Tương ớt hay tương giòi?
Ngày 1/8, Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết đã tiêu hủy hơn 7 tấn tương ớt có giòi. Tại cơ sở này có 7 thùng phi và bể chứa dùng để làm tương ớt. Điều đáng nói, trong tất cả những vật dụng này đều có giòi bò lúc nhúc, bốc mùi hôi thối. Qua kiểm tra, ông Thành không có giấy tờ chứng minh được phép kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Để sản xuất tương ớt, ông Thành dùng ớt bột, phụ gia mua trôi nổi trên thị trường, muối… ủ ngâm trong vòng 3 tháng. Sau đó, ông mang hỗn hợp này nấu đặc và đi ủ cho đến khi ra tương ớt để xuất ra thị trường. Mỗi ngày, ông xuất xưởng vài trăm lít tương ớt.
Giấm chả cần “nuôi” cứ pha là bán được!
Nước lã, trộn với axít, ủ trong 3 tiếng biến thành giấm ăn, đây là cách mà một cơ sở sản xuất ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk làm ra hàng trăm lít giấm mỗi ngày để bán cho bà con sử dụng trong bữa ăn. Theo đó, chủ cơ sở khai nhận, mỗi ngày 2 lần, dùng một thùng nhựa cho 180 lít nước lạnh trộn với 5.5 lít axit Axetic và ủ trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Sau đó đóng chai, dán nhãn mác đem đi tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ gần 18.000 lít giấm ăn được sản xuất theo cách nước lã trộn với axit. Hiện Công an tỉnh Đắc Lắc đang hoàn tất hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định.
Những nồi nước lèo… không xương!
Đến chợ hóa chất, hỏi bất kỳ tiểu thương nào về gói gia vị siêu ngọt để nấu nước lèo cho phở hoặc hủ tiếu, bạn cũng được hướng dẫn nhiệt tình. Theo người bán, chỉ cần một lạng gia vị siêu ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc, bạn có thể làm cho 20 nồi nước dùng ngọt như nước nấu từ xương nhưng hậu quả của nó gây ra cho người dùng còn nguy hiểm hơn thuốc độc. Nó có thể gây ung thư hoặc làm biến đổi gen con người.
Chăn nuôi gia súc bằng….. Salbutamol!
Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh vừa kết thúc kế hoạch 5 năm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý là thông tin tỷ lệ mẫu vi phạm tồn dư kháng sinh ở động vật vẫn ở mức cao, chiếm 27,1% trong 3 năm qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng. Qua kiểm tra 553 mẫu cho thấy, trung bình có 27,1% số mẫu được khảo sát bị phát hiện tồn dư kháng sinh. Trong đó, Sulfadimidin là 14,8%; Tetracycline là 12%. Tình trạng tồn dư kháng sinh trên cơ sở so sánh trong 2 năm qua cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có sự tăng vọt.
Nếu năm 2014 chỉ có 17,6% mẫu thịt bị phát hiện tồn dư kháng sinh thì sang năm 2015, tỷ lệ mẫu bị phát hiện tăng lên 39,6%. Riêng đối với sản phẩm gia súc, từ năm 2011 đến 2015, các ngành chức năng đã kiểm tra 484 lô hàng gia súc thịt heo và lấy 1.784 mẫu nước tiểu tại cơ sở giết mổ phân tích kiểm tra các chất cấm phát hiện có tới 61 lô có tồn dư chất tăng trọng; 57 lô bị phát hiện dương tính với chất tạo nạc nhóm Beta-agonist.
Hải sản bẩn: Từ biển xa đến nghĩa địa gần!
Cơ quan chức năng đã phát hiện tại kho đông lạnh của cơ sở của một người chủ hàng tên Phương đang có hàng chục mặt hàng thủy sản như: tôm, mực một nắng, cá viên, chả cá, càng cua bọc tôm, cá trứng…; nhiều mặt hàng không có nhãn hiệu, nguồn gốc, không có hạn sử dụng.
Bà Phương thừa nhận, kho đông lạnh của cơ sở rộng 6m2, sức chứa khoảng 800kg hải sản. Trong kho có nhiều mặt hàng được bà Phương nhập trôi nổi trên thị trường về dự trữ rồi bán lại. Để đánh lừa người tiêu dùng, bà Phương tự in nhãn mác của Công ty TNHH SX TMDV XD thực phẩm Mê Công có địa chỉ tại Q.9 gắn vào bao bì sản phẩm để bán ra thị trường.
Những quả tim lợn từ 1982!
Không đi mua tim đông lạnh tại các chợ, nhiều khách hàng tìm đến tim đông lạnh nhập khẩu trên các trang mạng và nghĩ rằng đây là thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, khi tiến hành điều tra, thực chất số tim này đều có xuất xứ, nguồn gốc không rõ ràng. Ngoài lời chào bán tim đông lạnh nhập khẩu Tây Ban Nha, Mỹ, … chủ cửa hàng không có bất cứ giấy tờ nào chững minh số tim này được nhập khẩu cũng như độ an toàn của thực phẩm. Không những thế, chủ cửa hàng còn thản nhiên cho biết số tìm này được sản xuất năm 1982. Giá của số tim này khi mua nhiều sẽ được chủ cửa hàng bán với giá 37.000 đồng/kg, trong khi tim lợn tươi trên thị trường có giá 250.000/kg.
Cá Cơm tẩm hàng the và thuốc trừ sâu!
Tại hiện trường cơ quan chức năng lập biên bản thu giữ 2 can nhựa màu xanh chứa hóa chất tẩy rửa dùng trong ngành công nghiệp dệt ( H202), 12kg hàn the và 155 kg cá cơm thành phẩm đã sử dụng chất tẩy rửa công nghiệp và dương tính khi test nhanh với que thử hàn the. Đây là cơ sở chế biến cá cơm có quy mô lớn, rộng hơn 1ha.Trung bình mỗi ngày cơ sở này chế biến khoảng 2 tấn cá cơm thành phẩm để bán ra thị trường.
Giá đỗ béo múp… nhờ hóa chất Trung Quốc!
Ngày 19/10, tại Bến Tre có đến 14 cơ sở sản xuất giá đỗ dùng hóa chất tẩy trắng giá đỗ có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại khu vực Nghệ An, đội quản lý thị trường số 2 và cảnh sát giao thông đã phát hiện ra 80.000 ống hóa chất và 2 tấn giá đỗ đã được tẩm ngâm qua hóa chất.
Cải bắc thảo hay rác rơm?
Nhập rau có nguồn gốc từ bãi rác về, cơ sở ông Biểu cho vào máy xay nhuyễn, sau đó cho vào bồn ngâm. Trong quy trình “phù phép” rau nhặt từ bãi rác thành cải bắc thảo, ông Biểu sử dụng một loại bột màu vàng và một loại bột màu trắng. Tại kho hàng của cơ sở ông Biểu, phát hiện có nhiều túi bột màu vàng nghi là phẩm màu và loại chất bảo quản màu trắng có xuất xứ Trung Quốc. Theo dây chuyền sản xuất, sau khi đã được xay nhuyễn cải bắp chỉ được tưới qua một lần nước, sau đó bỏ vào bồn ngâm. Với quy trình chế biến của cơ sở này, mọi chất bẩn từ bãi rác bám theo rau vẫn còn nguyên cho đến khi thành phẩm. Đầu ra của những loại thực phẩm kém chất lượng này là các khu chợ đầu mối và các quán ăn lề đường.
Khi nấm Trung Quốc “đội lốt” nấm Việt Nam!
Những gói nấm của một số doanh nghiệp chuyên cung cấp như trong bài báo nêu ra là LHG, trên bao bì lại có ghi xuất xứ Trung Quốc với dòng chữ ghi rõ được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp chứng nhận năm 2013. Trong khi gói nấm đóng gói giữa tháng 11/2016, thời hạn sử dụng 30 ngày lại không rõ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đó của Bộ Y tế là cấp cho lô hàng nào, có còn hiệu lực không? Tuy nhiên khi trao đổi với các tiểu thương, thì hầu như tất cả các tiểu thương đều có cái nhìn vô cùng hời hợt về nguồn gốc và không quan tâm đến chất lượng của những sản phẩm mình bán. Nhiều tiểu thương còn quả quyết cho rằng, nấm này được trồng tại Củ Chi, Việt Nam.
Rau củ tươi xanh nhờ hóa chất… dệt may!
Để có vẻ ngoài bắt mắt, các loại rau củ tại chợ đầu mối đều được tẩy rửa bùn đất. Đặc biệt, những lô hàng bị héo do không kịp tiêu thụ, được người bán xử lý bằng hoá chất, giúp chúng tươi lại như mới thu hoạch. Pha một kg bột hóa chất màu trắng có tên gọi là chất tẩy đường vào 100 lít nước, các tiểu thương tại một số chợ ở TP.HCM có thể làm “hồi sinh” 400-500kg rau, củ, quả. Theo đó, rau nhập trước đó cả tuần mà vẫn không hề úng, hư khi đến tay người tiêu dùng. Đó là các loại hóa chất công nghiệp được bán với giá 20.000 - 50.000 đồng mỗi kg. Do quá trình ngâm lâu, khi ngấm vào thực phẩm, những chất này sẽ kết hợp với những thành phần khác làm biến đổi chất lượng và ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi năm các doanh nghiệp có thể thu lại lợi nhuận lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên sẽ phải bỏ ra bao nhiêu ngàn tỷ đồng để chữa những căn bênh cho những người ăn?
Hiện thực phẩm nông lâm thủy sản có nguồn gốc đưa về TP. HCM tiêu thụ chiếm đến 80% tuy nhiên công tác quản lý an toàn thực phẩm còn chưa nghiêm ngặt để phát hiện kịp thời có biện pháp thu hồi và xử lý tận gốc.