ kêu gọi quyên góp thì một bộ phận khác lại lên tiếng phủ nhận sự nghèo khó của người dân tại các vùng núi này.
Chủ một đơn vị kinh doanh du lịch tại Sapa cho biết hàng năm có rất nhiều cá nhân, tổ chức tài trợ từ thiện cho địa phương. Ngoài ra, cảnh tượng nghèo khó của người dân nơi đây mà du khách thường bắt gặp đôi khi chỉ là những màn kịch. Một số người thấy cái lợi lớn có thể kiếm được từ khách du lịch nên đã đẩy con em mình đi ăn xin ngoài phố. Nhiều phản hồi trên mạng cho hay những bức ảnh chụp trẻ con miền núi cởi truồng, quần áo phong phanh giữa mùa đông giá rét thực chất chỉ là một chiêu “móc tiền” từ thiện của bố mẹ chúng.
So với mặt bằng chung cả nước, Sapa vẫn là một địa phương còn tồn tại nhiều khó khăn. Nghèo do trình độ, ý thức chưa được nâng cao. Khó do vùng miền xa xôi, hẻo lánh, cơ sở vật chất (đường xá, giao thương, điện nước, vệ sinh, y tế…) vẫn còn lạc hậu, thời tiết cực đoan (mỗi đợt giá rét về, trâu bò lợn gà chết rét, cây trồng ngoài vườn dập nhũn vì sương giá, băng tuyết).
Tuy nhiên, Sapa cũng không nghèo khó như mọi người lầm tưởng. Nhờ sự phát triển của du lịch mà người dân nơi đây đã có việc làm và thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, địa phương miền núi này cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể, tổ chức và cá nhân.
Các tấm lòng hảo tâm cần xem xét lại cách sử dụng đồng tiền, cách trao tặng lòng cảm thương và chia sẻ của mình cho những phận người kém may mắn khu vực vùng cao. Những đồng tiền, những tấm áo, những gói thực phẩm rất thiết thực, rất quý giá nhưng chúng chỉ là “những con cá” có tác dụng trước mắt. Để giải quyết vấn đề dài hạn, chúng ta cần phải giúp người dân nơi đây học để cầm lấy cái “cần câu cơm”.
Hãy giúp cho các em nhỏ được tới trường, học cái chữ, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đừng vì suy nghĩ ngắn hạn của mình mà vô tình biến các em nhỏ và người dân miền núi trở thành những kẻ lười biếng, ăn xin, chỉ trông chờ vào lòng thương hại của chính quyền và mọi người.
Ngoài ra, chúng ta đừng chỉ dồn tất cả công sức, tiền bạc để hỗ trợ một vùng nổi tiếng nhờ du lịch mà cũng cần phải san sẻ tấm lòng mình cho nhiều nơi nghèo khó khác. Cả Đông và Tây Bắc còn rất nhiều nơi thực sự khó khăn hơn Sapa như Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu… Việc làm từ thiện nào cũng đều xuất phát từ cái tâm nhưng nó sẽ ý nghĩa hơn nếu được đặt đúng lúc, đúng chỗ.